Hà Giang ở miền nào, Hà Giang giáp tỉnh nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hà Giang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế trong những năm gần đây. Nhiều bạn đang băn khoăn muốn tìm hiểu Hà Giang ở miền nào; Hà Giang thuộc Đông Bắc hay Tây Bắc, Hà Giang nằm ở cực nào của Việt Nam; Hà Giang giáp tỉnh nào… Cùng tìm hiểu về vị trí địa lý tỉnh Hà Giang trong bài viết dưới đây.

1. Hà Giang ở miền nào?

Hà Giang ở đâu? Tỉnh Hà Giang thuộc vùng nào? Bạn có biết Hà Giang nằm ở cực nào của Việt Nam?

Hà Giang là một trong những tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của Việt Nam. Điểm cực Bắc của Hà Giang cũng là điểm cực Bắc của đất nước. Các điểm cực của lãnh thổ tỉnh Hà Giang có tọa độ:

  • Điểm cực Bắc (cách Lũng Cú khoảng 3 km về phía Đông): 23°13' vĩ độ Bắc
  • Điểm cực Tây (cách Xín Mần khoảng 10 km về phía Tây Nam): 104°24' kinh độ Đông
  • Cực Đông (cách Mèo Vạc khoảng 16 km về phía Đông - Đông Nam): 105°30' kinh độ Đông

Với vị trí địa lý của mình, tỉnh Hà Giang có vị trí địa - chính trị quan trọng nơi biên giới của đất nước.

Tỉnh Hà Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện là:

  • 01 thành phố: Hà Giang
  • 10 huyện: Mèo Vạc; Hoàng Su Phì; Vị Xuyên; Đồng Văn; Yên Minh; Bắc Quang; Quản Bạ; Bắc Mê; Xín Mần; Quang Bình.

Trong đó, TP Hà Giang là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hoá của tỉnh.

2. Hà Giang giáp tỉnh nào?

Khi tìm hiểu về vị trí địa lý tỉnh Hà Giang, nhiều bạn không chỉ muốn biết Hà Giang ở miền nào mà còn muốn biết Hà Giang giáp tỉnh nào; phía Đông Hà Giang tiếp giáp với tỉnh nào; phía Bắc Hà Giang tiếp giáp với đất nước nào; Hà Giang giáp tỉnh nào Trung Quốc…

  • Khu vực phía Đông của tỉnh Hà Giang tiếp giáp với tỉnh Cao Bằng.
  • Phía Tây và Tây Nam giáp với hai tỉnh: Lào Cai và Yên Bái.
  • Khu vực phía Nam giáp với tỉnh Tuyên Quang.
  • Phía Bắc giáp với hai tỉnh: Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc. Đường biên giới dài hơn 277 km.

Hà Giang cách Hà Nội bao nhiêu km?

Hà Giang cách Hà Nội khoảng 300 km. Thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hà Giang khoảng từ 7 - 10 tiếng đồng hồ tùy thuộc vào loại phương tiện và cung đường đi.

Hà Giang ở đâu trên bản đồ?

hà giang ở đâu trên bản đồ
(Ảnh: TUBS/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

3. Điều kiện tự nhiên tỉnh Hà Giang

Những thông tin tìm hiểu Hà Giang ở miền nào, Hà Giang thuộc Đông Bắc hay Tây Bắc... sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điều kiện tự nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nơi đây.

Hà Giang có diện tích là bao nhiêu?

Tỉnh Hà Giang có diện tích là 7.884,37 km2.

3.1. Điều kiện địa hình

Tỉnh Hà Giang nằm trong khu vực vùng núi cao ở phía Bắc của lãnh thổ Việt Nam. Địa hình của tỉnh Hà Giang là một quần thể núi non hùng vĩ, hiểm trở. Độ cao trung bình của địa hình từ 800 - 1.200 m so với mực nước biển. Tỉnh Hà Giang có nhiều ngọn núi cao với 49 ngọn núi có độ cao từ 500 - 2.500 m.

Địa hình của tỉnh Hà Giang có thể chia thành 3 vùng:

Khu vực vùng cao phía Bắc (hay cao nguyên Đồng Văn)

  • Gồm các huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ.
  • Khu vực này có 90% diện tích là núi đá vôi; đặc trưng cho dạng địa hình karst. Địa hình ở đây có những dải núi đá tai mèo sắc nhọn và những khe núi sâu, hẹp; nhiều vách núi dựng đứng.

Vùng cao phía Tây

  • Bao gồm các huyện: Xín Mần và Hoàng Su Phì.
  • Khu vực này là một phần của cao nguyên Bắc Hà; thường được gọi là vòm nâng sông Chảy. Địa hình ở đây có độ cao từ 1.000 m đến trên 2.000 m; phổ biến có dạng vòm hoặc nửa vòm; yên ngựa; quả lê xen kẽ với các dạng địa hình dốc bị chia cắt mạnh, có nhiều nếp gấp.

Vùng núi thấp

  • Bao gồm các huyện và thành phố còn lại; từ huyện Bắc Mê, TP Hà Giang kéo dài đến Vị Xuyên và Bắc Quang.
  • Đây là khu vực có những dải rừng già xen kẽ những thung lũng có địa hình tương đối bằng phẳng nằm dọc theo các sông, suối.

3.2. Đặc điểm khí hậu

Tỉnh Hà Giang nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa. Là tỉnh thuộc miền núi cao, khí hậu của tỉnh Hà Giang về cơ bản mang những đặc điểm đặc trưng của vùng núi Việt Bắc - Hoàng Liên Sơn; đồng thời cũng có những đặc điểm riêng. Khí hậu ở đây lạnh và mát hơn các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc; nhưng ấm hơn các tỉnh ở khu vực Tây Bắc.

Nhiệt độ trung bình năm khoảng từ 21,6°C - 23,9°C. Biên độ nhiệt trong năm có sự dao động lớn. Vào mùa hè, nhiệt độ có thể lên tới 40°C (vào tháng 6, tháng 7). Vào mùa đông, nhiệt độ có thể xuống thấp tới 2,2°C (vào tháng 1).

3.3. Điều kiện thuỷ văn, sông ngòi

Các con sông lớn chảy qua địa phận tỉnh Hà Giang đều thuộc hệ thống sông Hồng như: sông Lô, sông Chảy, sông Gâm. Hệ thống sông, suối ở đây có mật độ tương đối dày. Hầu hết các con sông có độ nông sâu không đều, độ dốc lớn; có nhiều ghềnh khác. Đặc điểm mạng lưới sông ngòi này ít thuận lợi cho hoạt động giao thông đường thủy.

Ngoài ra, tỉnh Hà Giang còn có một số sông ngắn và nhỏ khác như: sông Nho Quế, sông Bạc, sông Chừng, sông Miện; cùng nhiều khe suối lớn nhỏ. Hệ thống sông, suối này cung cấp nước phục vụ cho nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của dân cư.

4. Đặc điểm kinh tế - xã hội Hà Giang

Việc tìm hiểu Hà Giang ở miền nào sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này.

Thúc đẩy thương mại biên giới và chế biến chè

Tỉnh Hà Giang có 07 huyện biên giới. Trên tuyến biên giới, Hà Giang đã có 01 cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ - Thiên Bảo; và 03 cặp cửa khẩu phụ.

Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, điều kiện địa hình và đất đai đặc thù, Hà Giang có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng; đặc biệt là cây chè. Trong đó, chè Shan tuyết là cây trồng chủ lực trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Trong những năm qua, chuỗi sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang, đặc biệt là sản phẩm chè hữu cơ không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà còn được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu với giá cao.

Ước tính năm 2022, giá trị sản xuất ngành chè đem lại cho tỉnh Hà Giang là hơn 650 tỷ đồng (chiếm khoảng 9 - 10% giá trị sản xuất của ngành trồng trọt). Sản phẩm chè Shan tuyết được xem là “vành xanh" của vùng đất núi rừng cực Bắc.

Với những dãy núi đá tai mèo ở khu vực phía Bắc và những cánh rừng bạt ngàn ở khu vực phía Nam, tỉnh Hà Giang có cảnh quan môi trường độc đáo, hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm

Năm 2010, Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu. Tháng 9/2012, Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang được công nhận là Di tích Quốc gia.

Các địa điểm du lịch nổi tiếng khác ở Hà Giang có thể kể đến như: thác nước Quảng Ngần; cổng Trời; Suối Tiên; đèo Mã Pí Lèng; sông Nho Quế; hẻm Tu Sản; khu chum vàng; khu Nậm Má; dinh thự họ Vương; thung lũng Sủng Là - Lũng Cẩm; rừng thông Yên Minh; bãi đá cổ Xín Mần; cột mốc số 0…

Một điểm hấp dẫn khác là thế mạnh trong ngành du lịch của tỉnh Hà Giang đó là du khách có thể quá cảnh sang tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Ưu thế này tạo thuận lợi phát triển du lịch và thương mại hai chiều; góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Trên đây là những thông tin tham khảo về tỉnh Hà Giang khi tìm hiểu Hà Giang ở miền nào; Hà Giang thuộc Đông Bắc hay Tây Bắc; Hà Giang giáp tỉnh nào… Đến với Hà Giang, bạn sẽ có một hành trình khám phá nơi địa đầu đất nước với những cung đường, dòng sông tuyệt đẹp và cảnh sắc thiên nhiên núi cao hùng vĩ.

Mạnh Hùng

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Hà Giang ở miền nào, Hà Giang giáp tỉnh nào?