Phú Thọ ở miền nào, Phú Thọ ở miền Bắc hay miền Trung?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phú Thọ được biết đến là vùng đất Tổ, cội nguồn của dân tộc Việt Nam với di tích lịch sử đền Hùng. Nhiều bạn đang băn khoăn muốn tìm hiểu Phú Thọ ở miền nào, Phú Thọ ở miền Bắc hay miền Trung; Phú Thọ là tỉnh hay thành phố, Phú Thọ giáp tỉnh nào… Cùng tìm hiểu về vị trí địa lý tỉnh Phú Thọ trong bài viết dưới đây.

1. Phú Thọ ở miền nào?

Phú Thọ ở đâu? Tỉnh Phú Thọ thuộc vùng nào?

Phú Thọ thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; có tọa độ địa lý từ 20°55' - 21°43' vĩ độ Bắc và từ 104°48’ - 105°27' kinh độ Đông.

Tỉnh Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính cấp huyện là:

  • 01 thành phố: Việt Trì
  • 01 thị xã: Phú Thọ
  • 11 huyện: Phù Ninh; Lâm Thao; Thanh Thuỷ; Thanh Ba; Hạ Hòa; Thanh Sơn; Yên Lập; Tân Sơn; Tam Nông; Đoan Hùng; Cẩm Khê.

Trong đó, TP Việt Trì là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hoá của tỉnh.

2. Phú Thọ giáp tỉnh nào?

Khi tìm hiểu về vị trí địa lý tỉnh Phú Thọ, nhiều bạn không chỉ muốn biết Phú Thọ ở miền nào mà còn muốn biết Phú Thọ gần tỉnh nào, Phú Thọ giáp tỉnh nào; phía Nam Phú Thọ giáp với tỉnh nào, Phú Thọ có giáp Hà Nội không, Phú Thọ có thuộc Hà Nội không...

  • Phía Bắc của tỉnh Phú Thọ tiếp giáp với tỉnh Tuyên Quang.
  • Khu vực phía Nam giáp với tỉnh Hoà Bình.
  • Khu vực phía Đông tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc.
  • Phía Đông Nam giáp với TP Hà Nội.
  • Phía Tây giáp với hai tỉnh: Sơn La, Yên Bái.

Phú Thọ có biển không?

Với vị trí địa lý của mình, tỉnh Phú Thọ là địa phương không có biển.

Phú Thọ cách Hà Nội bao nhiêu km?

Tỉnh Phú Thọ cách trung tâm Hà Nội khoảng 80 km; nằm cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 60 km.

Phú Thọ cách TPHCM bao nhiêu km: Khoảng hơn 1.700 km.

Phú Thọ nằm ở đâu trên bản đồ?

phú thọ ở đâu trên bản đồ
(Ảnh: TUBS/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

Bản đồ tỉnh Phú Thọ

bản đồ tỉnh phú thọ

Ý nghĩa vị trí địa lý tỉnh Phú Thọ

Là tỉnh nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Đồng bằng sông Hồng, vị trí địa lý tỉnh Phú Thọ có ý nghĩa là trung tâm của khu vực tiểu vùng Đông - Tây Bắc. Địa phương này là vùng chuyển tiếp giữa khu vực miền núi phía Bắc và khu vực đồng bằng, có vị trí ở “đỉnh” của tam giác đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.

Ở vị trí là cửa ngõ phía Tây của thủ đô Hà Nội, tỉnh Phú Thọ là đầu mối trung chuyển; giao lưu kinh tế - xã hội giữa các tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam và hai tỉnh: Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc.

Tỉnh Phú Thọ được bao bọc giữa hai dãy núi: Ba Vì và Tam Đảo; tựa lưng vào vùng đồi núi san sát như bát úp nằm ở phần cuối của dãy núi Hoàng Liên Sơn; đồng thời quay mặt hướng ra vùng đồng bằng Bắc Bộ phì nhiêu, màu mỡ.

Với vị trí địa lý trên, tỉnh Phú Thọ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, kết nối giao thương với các địa phương trong nước và quốc tế.

3. Điều kiện tự nhiên tỉnh Phú Thọ

Những thông tin tìm hiểu Phú Thọ ở miền nào sẽ mang đến cho bạn nhiều thông tin thú vị về điều kiện tự nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương này.

Phú Thọ có diện tích là bao nhiêu?

Tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích tự nhiên là 3.534,6 km2.

3.1. Điều kiện địa hình

Tỉnh Phú Thọ có địa hình bị chia cắt tương đối mạnh do nằm ở phần cuối của dãy Hoàng Liên Sơn; là nơi chuyển tiếp giữa miền núi cao và miền núi thấp, gò đồi. Địa hình có độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.

Địa hình của tỉnh Phú Thọ có thể chia thành hai tiểu vùng là:

Khu vực tiểu vùng Tây Nam (hay hữu ngạn sông Hồng)

Bao gồm các huyện: Cẩm Khê; Thanh Thuỷ; Tam Nông; Tân Sơn; Thanh Sơn; Yên Lập; và một phần của huyện Hạ Hòa.

Khu vực này có lợi thế phát triển trồng cây ôn đới; cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày; cây lâm nghiệp; chăn nuôi đại gia súc; khai thác khoáng sản; du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái…

Khu vực tiểu vùng Đông Bắc (hay tả ngạn sông Hồng)

Bao gồm: TP Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện: Đoan Hùng; Thanh Ba; Phù Ninh; Lâm Thao và phần còn lại của huyện Hạ Hòa.

Đặc trưng của khu vực này là các đồi gò thấp, được phát triển trên phù sa cổ xen kẽ với những ruộng và cánh đồng ven sông.

Tiểu vùng này tương đối thuận lợi phát triển cây lương thực; cây công nghiệp; cây ăn quả; chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.

3.2. Đặc điểm khí hậu

Tỉnh Phú Thọ nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng là mùa đông khô, lạnh, lượng mưa ít, có gió mùa Đông Bắc thịnh hành; mùa hè nắng nóng, mưa nhiều; có gió mùa Đông Nam thịnh hành.

Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23°C. Tổng lượng mưa trung bình năm từ 1.600 - 1.800 mm.

Khí hậu của tỉnh Phú Thọ phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng nông nghiệp, phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc.

3.3. Điều kiện thuỷ văn, sông ngòi

Tỉnh Phú Thọ có 03 con sông lớn là: sông Hồng, sông Lô và sông Đà. Cùng với hàng chục sông, suối nhỏ khác, mạng lưới sông ngòi của tỉnh Phú Thọ là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Hệ thống sông, suối chảy qua tỉnh Phú Thọ có hàm lượng phù sa tương đối lớn khoảng 1 kg/m3; khiến các dòng chảy thường bị bồi lấp.

Nhờ hệ thống thuỷ văn này, tỉnh Phú Thọ có điều kiện phát triển giao thông vận tải đường thuỷ; đồng thời có đủ nguồn nước mặt cung cấp cho hoạt động phát triển KT-XH của các địa phương trong tỉnh.

4. Đặc điểm KT-XH tỉnh Phú Thọ

Những thông tin tìm hiểu về vị trí địa lý Phú Thọ ở miền nào sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này.

Lợi thế về giao thông vận tải

Tỉnh Phú Thọ nằm trên nhiều tuyến đường giao thông đường bộ, đường sắt quan trọng ở miền Bắc là: Quốc lộ 2; cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tuyến đường sắt xuyên Á.

Tỉnh Phú Thọ cũng có lợi thế về phát triển giao thông đường thuỷ. Địa phương này nằm trên tuyến giao thông đường thuỷ chạy từ Trung Quốc qua các tỉnh phía Tây của vùng miền núi Đông Bắc hội tụ ở Phú Thọ rồi nối với Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành khác.

Là nơi hợp lưu của ba con sông lớn ở miền Bắc là sông Hồng, sông Đà và sông Lô, TP Việt Trì được gọi là “thành phố ngã ba sông". Tổng chiều dài vận tải đường sông của tỉnh Phú Thọ là 235 km. Cảng sông Việt Trì là một trong 3 cảng sông lớn ở miền Bắc; có công suất khai thác mỗi năm có thể đạt 1,0 triệu tấn.

Vùng đất cội nguồn

Phú Thọ được biết tới là vùng đất cội nguồn của dân tộc với di tích lịch sử đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, TP Việt Trì).

Phú Thọ cũng có nhiều danh lam thắng cảnh, điểm du lịch hấp dẫn như: đầm Ao Châu; Vườn Quốc gia Xuân Sơn; Ao Giời - Suối Tiên; khu nước khoáng nóng Thanh Thuỷ…

Trong nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trên đây là một số thông tin tham khảo giúp bạn hiểu rõ hơn khi tìm hiểu Phú Thọ ở miền nào; Phú Thọ ở miền Bắc hay miền Trung; Phú Thọ giáp tỉnh nào… Đến với Phú Thọ, bạn sẽ có một hành trình khám phá vùng đất Tổ với nhiều giá trị văn hoá truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mạnh Hùng

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Phú Thọ ở miền nào, Phú Thọ ở miền Bắc hay miền Trung?