Câu chuyện tu luyện của Phật Mật Lặc Nhật Ba (4): Bắt đầu cuộc sống bi thảm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phật Mật Lặc Nhật Ba tiếp tục nói:

Sau khi chúng tôi mai táng phụ thân xong, mọi người bàn bạc và nhất trí quyết định, tất cả tài sản hoàn toàn quy về mẫu thân cai quản, nhưng người bác và người cô đều kiên quyết nói với mẫu thân rằng: “Tuy cô là chí thân, nhưng chúng tôi thanh nhàn hơn cô, chúng tôi quyết không muốn mẹ con cô chịu khổ, do đó cần chiểu theo di chúc, toàn bộ tài sản sẽ do chúng tôi quản lý”.

Người cậu của ta và phụ thân của Kết Trại tuy đã nói rất nhiều lý do nên để mẫu thân ta quản lý, nhưng họ nhất quyết không nghe. Thế là tài sản của con trai do người bác quản lý, tài sản của con gái do người cô quản lý. Các tài sản khác thì người bác và người cô chia đôi. Họ còn nói với 3 mẹ con chúng ta rằng: “Bắt đầu từ bây giờ, chúng tôi sẽ chăm sóc tốt ba mẹ con cô”.

Sau khi nói xong câu này, thì tài sản của 3 mẹ con chúng ta đã hoàn toàn tan rã rồi.

Thế là trong mùa hè nóng nực, người bác bắt chúng tôi phải cày ruộng. Mùa đông giá rét, người cô bắt chúng tôi phải dệt lông cừu. Đồ ăn của chúng tôi đều là những thứ cho chó ăn, quần áo chúng tôi mặc rách rưới vô cùng, dây buộc thắt lưng là dùng cỏ bện thành sợi dây và nối với nhau. Từ sáng đến tối chúng tôi làm lụng vất vả, một chút rảnh rỗi cũng không có.

Làm việc quá độ khiến chân tay chúng tôi đều bị nứt nẻ, máu chảy ra từ những vết nứt trên da. Quần áo mặc không đủ ấm, thức ăn không đủ no, da thịt đều chuyển sang màu xám tái, ai nấy đều gầy gò chỉ còn da bọc xương.

Ta nhớ khi xưa trên búi tóc trên đầu ta có cuộn dây buộc tóc, nào là vàng, đá quý tùng nhĩ. Sau này, những trang sức quý như đá tùng nhĩ và những thứ khác đó dần dần không còn nữa, chỉ còn lại sợi dây thừng màu nâu đen. Cuối cùng, khắp đầu đều là chấy. Trứng chấy làm tổ trong những lọn tóc bù xù. Những người trông thấy mẹ con ta đều mắng người bác và người cô tàn nhẫn.

Da mặt của người bác và người cô giống như da bò vậy, hoàn toàn không có chút xấu hổ nào, họ càng không để tâm đến những lời chỉ trích chê cười này. Do đó mẫu thân ta gọi người cô là hổ cái quỷ, không gọi tên Quỳnh Sát Ba Chính nữa.

Cái tên hổ cái quỷ sau này lưu hành trên miệng người dân trong làng. Lúc đó dân làng đều xôn xao nói: “Cướp tài sản của người ta, còn đối đãi với chủ nhân cũ như chó giữ nhà. Thiên hạ quả là có việc bất bình như thế đó!”.

Khi phụ thân ta còn tại thế, bất kể là người có tiền hay không có tiền, đều đến nhà ta xun xoe. Hiện giờ người bác và người cô có tiền rồi, sống như vương hầu vậy, thì những người kia lại đến chỗ người bác người cô cả rồi. Thậm chí có rất nhiều người phê phán mẫu thân ta rằng: “Người ta thường nói, loại sợi lông thượng hảo thì phải là lông mịn mới làm ra được. Khi chồng có tiền thì vợ mới lung linh. Câu nói này nói rất đúng, hãy xem, trước khi khi chồng của Bạch Trang Nghiêm Mẫu còn tại thế, cô ấy thực sự là người phụ nữ khảng khái thích bố thí. Giờ đây cô ấy không còn chỗ dựa, trở nên cùng khổ như thế này”.

Tây Tạng có câu tục ngữ rằng: “Người một lần bất hạnh, mười phương lan truyền thị phi”.

Tình hình của mẹ con ta bất hạnh, vận mệnh trắc trở, mọi người không những không cảm thông với mẹ con ta, trái lại, ngày càng lạnh nhạt, những lời đàm tiếu, chê cười ngày càng nhiều.

Vì xót thương sự bất hạnh của ta, có lúc cha mẹ Kết Trại đem tặng ta một ít quần áo giày dép, còn thân thiết an ủi ta rằng: “Văn Hỉ này, con cần phải biết rằng, tài sản trên thế gian không phải là tồn tại mãi bất biến, tài vật thế gian đều vô thường như giọt sương buổi sáng vậy. Con chớ đau buồn. Con không có tiền, ông nội con chẳng phải ban đầu cũng là một người nghèo kiết xác đó sao. Sau này con cũng có thể kiếm tiền, phát tài”.

Trong lòng ta vô cùng cảm kích đối với họ.

Trong lòng ta vô cùng cảm kích đối với họ. (Tranh Bình Minh - NTDVN)

Mẫu thân ta có một mảnh ruộng được tặng làm quà khi kết hôn, gọi là Thiết Ba Tiền Quỳnh. Tên của mảnh ruộng này tùy không đẹp, nhưng nó lại là mảnh ruộng rất tốt, thu hoạch cũng tốt. Mảnh ruộng này do người cậu trưởng của ta canh tác, mỗi năm thu hoạch ngũ cốc, để lại sinh lời, món lời nhiều năm nay tích tụ cũng không ít.

Những tháng ngày gian khổ cứ trôi qua từng ngày. Đến năm ta 15 tuổi, mẫu thân bán 1 nửa mảnh ruộng đó đi, cộng thêm lợi tức của ngũ cốc, được món tiền khá lớn. Bà dùng món tiền này mua rất nhiều rượu, rất nhiều trái cây và zanba (một loại thức ăn Tây Tạng), và rất nhiều mạch đen làm rượu.

Việc làm này của mẫu thân khiến người dân trong làng lấy làm lạ. Thế là mọi người đều đoán già đoán non: “Có lẽ Bạch Trang Nghiêm Mẫu muốn mời khách để đòi lại gia sản”.

Mẫu thân và người cậu chuẩn bị đầy đủ mọi thứ xong, bèn mượn đệm từ các nơi rồi bày thành từng hàng trong phòng khách lớn trong nhà Bốn trụ Tám dầm của mình. Mẫu thân mời người bác và người cô làm khách chính, chiêu đãi bạn bè thân thích, hàng xóm láng giềng, đặc biệt là những người có mặt khi phụ thân dặn dò lúc lâm chung, tất cả đều mời đến.

Mẫu thân đem thịt và thức ăn ngon nhất đặt trước chỗ ngồi của người bác và người cô. Trước mặt tất cả mọi người đều bày đầy thức ăn ngon, trước mặt mỗi người là một bát rượu lớn. Đó thực sự là một bữa tiệc lớn thịnh soạn.

Khách đều đã ngồi vào chỗ rồi, mẫu thân đứng lên, trịnh trọng nói: “Thưa các vị, hôm nay tôi chuẩn bị chút rượu nhạt và rau dưa, mời các vị đến, chỉ là biểu thị chút lòng thành của tôi”.

Mẫu thân nói tiếp: “Hôm nay tuy là ngày sinh của đứa con trai nhỏ của tôi, thực ra đó cũng chỉ là danh nghĩa. Tôi muốn nói vài lời với mọi người. Khi chồng tôi - Mật Lặc Tưởng Thái qua đời, đã để lại di chúc, các vị và bá phục và cô mẫu đều có mặt, đều biết rất rõ ràng. Giờ đây tôi muốn mời các vị có mặt ở đây, cùng nghe lại lần nữa di chúc”.

Thế là người cậu đứng lên, đọc to di chúc của phụ thân cho mọi người nghe. Tất cả mọi người đều im lặng không nói lời nào.

Mẫu thân nói tiếp: “Hiện giờ Văn Hỉ đã trưởng thành rồi, đã đến tuổi cưới vợ rồi. Chiểu theo di chúc của Mật Lặc Tưởng Thái, giờ đây cũng dùng lễ hợp với thân phận của chúng tôi, để cưới cô nương Kết Trại. Văn Hỉ cũng chiểu theo di chúc, kế thừa quản lý gia sản của chúng tôi. Về di chúc vừa rồi đọc đó, ban đầu khi Mật Lặc Tưởng Thái còn sống, các vị đều đã đích thân nghe rồi, không cần tôi đọc lại nữa.

Hôm nay mời bá phụ và cô mẫu đem tài sản mà hai người quản lý giúp, giao lại cho chúng tôi. Bao nhiêu năm nay, nhờ bá phụ và cô mẫu và các thân bằng cố hữu quan tâm chăm sóc, chúng tôi thành tâm vô cùng cảm tạ”.

Người bác và người cô đồng thanh thét lớn: “Các người đâu còn có tài sản? Tài sản của các người ở đâu?”

Bình thường, người bác và người cô bất kể là việc gì đều không nhất trí với nhau, nhưng khi nuốt tài sản của người khác thì lại liên hợp lại với nhau.

(Còn tiếp)

Jing Di Academy
Tường Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện tu luyện của Phật Mật Lặc Nhật Ba (4): Bắt đầu cuộc sống bi thảm