Chuyên gia: Quá trình doanh nghiệp nước ngoài 'tách rời' Trung Quốc đã bắt đầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà kinh tế học người Mỹ Milton Ezrati chỉ ra rằng, việc chính quyền Bắc Kinh vội vã bành trướng quyền lực và đưa đòn bẩy quyền lực vào nền kinh tế đã gây tác dụng ngược lại, nó tạo ra sự phá hoại và khiến một lượng lớn các công ty chuẩn bị tách rời Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh rằng, kết quả "tách rời" mà chính phủ Hoa Kỳ vẫn luôn nhắc đến ấy rõ ràng đã bắt đầu, mà “nguyên nhân chủ yếu là do thị trường, chứ không phải do Hoa Kỳ hay bất kỳ chính phủ phương Tây nào ép buộc".

Ông Ezrati viết trên tờ Forbes vào thứ Hai (ngày 3/4) rằng, trong những năm gần đây, ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã "thể hiện sự hấp tấp như lứa tuổi thanh thiếu niên", điều này trái ngược với văn hóa Trung Hoa. Hành vi "phi Trung Hoa" (un-Chinese) này đã làm lung lay nền tảng kinh tế – vốn là điều giúp ĐCSTQ có thể duy trì chế độ.

Nhà kinh tế chỉ ra, khi Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng kinh tế vào cuối những năm 1970, điểm thu hút chính của họ là khả năng cung cấp lao động giá rẻ và có giáo dục cho các công ty phương Tây và Nhật Bản.

Bài báo viết rằng, "Ngay cả khi Trung Quốc lần đầu tiên gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2000, mức lương trung bình hàng năm của họ chỉ bằng khoảng hơn 3% mức lương tương đương của người Mỹ”. Chính lợi thế nhân công giá rẻ đã giúp Trung Quốc thu hút được rất nhiều đầu tư từ phương Tây và Nhật Bản.

Nhưng khi nền kinh tế phát triển, tiền lương ở Trung Quốc cũng tăng lên, và tốc độ tăng còn nhanh hơn rất nhiều so với tiền lương ở các nước phát triển khác.

“Đến năm 2021, năm cuối cùng [Trung Quốc] công bố đầy đủ dữ liệu, mức lương trung bình ở Trung Quốc đã đạt gần 1/3 mức tương đương ở Mỹ”, bài báo viết.

Vào thời điểm đó, các chính sách ngày càng cứng rắn của ĐCSTQ đã khiến nền kinh tế trở nên kém hấp dẫn hơn. Ví dụ, trong đại dịch COVID-19, Bắc Kinh đã chặn xuất khẩu các vật tư quan trọng như khẩu trang y tế. Hành vi này đã khiến các công ty phương Tây và Nhật Bản phải đánh giá lại độ khả tín của nguồn cung Trung Quốc. Sau đó, chính sách Zero COVID hà khắc của ĐCSTQ lại càng thổi phồng mối lo của các nhà đầu tư.

Ông Ezrati nói rằng, trong khi mất lao động giá rẻ và mất cả niềm tin, các công ty phương Tây và Nhật Bản còn bị tích tụ bất mãn trước loạt chính sách của ĐCSTQ. Ví dụ, Bắc Kinh yêu cầu bất kỳ công ty nào kinh doanh tại Trung Quốc đều phải chia sẻ công nghệ và bí mật thương mại với đối tác Trung Quốc, hoặc họ ăn cắp trắng trợn tài sản trí tuệ.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn "không có dấu hiệu thay đổi cách làm" trước sự bất mãn của cộng đồng quốc tế.

Ông Ezrati chỉ ra: "Bắc Kinh cũng ngày càng quen tay bắt nạt và trả đũa [các nước khác]. Bất chấp những tuyên bố chủ quyền chính đáng của Nhật Bản và Philippines, Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế và duy trì sự hiện diện của hải quân ở Biển Đông và biển Hoa Đông".

Ngoài ra, ĐCSTQ còn thường xuyên đe dọa sử dụng vũ lực đối với Đài Loan; dùng cả thủ đoạn chính thức và phi chính thức để trả đũa ngành kinh doanh của Hàn Quốc do chính phủ nước này lắp đặt hệ thống chống tên lửa THAAD; áp thuế lên tới 200% với rượu vang Úc để trừng phạt nước này vì "dám" nghi ngờ nguồn gốc của đại dịch COVID-19… Các hành động trả đũa tương tự cũng được áp dụng với hãng Ericsson của Thụy Điển, Lotte của Hàn Quốc và tất cả các cơ sở sản xuất của Lithuania vì hoạt động thương mại với Đài Loan.

Ông Ezrati lưu ý rằng, khi Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản bắt đầu đáp trả các hành động bắt nạt và trả đũa của Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng bắt đầu lo lắng về việc bị cuốn vào một cuộc tranh chấp ngoại giao.

Trong một số cuộc khảo sát gần đây của các phòng thương mại nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đã có sự thay đổi rõ rệt về thái độ.

Tổng giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) Tony Danker cho biết, hiện tại, mỗi một công ty mà ông đang trao đổi cùng đều đang xem xét lại chuỗi cung ứng. Ông nói, “Bởi vì họ dự đoán rằng các chính trị gia của chúng ta chắc chắn sẽ tăng tốc hướng tới một thế giới tách rời Trung Quốc”.

Bà Bettina Schoen-Behanzin, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại chi nhánh Thượng Hải, chỉ ra: "Điều duy nhất có thể dự đoán được ở Trung Quốc là sự khó lường của nó, điều này có hại cho môi trường kinh doanh".

Theo báo cáo của Willis Towers Watson, một công ty kinh doanh bảo hiểm đa quốc gia có trụ sở tại Anh, hiện có tới 95% các công ty đa quốc gia lo ngại về rủi ro khi kinh doanh tại Trung Quốc, trong khi chỉ hai năm trước con số này là 62%.

Nhà kinh tế Ezrati cũng chỉ ra, có một danh sách dài các công ty nổi tiếng đã bắt đầu hành động hoặc đang nghiêm túc cân nhắc rời khỏi Trung Quốc.

Apple đã lên lịch sản xuất AirPod Pro 2 tại Việt Nam. Samsung đang chuẩn bị chuyển hết năng lực sản xuất khỏi Trung Quốc. Volvo đã từ chối xây dựng một nhà máy mới ở Trung Quốc và sẽ xây dựng tại Slovakia. Trong khi đó Adidas và các nhà sản xuất giày và quần áo khác đã bắt đầu chuyển sản xuất sang Việt Nam và các nước khác. Các công ty Nhật Bản cũng bắt đầu đưa một số dây chuyền sản xuất của họ ở Trung Quốc về nước.

Ông Ezrati viết: "Danh sách này sẽ không dừng lại ở đó”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Quá trình doanh nghiệp nước ngoài 'tách rời' Trung Quốc đã bắt đầu