Doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, Foxconn Trịnh Châu không còn sầm uất như xưa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài đang tăng tốc rút khỏi Trung Quốc, số lượng nhân viên Foxconn tại Trịnh Châu cũng giảm đi đáng kể. Tại khu phức hợp này, ký túc xá dành cho hơn 100.000 người bị phá bỏ, khu phố thương mại cũng vắng tanh, nhiều cửa hàng đóng cửa, sự tĩnh lặng bao trùm khắp vùng.

Foxconn Trịnh Châu ảm đạm

Tọa lạc tại Khu thí điểm tổng hợp kinh tế Cảng hàng không Trịnh Châu (ZAEZ), Dự Khang Tân Thành (Yukang New Town) là nơi cư trú sớm nhất của các nhân viên Foxconn Trịnh Châu. Nơi đây cũng được xem là một trong những phong vũ biểu cho sự vận hành của khu phức hợp Foxconn Trịnh Châu.

Tập đoàn Hồng Hải Foxconn là nhà sản xuất iPhone lớn nhất của Apple. Khi việc sản xuất iPhone được chuyển sang Ấn Độ, số lượng nhân công của Foxconn Trịnh Châu giảm đi đáng kể, Dự Khang Tân Thành cũng trở nên ảm đạm.

Tờ Yicai (Đệ nhất Tài chính Kinh tế) của Trung Quốc đưa tin, theo quan sát của phóng viên vào ngày 13/4, khu phố thương mại tại Dự Khang Tân Thành vắng tanh, đa số các cửa hàng hai bên đường đều đóng cửa, treo biển cho thuê hoặc chuyển nhượng.

Vào thời điểm đông nhất, khu phức hợp Foxconn Trịnh Châu có đến hơn 300.000 nhân công. Ông Phùng Kiến (Feng Jian), một công nhân kho đã làm việc tại Foxconn gần 10 năm, cho biết trước đây có gần 100.000 người cư trú và sinh hoạt tại Dự Khang Tân Thành. Lúc đó, các tiệm mì, quán cafe Internet, siêu thị, KTV (karaoke), khách sạn E-sports… trải khắp mặt phố. Hai bên đường dài khoảng 1.000 m có chừng 100 cửa hàng, đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn.

Ngoài Dự Khang Tân Thành, khu vực quanh ZAEZ còn xây dựng một số khu ký túc xá như Thiên Thành, Hâm Vinh, Cảng Thành, Dụ Hồng, Hoa Hồng, và khu chung cư Sơn Đỉnh, Phú Hâm, v.v. Cũng vì số lượng nhân công sụt giảm, Dự Khang Tân Thành vốn nằm xa khuôn viên Foxconn đã rơi vào tình trạng "không một bóng người".

Những đoạn video do cư dân mạng quay lại cho thấy các khu ký túc xá dành cho hàng trăm ngàn người ở Dự Khang Tân Thành đã bị phá bỏ, các cửa tiệm trên đường phố đều đóng cửa. Động thái chuyển giao sản xuất của Foxconn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế của khu vực xung quanh, hiện tại chính là tình cảnh "vườn không nhà trống".

Ông Tiền Quân (Qian Jun), một người đang làm việc tại khu vực lân cận Foxconn, nói với Yicai rằng: "Số lượng người hiện tại đã giảm đi một nửa so với năm ngoái". Sau khi bộ phận sản xuất iPhone của Apple chuyển sang Ấn Độ và những nơi khác, nhu cầu lao động tại địa phương đã sụt giảm.

Theo ông Tiền Quân, trước đây, quy mô gia công của Foxconn ở Ấn Độ rất nhỏ, chủ yếu là sản xuất cho điện thoại di động Xiaomi. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhà máy ở Ấn Độ ngày càng được mở rộng và hiện đã bắt đầu sản xuất gia công điện thoại di động của Apple. Foxconn đã cử một số trưởng bộ phận từ Trịnh Châu, Thâm Quyến, Đài Loan và những nơi khác đến Ấn Độ để tuyển dụng và đào tạo công nhân.

Sau khi Foxconn Trịnh Châu mất đơn đặt hàng của Apple, hậu quả trực tiếp là số lượng nhân viên sụt giảm. Nhiều nhân viên tại Foxconn cho biết hiện chỉ còn khoảng 60.000 đến 70.000 người làm việc tại nhà máy.

Foxconn chuyển đơn hàng Apple từ Trung Quốc sang Ấn Độ

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, tỷ lệ iPhone được "sản xuất tại Ấn Độ" ngày càng tăng. Năm 2020, số lượng iPhone được sản xuất tại Ấn Độ chỉ chiếm 1,3% sản lượng toàn cầu, tuy nhiên vào năm 2022 đã tăng lên 4% và dự kiến ​​sẽ tăng lên 7% trong năm nay.

Ngày 13/4, hãng thông tấn Bloomberg cho hay, một số nguồn tin chỉ ra rằng Apple đang đẩy nhanh việc sản xuất tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Năm ngoái, lượng iPhone được lắp ráp tại Ấn Độ đã tăng gấp 3 lần với tổng giá trị hơn 7 tỷ USD. Trước năm 2025, tỷ trọng sản xuất iPhone của Ấn Độ có thể chiếm 25% sản lượng toàn cầu.

Theo The Wall Street Journal đưa tin vào ngày 4/3, Tập đoàn Hồng Hải Foxconn đang mở rộng đáng kể năng lực sản xuất tại Ấn Độ, dự kiến ​​tới cuối năm 2024 sẽ tăng sản lượng iPhone hàng năm lên 20 triệu chiếc và tăng gấp 3 lần số nhân viên lên 100.000 người.

Tập đoàn Hồng Hải cũng đang xem xét việc xây dựng một nhà máy mới ở Ấn Độ. Hai nguồn tin nói với Reuters rằng Apple đang đàm phán với nhà sản xuất điện tử Đài Loan Pegatron, dự tính xây dựng một nhà máy ở Ấn Độ và nhà máy này sẽ chịu trách nhiệm sản xuất những chiếc iPhone mới nhất.

Cuộc ‘tháo chạy và biểu tình’ tại Foxconn Trịnh Châu là nguồn cơn?

Nguyên nhân khiến Tập đoàn Hồng Hải nhanh chóng chuyển đổi sản xuất sang Ấn Độ được cho là có liên quan đến cuộc 'tháo chạy và biểu tình’ của nhân viên Foxconn Trịnh Châu vào năm ngoái. Sự cố này đã khiến năng lực sản xuất của Foxconn Trịnh Châu bị giảm mạnh và lợi nhuận mảng điện thoại di động của Apple trong quý IV bị thiệt hại nặng nề. Do đó Apple đã thông báo chuyển dây chuyền công nghiệp của mình sang Ấn Độ và Việt Nam.

Vào ngày 19/3, một đoạn video trên mạng Internet cho thấy rất nhiều nhân viên Foxconn Trịnh Châu đang xách hành lý chuẩn bị rời đi, một số người được chuyển đến nhà máy ở Tế Nam, một số đến Vũ Hán và một số khác đến Ấn Độ. Theo video, nếu những công nhân này không đồng ý chuyển sang làm việc ở thành phố được chỉ định thì sẽ phải làm thủ tục thôi việc.

Người phụ nữ quay video nói rằng: "Foxconn Trịnh Châu đã bắt đầu di dời nhân viên, đợt sau sẽ đến lượt tôi".

Ngoài Foxconn Trịnh Châu, ở Foxconn Thâm Quyến và Foxconn Thành Đô cũng xuất hiện thông tin tháo dỡ dây chuyền sản xuất và sa thải nhân công thời vụ. Một số nhân viên của Foxconn cho hay, có thông tin rằng Foxconn Ấn Độ sẽ mở rộng tuyển dụng thêm 200.000 người, do đó đương nhiên là Foxconn Trung Quốc sẽ sa thải một lượng lớn nhân viên. Một số cư dân mạng Đại lục nói rằng có vẻ như trong tương lai họ sẽ phải thích nghi với cuộc sống làm việc ở Đông Nam Á.

Foxconn Trịnh Châu chỉ là một hình ảnh thu nhỏ của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Trong những năm gần đây, chính sách Zero-COVID cũng như động thái kiểm soát nghiêm ngặt nguồn vốn của chính quyền Bắc Kinh đã buộc nhiều công ty nước ngoài tăng tốc rút khỏi Trung Quốc, từ đó khiến nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái.

Theo NTD tiếng Trung

Tường Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, Foxconn Trịnh Châu không còn sầm uất như xưa