EVN gấp rút xây dựng kịch bản ứng phó thiếu điện ở miền Bắc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Công Thương yêu cầu EVN đảm bảo cung ứng điện mùa khô vào (tháng 4, 5, 6, 7) năm nay, đặc biệt là ở miền Bắc. Để thực hiện, EVN cần lập kế hoạch, kịch bản cụ thể, đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan.

Bộ Công Thương vừa có chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện cung ứng điện cho các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 từ tháng 4 - 7.

Đồng thời, trước ngày 15/3/2024, EVN phải báo cáo về kế hoạch đảm bảo điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là trong giai đoạn các tháng cao điểm miền Bắc có nguy cơ thiếu điện.

Theo EVN, để dự phòng điều hành đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia với tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc các tháng cao điểm mùa khô trong năm nay là 109,183 tỉ kWh.

Bên cạnh đó, EVN cũng tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin liên tục cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tổng công ty Đông Bắc cập nhật nhu cầu nhiên liệu cho sản xuất điện của toàn hệ thống.

Bộ Công Thương cũng đề nghị EVN tăng cường điều hành các đơn vị phát điện thuộc phạm vi quản lý về công tác bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm sản xuất điện an toàn, ổn định và liên tục.

Đồng thời, đơn vị cũng theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành thiết bị của nhà máy điện, không để xảy ra sự cố chủ quan; tăng cường công tác kiểm tra, củng cố thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy.

Bên cạnh đó, tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực cũng phối hợp rà soát phương án vận hành lưới điện 500-220-110kV.

Ngoài ra, đơn vị cũng kiểm tra, rà soát lại chỉnh định sa thải tổ máy phát điện, các hệ thống sa thải đặc biệt trên toàn hệ thống điện, hệ thống rơ le sa thải phụ tải theo tần số thấp (F81) nhằm ứng phó với những sự cố nghiêm trọng trên lưới điện truyền tải 500 kV Bắc - Nam khi đang truyền tải cao... cũng như đẩy mạnh công tác tiết kiệm điện trong toàn ngành.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo Tổng công ty Khí Việt Nam phối hợp với các Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện khí đảm bảo ưu tiên cung cấp khí cho sản xuất điện; đưa vào vận hành thương mại của nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để đảm bảo độ sẵn sàng, vận hành tin cậy trong các tháng cao điểm mùa khô và cả năm 2024.

Theo tính toán của Bộ Công Thương cuối năm ngoái cho thấy, trường hợp lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia cơ bản đủ điện. Còn trường hợp thời tiết cực đoan, miền Bắc có thể thiếu 420 - 1.770 MW trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.

Năm nay, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu của Việt Nam là hơn 306 tỉ kWh, trong đó mùa mưa chiếm 52%, còn lại mùa khô. EVN nhận định cung ứng điện năm nay vẫn khó khăn do phụ thuộc diễn biến bất thường thời tiết, mất cân đối cung cầu giữa các miền. Cùng đó, quản lý vận hành, đầu tư xây dựng các dự án nguồn, lưới điện gặp nhiều khó khăn.

Việt Nam Xã hội

EVN gấp rút xây dựng kịch bản ứng phó thiếu điện ở miền Bắc