EVN muốn tăng tiếp giá điện, các chuyên gia phản bác

Giúp NTDVN sửa lỗi

EVN hiện vẫn là doanh nghiệp độc quyền trong truyền tải, phân phối điện. Năm 2022, Tập đoàn EVN đã báo lỗ hơn 26.000 tỷ đồng và vẫn muốn đưa các khoản lỗ vào công thức giá điện.

Tập đoàn Điện lực (EVN) báo lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 dù một số công ty con của tập đoàn này lại báo lãi 2.500 – 3.700 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế cho rằng không nên tiếp tục để EVN độc quyền thị trường điện như hiện nay, mà nên để các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh, tạo động lực thay đổi.

Ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh “không thể can thiệp bằng mệnh lệnh”, mà cần để thị trường vận hành.

Ông Cung cho rằng nếu EVN lỗ và bù đắp bằng cách tăng giá điện, như vậy nếu EVN tiếp tục lỗ thì tập đoàn này tiếp tục tăng giá, như vậy vấn đề sẽ mãi không giải quyết được nếu vòng lặp này duy trì.

Tính riêng năm vừa qua, Tập đoàn EVN đã lỗ tới hơn 1 tỷ USD (chưa tính lỗ tỷ giá) và liên tục đưa ra cảnh báo mất cân đối tài chính với Chính phủ.

EVN muốn nhanh chóng tăng giá điện và đưa các khoản lỗ vào giá thành, tức để người tiêu dùng gánh các khoản lỗ của tập đoàn này.

Với vị thế độc quyền thị trường điện rất quan trọng, EVN gần như được đáp ứng các đề xuất với Bộ Công thương, cũng như các cơ quan Chính phủ.

Đơn cử như từ ngày 4/5/2023, EVN tăng giá điện thêm 3% lên mức 1.920 đồng/kWh (chưa gồm VAT), nhưng tuyên bố chưa đủ bù lỗ. Hay đề xuất của tập đoàn này về việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng/lần còn 3 tháng/lần đều có thể được Chính phủ thông qua.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá nói: “Cần phải bỏ ngay đề xuất này”, bởi lẽ đề xuất này trái với quy định pháp luật về giá điện hiện hành, đặc biệt là Luật Giá 2012.

Cụ thể, Luật Giá 2012 quy định: “Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường, với nguyên tắc xuyên suốt là giá phải “đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ”.

Không có bất kỳ quy định nào được hạch toán lỗ do khách quan hay chủ quan cho bất cứ loại hàng hoá, dịch vụ nào trong nền kinh tế, ông Thỏa cho biết trên báo Giao Thông.

Ngoài ra, vị chuyên gia khẳng định việc kinh doanh lỗ của EVN có trách nhiệm của cả EVN và Bộ Công thương, đừng đổ lên đầu dân, bởi thẩm quyền tăng giá 3% thuộc về EVN nhưng vì lý do nào đó đã không thực hiện đầy đủ và minh bạch, dẫn đến lỗ nhiều năm, kinh doanh không hiệu quả.

Dù các đề xuất nêu trên của EVN có góp phần vào giải quyết các vấn đề trước mắt, nhưng nhiều chuyên gia khẳng định biện pháp lành mạnh cung cầu chính là cần phải xóa bỏ vị trí độc quyền ở thị trường điện của EVN.

Việt Nam Xã hội

EVN muốn tăng tiếp giá điện, các chuyên gia phản bác