EVN đề xuất tiếp tục được sớm tăng giá điện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 28/7, tại hội thảo về "Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050”, Tập đoàn Điện lực (EVN) kiến nghị tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới, để đảm bảo cân đối tài chính.

Tại hội thảo EVN đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN.

Lý do được EVN đưa ra là nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì thì theo tính toán, dự kiến thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2023, EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền. Để đảm bảo dòng tiền thanh toán chi phí mua than, dầu, khí phục vụ sản xuất điện, EVN đang nợ tiền của các đơn vị phát điện.

Ngoài ra, EVN cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện.

Năm 2023 kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng, tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh liên tục lỗ, EVN không thể trả nợ đúng hạn đối với các khoản vay, ngoài ra chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm đối với bên cho vay.

Do đó, EVN đề nghị tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới, theo biến động các thông số đầu vào, để đảm bảo cân đối tài chính.

EVN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho EVN vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị phát điện, đàm bảo kịp thời mua nguyên liệu phục vụ phát điện.

Kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép EVN thực hiện tạm thanh toán tiền mua điện ở mức phù hợp khả năng tài chính của EVN cho các đơn vị phát điện đến khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời và phản ánh đầy đủ các chi phí.

Ngoài ra, EVN mong muốn Chính phủ và các Bộ chấp thuận khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 và 2023 của EVN là “do thực hiện chính sách”.

EVN nhận định, năm 2023, EVN sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, chi phí lãi suất tăng, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến nước về các hồ thủy điện rất thấp, nắng nóng kéo dài trên diện rộng…

Bộ Công Thương đề xuất EVN sẽ được phép tăng, giảm giá điện trong biên độ từ 1% đến dưới 5% mỗi quý một lần.

Đối với việc tăng giá điện, thẩm quyền điều chỉnh cơ bản được giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể, mức tăng từ 3% đến dưới 5% sẽ do EVN được điều chỉnh tăng tương ứng, sau khi báo cáo các bộ ngành liên quan.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Với mức tăng trên 10%, các bộ ngành, đơn vị liên quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Trước đó, từ ngày 4/5, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng 3%, lên 1.920 đồng/kWh. Tuy nhiên, theo EVN, mức tăng này vẫn là quá thấp so với mức tăng 9,27% của giá thành sản xuất điện năm 2022.

Lý Ngọc tổng hợp

Việt Nam Kinh tế

EVN đề xuất tiếp tục được sớm tăng giá điện