Giáo sư Trương Côn Luân: Ánh bình minh của nghệ thuật (3)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một họa sĩ đến từ phương xa ngưỡng mộ nói với chúng tôi: “Tâm của các bạn thật trong sáng, luôn có thể dung hòa với trí tuệ của mình, bao giờ tôi mới có được cảnh giới như vậy!”

“Chính tín không lay chuyển”

Bức tranh “Chính tín không lay chuyển” đã đạt được giải thưởng cao nhất trong “Cuộc thi tranh sơn dầu tả thực nhân vật toàn thế giới” của Đài Truyền hình Tân Đường Nhân (NTD) - Giải bạc (Vì tiêu chuẩn của cuộc thi này cực kỳ khắt khe, không đạt được tiêu chuẩn đó, nên giải vàng được bỏ trống).

Hình 1: Bức tranh “Chính tín không lay chuyển” của họa sĩ Trung Quốc Lý Bôn đạt được giải bạc (Họa sĩ Lý Bôn cung cấp).

Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhìn lại quá trình sáng tác ra bức tranh này: dù đây là một câu chuyện có thật, nhưng để thể hiện tốt thì cần phải có ngôn ngữ hình thức tốt nhất. Ban đầu, tác giả đặt vị đệ tử Đại Pháp ở dưới cùng của cầu thang, sát với mặt đất. Điều này rất khó thể hiện phong thái tinh thần và khí chất của một đệ tử Đại Pháp. Một chuyên gia đưa ra ý kiến rằng nên đặt vị đệ tử Đại Pháp ở phía trên cùng của cầu thang, điều này đã thay đổi hoàn toàn bầu không khí, vị đệ tử Đại Pháp giống như đỉnh của tượng đài, là đỉnh núi Thái Sơn sừng sững, cao thượng đến nhường nào! Vĩ đại đến nhường nào! Sức mạnh nào có thể lay chuyển được anh ấy đây!

Nói một cách thẳng thắn, hình thức chính là nội dung. Cần phải vẽ được một trường năng lượng rất chính trực xung quanh vị đệ tử Đại Pháp, nhưng tác giả đã bị ràng buộc bởi phương pháp cứng nhắc trong trường học, rằng khi vẽ phác họa cần “đen tôn trắng thì nhân vật mới nổi bật”, phải mất một thời gian dài mới có thể thay đổi. Mặc dù vị họa sĩ này là một sinh viên ưu tú của học viện mỹ thuật hàng đầu tại Trung Quốc, nhưng anh ấy rất khiêm tốn, sẵn sàng giúp đỡ người khác, và những người khác cũng sẵn lòng giao lưu cùng anh ấy.

Vì vậy, chuyên gia đã nghĩ ra một thủ thuật khác: đằng sau vị đệ tử Đại Pháp, hãy vẽ tầng tầng thân thể tại không gian khác của anh ấy để xem kết quả sẽ ra sao. Nên tác giả đã chấp nhận và làm theo yêu cầu của chuyên gia. Một người bạn nhìn bức tranh và thốt lên: “Ôi! Thật tuyệt vời! Điều này tượng trưng rằng nếu anh ấy lay chuyển thì toàn bộ vũ trụ cũng lay chuyển theo!”

Một họa sĩ đến từ phương xa ngưỡng mộ nói với chúng tôi: “Tâm của các bạn thật trong sáng, luôn có thể dung hòa với trí tuệ của mình, bao giờ tôi mới có được cảnh giới như vậy!”

Chúng tôi ví việc sáng tác như việc hái đào Tiên trên cây trong vườn đào của Vương Mẫu nương nương. Nếu một người không với tới được thì hai người hoặc vài người đứng lên vai nhau chẳng phải là với tới rồi sao? Và khi chúng ta ăn “đào Tiên” và ngộ ra chân lý, thì giống như những người tu Đạo đã đánh thông đại chu thiên, chúng ta có thể tự do bay lượn trong Thiên đường nghệ thuật, không cần phải đứng lên vai nhau nữa, muốn hái “quả đào” nào thì hái quả đào đó. Khi đó, việc sáng tác cũng đã chín muồi như những quả đào Tiên trong vườn bàn đào, không còn cảm giác khó chịu trăn trở nữa, mà là cảm thụ trút bỏ được nỗi niềm trong tâm.

Nhưng đại đa số mọi người đều bị ràng buộc bởi cái tôi mạnh mẽ đó, thà bò đi bò lại trên mặt đất gặm nhấm “bùn đất” suốt đời chứ không muốn hòa hợp với người khác.

Khi viết đến đây, tôi nghĩ đến những chia sẻ đến từ tận đáy lòng của các họa sĩ trong buổi giao lưu của cuộc thi mà tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi nhớ về thời khắc khi tôi ở cùng các họa sĩ. Vào thời khắc đó, tôi thấy được tâm của các họa sĩ rất thuần tịnh, rất mỹ hảo, rất hòa hợp, từ đó, tôi cũng nhìn thấy hy vọng về nghệ thuật của nhân loại và tương lai của nhóm nghệ sĩ này.

Cha mẹ của tác giả của bức tranh “Chính tín không lay chuyển” đều là những họa sĩ nổi tiếng ở Trung Quốc. Thế nên từ khi còn nhỏ, anh ấy đã được hun đúc về nghệ thuật, sau này, anh ấy được nhận vào học viện mỹ thuật hàng đầu Trung Quốc và học hội họa trong 4 năm tại trường trung học trực thuộc học viện mỹ thuật, sau đó, anh tiếp tục học 5 năm đại học. Anh nói với giới truyền thông rằng, trong suốt 9 năm học tập tại học viện mỹ thuật, anh không được học về các khái niệm sáng tác, chính là khi tham gia “Cuộc thi tranh sơn dầu tả thực nhân vật toàn thế giới” do Đài Truyền hình Tân Đường Nhân tổ chức, anh mới thực sự học được cách sáng tác.

Vị họa sĩ này rất bộc trực thẳng thắn, và có phẩm đức cao, nên mới đạt được thành công. Sau khi nghe những gì anh ấy nói với giới truyền thông, tôi rất xúc động và không thể không nể phục anh ấy. Bởi vì sau khi thành công, hầu như tất cả các họa sĩ đều theo một khuôn mẫu khi được giới truyền thông phỏng vấn, đó là: khi còn nhỏ họ thông minh thế nào, lớn lên họ xuất chúng ra sao, nhưng họ hiếm khi nói về quá trình đề cao ở giữa, người khác rất khó có thể học theo điều này.

Trên thực tế, kỹ năng cơ bản của vị họa sĩ này khá vững chắc, không nói đến việc giảng dạy cơ bản ở học viện mỹ thuật, điều quan trọng nhất là sáng tác. Đây không phải là vấn đề của riêng trường học của anh, mà là hiện tượng phổ biến mang tính toàn cầu trong thời kỳ này. Các học viện nghệ thuật thường cảm thấy rằng sáng tác là môn học khó dạy nhất, thông thường, các giáo viên dạy sáng tác cũng không có những tác phẩm tiêu biểu xứng tầm.

Năm 1997, khi tôi đang đi dạo trên bãi biển Thanh Đảo cùng với nhà điêu khắc nổi tiếng Trung Quốc Phan Hạc và một số người khác thì ông Phan chợt hỏi: “Tại sao các tác phẩm tiêu biểu của tất cả sinh viên học viện mỹ thuật đều là các tác phẩm thi tốt nghiệp, còn sau đó thì không còn nữa?”

Tôi nói: Sau 5 năm học, về cơ bản đã nắm vững kỹ năng tạo hình, còn các khái niệm sáng tác thì chỉ giới hạn ở bình diện phục vụ chính trị (vô Thần luận), các tác phẩm tốt nghiệp thực ra là sự hợp tác mà giáo viên hướng dẫn và sinh viên tốt nghiệp dùng hết chiêu thức để tạo ra, bao nhiêu vốn liếng đều dốc hết ra vậy, (thật ra những tác phẩm được gọi là tiêu biểu này còn gì khác nữa đâu? Cảnh giới chỉ ở đó thôi).

Những người dạy lịch sử mỹ thuật cũng chỉ sao chép đi sao chép lại của nhau; mặc dù họ có cả một bộ sưu tập tác phẩm, nhưng đều là những thứ của người khác, không có quan điểm của riêng mình, thậm chí còn không nhìn ra được quy luật chung “thành, trụ, hoại, diệt” trong nghệ thuật. Mọi người đều mù quáng tin rằng nghệ thuật luôn phát triển. Nghệ thuật đã biến dị bại hoại đến mức cần phải bị tiêu hủy, nhưng vẫn không dám chấp nhận điều này. Ngay cả những nhân vật dẫn đầu kiên định vào tả thực truyền thống, và những ngôi sao sáng trong giới nghệ thuật cũng đều tôn sùng những họa sĩ của trường phái hiện đại, họ còn nói muốn học hỏi, nhưng không thể học được.

Bạn nói xem, thật là hồ đồ, những người phê bình nghệ thuật đều không dám, hoặc không có khả năng phủ nhận những thứ rác rưởi biến dị gây hại cho nhân loại, thậm chí còn nói những lời tâng bốc vô tri. Những người dạy sáng tác bố cục thì chỉ biết một số kỹ thuật cứng nhắc, hạn chế, và không hiểu được tâm pháp. Sử dụng những cái khung chết cứng đó không chỉ gài bẫy sinh viên mà còn gài bẫy chính bản thân họ, các bài giảng trên giảng đường tuy đồ sộ nhưng khó có thể chỉ đạo thực hành sáng tác một cách thực tế và hiệu quả.

Các họa sĩ tham gia “Cuộc thi tranh sơn dầu tả thực nhân vật toàn thế giới” của Đài Truyền hình Tân Đường Nhân cần đồng tâm hiệp lực dưới sự chỉ dẫn của tôn chỉ cuộc thi, sử dụng những lý niệm truyền thống có giá trị, cảnh giới tư tưởng cao hơn, và những kỹ thuật tinh thâm, để cùng nhau vượt qua khó khăn về sáng tác nghệ thuật.

“Hòa tan trong Pháp”

Pháp Luân Đại Pháp tiết lộ tầng tầng Thiên cơ, cuốn Thiên thư có cấp độ cao nhất trong lịch sử văn minh nhân loại được viết bằng ngôn ngữ đơn giản nhất, dễ đọc nhất, chỉ cần nghiêm túc học, sẽ thấy được rất nhiều chân lý từ hồng quan đến vi quan của nhân sinh và vũ trụ, một khi thân tâm hòa tan trong Pháp và thực tu thì sẽ nhận được rất nhiều lợi ích, cảm thụ mỹ diệu đó không thể diễn tả bằng lời, cảnh giới tư tưởng và tầng thứ tu luyện sẽ đề cao rất nhanh, các vị Thần ở không gian khác vô cùng ngưỡng mộ các đệ tử được tu luyện trong Đại Pháp, họ nói rằng cuốn kinh thư “Chuyển Pháp Luân” của Đại Pháp là một chiếc thang bắc lên Trời, vì vậy, tên tiếng Anh của bức tranh này là “Joyfully Climbing Heaven’s Ladder” (Tạm dịch: Hân hoan bước trên chiếc thang Thiên đường).

Hình 2: Bức tranh “Hòa tan trong Pháp” của họa sĩ người Mỹ Vương Tinh nổi bật trong số hơn 160 bức tranh sơn dầu, và đạt được huy chương bạc tại cuộc thi (Họa sĩ Vương Tinh cung cấp).

Vì vậy, điều đầu tiên mà tất cả các họa sĩ tu luyện Đại Pháp trên khắp thế giới nghĩ đến là thể hiện đề tài học Pháp. Mặc dù rất nhiều người đã vẽ về đề tài này, nhưng không có bức nào thể hiện sâu sắc và chính xác như bức tranh này, bởi vì tư duy sáng tác của con người chỉ giới hạn ở những hiện tượng bề mặt mà mắt người nhìn thấy, không nắm bắt được ý nghĩa thực chất của sự vật.

Có câu thơ nói: “Mạc cẩn biểu diện khứ khán sự, lánh ngoại không gian vân dũng khởi”, (Tạm dịch: Đừng chỉ nhìn sự vật ở bề mặt, ở không gian khác mây cuồn cuộn).

Chỉ khi nhìn thấy các nguyên lý “cao, xa, sâu, rộng, lớn, thoáng” thì mới nắm bắt được bản chất của sự vật, và “mây” ở không gian khác mới có thể “cuồn cuộn” lên, từ vô hình đến hữu hình, từ không nhìn thấy được đến nhìn thấy được.

Khi bạn nhìn vào bức tranh này, bạn có cùng tâm cảnh đang bay vào Thiên giới vô cùng mỹ hảo cùng với những đám mây tường hòa như nhân vật chính trong bức tranh hay không? Màu sắc tươi sáng, ấm áp cùng với tiết tấu nhịp điệu phóng khoáng, vui tươi ở phần trên của bức tranh là những đám mây sáng nghiêng nghiêng, giống như tiếng sáo trong trẻo vang lên từ màn diễn tấu của bản giao hưởng vô thanh này? Vẻ đẹp không gì sánh bằng này mang lại cho tâm hồn một niềm vui bất tận.

(Còn tiếp)

Trương Côn Luân - Epoch Times
Gia Ý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giáo sư Trương Côn Luân: Ánh bình minh của nghệ thuật (3)