Kết hợp hạt tiêu đen trong nấu nướng giúp cải thiện lợi ích của nghệ lên 2000%! Một số điểm cần lưu ý

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghệ là một loại "thảo dược vạn năng" cực kỳ phổ biến. Mọi người nói về nó, dùng nó nấu ăn, hoặc biến nó trở thành một trong những thành phần chính của thực phẩm bổ sung. Mặc dù nghệ đã được chứng minh là an toàn ngay cả khi tiêu thụ với liều lượng cao (12g mỗi ngày), nhưng nó cũng đi kèm với một cảnh báo nhỏ mà nhiều người có thể không biết.

Thân rễ của loài cây có nguồn gốc châu Á này chứa hợp chất polyphenol curcumin, với một danh sách dài các đặc tính tích cực.

Thật không may, nghệ có khả dụng sinh học kém - nghĩa là các thành phần bổ dưỡng của nó không thể dễ dàng đến nơi chúng cần đến, vì quá trình tiêu hóa thông thường sẽ phân hủy và loại bỏ chúng nhanh chóng.

Vấn đề về khả dụng sinh học của nghệ

Một bài đánh giá được công bố trên tạp chí Dược học Phân tử liệt kê vấn đề “chuyển hóa và đào thải nhanh chóng trong cơ thể” là hai nguyên nhân chủ yếu, bên cạnh khả năng hấp thụ kém, có thể cản trở nghệ phát huy hết tiềm năng chữa bệnh trong cơ thể.

Một bài đánh giá năm 2019 nhấn mạnh những vấn đề tương tự và nói thêm rằng quá trình chuyển hóa giai đoạn II ở gan, còn gọi là liên hợp, làm giảm đáng kể khả dụng sinh học đường uống và đẩy nhanh quá trình đào thải.

Đừng vội loại bỏ nghệ

Tuy nhiên, hãy giữ nghệ của bạn trong tủ đựng thức ăn, vì một trong những bài đánh giá được đề cập trước đó cũng chỉ ra rằng ngay cả với tỷ lệ hấp thụ thấp hơn, curcumin vẫn là một loại gia vị quý giá có tác dụng điều trị "nhiều bệnh ở người, bao gồm ung thư, tim mạch, tiểu đường, viêm khớp, bệnh thần kinh và bệnh Crohn".

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã đang tìm kiếm các giải pháp và phát hiện ra rằng piperine, một loại ancaloit, có thể hữu ích. Piperine là chất tạo nên vị cay đặc trưng của hạt tiêu đen và bản thân nó có những đặc tính tốt cho sức khỏe.

Piperine đến giải cứu

Piperine (có trong hạt tiêu đen hay hồ tiêu) có đặc tính chống viêm, đồng thời giúp cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ và giảm kháng insulin. Một bài đánh giá trong tạp chí Tiến bộ Thực nghiệm về Y học và Sinh học nêu rõ rằng nó có tác dụng chống lại các bệnh mãn tính.

Chưa hết. Trong một phân tích năm 2021 trên tạp chí Nghiên cứu Liệu pháp Thực vật, xem xét một số thử nghiệm trong ống nghiệm và trên cơ thể sống, piperine cho thấy các đặc tính chống lại ung thư, chẳng hạn như tiềm năng chống khối u, chống tăng sinh, chống hình thành mạch máu và chống oxy hóa.

Hợp chất hoạt động của hạt tiêu đen cũng thể hiện "tác dụng chống tiểu đường, chống béo phì, bảo vệ tim mạch, chống vi khuẩn, chống lão hóa và điều hòa miễn dịch".

Hơn nữa, hạt tiêu đen được cho là có tác dụng "bảo vệ gan, chống dị ứng, chống viêm và bảo vệ thần kinh".

Đối với curcumin, piperine quả là một người bạn đồng hành mạnh mẽ cần có.

Bộ đôi năng động

Sự kết hợp giữa củ nghệ và hạt tiêu đen tạo nên bộ đôi năng động giúp đẩy nhanh quá trình đào thải và tăng cường hấp thu các dược tính của củ nghệ.

Trong một đánh giá toàn diện năm 2023, tất cả các phát hiện đều chỉ ra tác dụng có lợi của bộ đôi curcumin-piperine.

Những người mắc bệnh tiểu đường, béo phì hoặc hội chứng chuyển hóa có thể tận dụng các đặc tính chống oxy hóa của gia vị và những chất này sẽ cải thiện chỉ số đường huyết cũng như thành phần lipid.

Hơn nữa, bài báo còn đề cập đến bộ đôi này “làm giảm căng thẳng oxy hóa và trầm cảm trong căng thẳng mãn tính hoặc rối loạn thần kinh, đồng thời cải thiện các bệnh hô hấp mãn tính, hen suyễn và COVID-19”.

Một thử nghiệm lâm sàng được công bố trên Planta Medica đã so sánh tỷ lệ hấp thụ các đặc tính của chất curcumin ở người và động vật. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra sự đồng hóa tương phản của cả chất curcumin đơn độc và bộ đôi curcumin/piperine.

Ở chuột, piperine làm tăng khả dụng sinh học của chất curcumin tối đa là 154%. Sự đồng hóa thậm chí còn tăng lên đáng kể ở người, khi việc sử dụng đồng thời cả hai hoạt chất đã cải thiện lợi ích của củ nghệ lên 2000% mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào.

Nghệ: Thực phẩm bổ sung và khả năng tương tác với thuốc

Với tất cả những lợi ích sức khỏe này, một số người chắc hẳn nghĩ "vậy ăn càng nhiều càng tốt", nhưng thực tế không phải vậy.

Mary-Eve Brown, một chuyên gia dinh dưỡng và dinh dưỡng lâm sàng về ung thư tại Johns Hopkins Medicine, đã viết một bài báo về các sự thật liên quan đến chế độ ăn uống bao gồm nghệ và tương tác của nó với thuốc.

Bà cảnh báo rằng "thực phẩm bổ sung chứa nghệ có thể làm giảm tác dụng của [thuốc giảm đau, chẳng hạn như] indomethacin, aspirin, ibuprofen or acetaminophen" và "làm tăng nguy cơ chảy máu ở những người dùng warfarin" (thuốc làm loãng máu).

Cô Brown cũng chỉ ra rằng những người dùng thuốc ức chế miễn dịch tacrolimus có thể gặp tác dụng phụ nếu ăn nghệ với liều cao.

Cô không đi vào chi tiết về tác dụng phụ có thể xảy ra nhưng khuyến khích mọi người nên kết hợp việc tiêu thụ nghệ và hạt tiêu đen trong chế độ ăn uống, nghĩa là trong súp, hầm và các món ăn, thức uống khác, chẳng hạn như trà.

Chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng khuyên rằng theo cách này, khả năng "tiêu thụ quá liều" sẽ nhỏ hơn đáng kể.

Tuy nhiên, nếu bạn chọn dùng thực phẩm bổ sung chứa nghệ, hãy đảm bảo rằng có thêm hạt tiêu đen để bổ sung cho hỗn hợp.

Ứng dụng thực tế trong nhà bếp

Nghệ có nhiều ứng dụng trong nhà bếp. Bản thân nó, gia vị màu vàng này có vị đất, nhưng chủ yếu là nhạt. Nó thường được biết đến với màu sắc rực rỡ dễ dàng làm ố màu bất cứ thứ gì tiếp xúc với nó.

Tuy nhiên, đừng ngại sử dụng cặp gia vị nghệ-tiêu trong nấu ăn hàng ngày. Bạn có thể thêm chúng vào các món rau xào hoặc nướng, trong món hầm và súp, rắc chúng lên món salad hoặc trứng bác, hoặc tăng hương vị cho món sinh tố.

Theo Alexandra Roach - The Epoch Times
Chấn Hưng

Alexandra Roach là một bác sĩ y tế toàn diện, nhà thảo dược học và giáo viên vận động, đồng thời cô cũng từng là nhà báo, người dẫn chương trình tin tức truyền hình và tác giả.



BÀI CHỌN LỌC

Kết hợp hạt tiêu đen trong nấu nướng giúp cải thiện lợi ích của nghệ lên 2000%! Một số điểm cần lưu ý