Nghiên cứu: Các hoá chất trong hạt vi nhựa có thể thẩm thấu qua da người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mang tính đột phá đầu tiên trên thế giới, phát hiện ra rằng các chất phụ gia trong hạt vi nhựa có thể thẩm thấu vào cơ thể thông qua mồ hôi.

Nghiên cứu này được thực hiện tại Đại học Birmingham ở Vương quốc Anh. Nó cho thấy các chất phụ gia trong vi nhựa có thể rỉ ra và đi vào cơ thể qua tuyến mồ hôi.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), polybrominated diphenyl ethers (PBDE) là các hóa chất được thêm vào nhựa và các vật dụng như đệm mút nội thất, lớp cách điện (dây), vỏ nhựa của tivi, máy tính và các thiết bị gia dụng nhỏ để chống cháy.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho các mô hình da người 3D tiếp xúc với hai dạng phổ biến của vi nhựa chứa PBDE - vốn được sử dụng trong chất chống cháy.

Họ quan sát thấy da có thể hấp thụ tới 8% lượng hóa chất. Ngoài ra, da càng tiết nhiều mồ hôi thì lượng hóa chất được hấp thụ càng nhiều. Kết quả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environment International.

Tác giả nghiên cứu Ovokeroye Abafe, tiến sĩ hóa học, cho biết trong một thông cáo báo chí:

"Vi nhựa có mặt khắp nơi trong môi trường sinh sống, nhưng chúng ta vẫn biết tương đối ít về các vấn đề sức khỏe mà chúng có thể gây ra. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các hạt vi nhựa đóng vai trò như 'vật mang' các hóa chất độc hại, có thể đi vào máu qua da".

Hoá chất phổ biến, quy định hạn chế

CDC tuyên bố rằng những ảnh hưởng của việc tiếp xúc với nồng độ PBDE thấp ở người vẫn chưa được biết rõ.

Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy các hóa chất này có thể gây hại cho tuyến giáp và gan, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, đồng thời gây ung thư gan cho những con chuột tiêu thụ một lượng lớn các chất liên quan trong suốt cuộc đời của chúng.

Những nghiên cứu trên người đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức, làm suy giảm kỹ năng vận động, tăng tính bốc đồng và giảm khả năng tập trung.

Mặc dù PBDE chưa được phân loại là chất gây ung thư, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cho rằng có đủ bằng chứng cho thấy chúng có khả năng gây ung thư.

"Những hóa chất này tồn tại dai dẳng, vì vậy việc tiếp xúc liên tục hoặc thường xuyên với chúng sẽ dẫn đến sự tích tụ dần dần đến mức chúng bắt đầu gây hại", ông Abafe nói trong thông cáo báo chí.

Nhóm nghiên cứu hy vọng những phát hiện của họ sẽ khuyến khích các nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý thực hiện các bước nghiêm ngặt hơn để bảo vệ công chúng khỏi các hóa chất và vi nhựa như vậy.

Năm 2022, California trở thành tiểu bang đầu tiên thiết lập chiến lược để kiểm tra vi nhựa trong nước uống công cộng và hệ thống giám sát dự kiến ​​có hiệu lực vào mùa thu năm 2023.

Các nhà nghiên cứu dự định tiếp tục nghiên cứu của họ bằng cách điều tra cách vi nhựa có thể đưa các hóa chất độc hại vào cơ thể người qua đường hít thở và ăn uống.

"Dựa trên kết quả của chúng tôi, cần có thêm nghiên cứu để hiểu đầy đủ về các con đường phơi nhiễm vi nhựa khác nhau ở người và cách giảm thiểu rủi ro từ việc phơi nhiễm đó", giáo sư Stuart Harrad, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết trong thông cáo báo chí.

Theo Amie Dahnke - The Epoch Times
Chấn Hưng

Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do sống ở California. Trong suốt một thập kỷ, cô thường viết báo chí cộng đồng và các nội dung tin tức liên quan đến chăm sóc sức khỏe, đồng thời giành được Giải thưởng Nhà xuất bản Báo chí California cho tác phẩm của mình.



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Các hoá chất trong hạt vi nhựa có thể thẩm thấu qua da người