Ngộ độc sau khi ăn cơm ở căng tin, 19 sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM nhập viện giữa đêm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiến sĩ - Bác sĩ Cao Tấn Phương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, khoảng 22 giờ đêm ngày 8/5, các sinh viên nhập viện với triệu chứng đau bụng, nôn ói và tiêu chảy, nhưng không có trường hợp nào nghiêm trọng.

Đêm qua và rạng sáng ngày 9/5, 19 sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM đã nhập viện khẩn cấp do liên quan đến một vụ ngộ độc thực phẩm.

Tiến sĩ - Bác sĩ Cao Tấn Phương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, khoảng 22 giờ đêm ngày 8/5, các sinh viên nhập viện với triệu chứng đau bụng, nôn ói và tiêu chảy, nhưng không có trường hợp nào nghiêm trọng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tình trạng của cả 19 sinh viên đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi.

Một số sinh viên cho biết, trước thời điểm bị ngộ độc, các em từng ăn cơm chiều tại khu căng tin của toà nhà B4 trong ký túc xá.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ của sinh viên trong trường, trung tâm quản lý ký túc xá đã yêu cầu căng tin dừng hoạt động, giữ nguyên hiện trạng để nhà chức trách điều tra, lấy mẫu và tìm nguyên nhân.

Vụ việc đã được bệnh viện báo lên Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM. Hiện chưa rõ các sinh viên đã ăn những món gì.

Được biết, căng tin tại ký túc xá do một công ty kinh doanh dịch vụ ăn uống tổ chức. Công ty này có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tại ký túc xá, công ty không trực tiếp chế biến và nấu thức ăn mà chỉ phụ trách khâu phân phối.

Mùa hè với độ ẩm cao kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển, đẩy nhanh quá trình phân huỷ thức ăn. Quá trình sơ chế, nấu và bảo quản thực phẩm chưa đúng cách có thể tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc.

Trước đó, nhà chức trách thành phố cũng ghi nhận hàng loạt vụ nghi ngộ độc thực phẩm, chẳng hạn như trường hợp của 16 học sinh thuộc bốn trường tiểu học cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh sau khi ăn sushi, bánh mì trước cổng trường; hoặc hai học sinh tiểu học nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 sau khi ăn mì Ý sốt cà.

Tất cả những trường hợp nói trên đều có các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, sốt…

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, người dân cần lưu ý:

  • Ăn chín, uống sôi.
  • Khi nấu xong nên ăn ngay, tránh để lâu vì có thể làm hư hỏng thức ăn.
  • Nên vứt bỏ thực phẩm đã hư hỏng, nhiễm bẩn; đối với thực phẩm chín, nên bảo quản cẩn thận.
  • Tránh gây ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn, không để thực phẩm chín và thực phẩm sống quá gần nhau.
  • Trước khi chế biến và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác, cần rửa tay sạch.

Chấn Hưng (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Ngộ độc sau khi ăn cơm ở căng tin, 19 sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM nhập viện giữa đêm