Vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai lên hơn 500 người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số người nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai đến tối ngày 3/5 tăng lên hơn 500 người, hai bệnh nhi phải lọc máu.

Liên quan đến vụ nghi ngộ độc sau ăn bánh mì ở tỉnh Đồng Nai, đến cuối ngày 3/5, tổng số bệnh nhân đã lên tới 518 người, trong đó có 10 ca bệnh nặng được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, một ca bệnh nặng được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Sau khi làm việc với Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, bệnh viện Nhi Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Long Khánh, Đoàn công tác của Bộ Y tế cùng đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, giới chức TP Long Khánh đã đến tiệm bán bánh mì B (đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình, TP Long Khánh) để khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm.

Tại đây, chủ tiệm trao đổi về quy trình làm một số nguyên liệu và bảo quản nguyên liệu để bán bánh mì như: thịt, làm pate (tự làm), ngò, dưa leo, đồ chua, nước sốt...

Theo chủ cửa hàng thì tiệm bán bánh mì của gia đình bà đã bán gần 20 năm nay và được nhiều người ở TP Long Khánh biết đến. Nhưng thực phẩm gia đình lấy về để bán bánh mì hay thực phẩm tươi sống để chế biến, tự làm đều lấy từ “mối” quen nhiều năm nay và chưa xảy ra điều gì bất thường, không có chuyện gây ngộ độc bao giờ.

Chủ tiệm bánh mì chia sẻ thêm, vì khách mua đông nên có người làm bánh bán và người thu tiền khác nhau, chứ không phải vừa bán vừa thu tiền. Ngoài ra, người bán có đeo bao tay khi làm bánh mì. Hai ngày nay xảy ra sự việc gia đình rất lo lắng vì bán nhiều năm nhưng chưa từng xảy ra sự việc như thế này.

Cũng theo vợ chồng chủ tiệm bánh mì, sau khi xảy ra sự việc nhiều người bị ngộ độc, cơ quan chức năng cũng đã làm việc với những người bán, tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm và niêm phong hai tủ đông.

Kết quả kiểm tra ban đầu, tiệm bánh mì Cô Băng bán bánh mì thịt bao gồm bánh mì, pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), chả lụa, thịt nguội, thịt heo, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương). Trong ngày 30/4, quán bán hơn 1.100 ổ bánh mì.

Tiệm bánh mì không có giấy phép kinh doanh

Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tại thời điểm điều tra, tiệm bánh mì Cô Băng (do bà Nguyễn Thị Khánh Băng làm chủ) không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh.

Tuy nhiên, bà Băng sử dụng giấy phép kinh doanh cấp cho chị N.T.N.P (con gái bà Băng, đã đi nước ngoài) có địa chỉ ở nơi khác.

Theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai, bà Băng cho biết vẫn đóng thuế đầy đủ hằng tháng, chỉ đổi địa chỉ và nghĩ có giấy phép kinh doanh là được.

Ngoài ra, cơ sở cũng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe.

Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào.

Trước đó, từ ngày 1/5 bắt đầu ghi nhận 70 ca nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh sau khi những người này ăn bánh mì vào ngày 30/4.



BÀI CHỌN LỌC

Vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai lên hơn 500 người