Vụ nghi ngộ độc do ăn cơm gà ở Khánh Hòa: Chủ quán hỗ trợ 550 triệu đồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên quan đến sự việc hàng loạt người nghi ngộ độc sau khi ăn tại quán cơm gà ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), chủ quán này hiện đã hỗ trợ những khách hàng trên hơn 550 triệu đồng.

Đến hết ngày 17/3, tổng số ca nghi ngộ độc sau ăn cơm gà quán ở Nha Trang phải đến cơ sở y tế là 360 người, trong đó 164 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Đại diện cơ sở quán cơm cũng đã lên tiếng xin lỗi khách hàng cũng như chủ động hỗ trợ viện phí khoảng nửa tỷ đồng cho những trường hợp nghi ngộ độc.

Dự kiến, trong ngày 18/3, những người nghi ngộ độc có sức khỏe ổn định sẽ lần lượt được xuất viện.

Ông Trịnh Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, các nạn nhân được điều trị đúng phác đồ cấp cứu giải độc tại các cơ sở y tế. Đến nay, tình hình sức khỏe các nạn nhân ổn định. Một ca sản phụ có dấu hiệu nặng, đến ngày 17/3 đã tỉnh, tiếp xúc tốt, mạch rõ, giảm sốt, không đau bụng. Bệnh nhân đang được theo dõi sát tình trạng lâm sàng, điều trị, chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó, ngày 15/3, kết quả cấy phân của hai nạn nhân nhi trong vụ ngộ độc tại quán gà nói trên (đang điều trị tại Bệnh viện Vinmec Nha Trang) có kết quả dương tính với vi khuẩn Salmonella.

Ngày 16/3, kết quả cấy phân từ 5 người bệnh trưởng thành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cũng cho dương tính với khuẩn Salmonella.

Từ các kết quả trên, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa triển khai điều trị theo hướng nhiễm trùng, nhiễm độc đường tiêu hóa do tác nhân Salmonella Group cho nạn nhân ở các đơn vị, cơ sở y tế có nạn nhân ngộ độc trong vụ việc nói trên.

Theo ông Trịnh Ngọc Hiệp, các đơn vị y tế đang theo dõi sát sao, tiếp tục công tác thu dung điều trị. Sở Y tế Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra dịch tễ và truy xuất nguyên nhân ngộ độc, cắt nguồn lây nhiễm bệnh, tăng cường truyền thông giáo dục người dân ăn uống hợp vệ sinh trong mùa nắng nóng, rà soát kiểm tra các thực phẩm nguội, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh.

Nhận định về nguyên nhân số ca nhập viện nghi ngộ độc do ăn ở quán cơm gà tăng từng ngày, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa Trịnh Ngọc Hiệp cho rằng nhiều người dân khi ngộ độc có triệu chứng nhẹ, đau bụng, nôn ói, tự điều trị tại nhà. Khi biết về sự việc thông qua các kênh truyền thông, báo chí, họ đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị. Những trường hợp này đa số là ca nhẹ, được bác sĩ kê đơn uống thuốc tại nhà và không nhập viện điều trị.

Về phía quán gà trên đường Bà Triệu (đã hoạt động hơn 30 năm, khách hàng phần lớn là người dân địa phương), ngay khi xảy ra sự việc, dù chưa rõ nguyên nhân, nhưng đại diện chủ quán trong đêm 13/3 đã lên tiếng xin lỗi khách hàng, đến động viên và trực tiếp trả viện phí cho các nạn nhân nằm viện qua nhiều hình thức khác nhau. Tính đến ngày 17/3, chủ quán này đã hỗ trợ khách hàng gặp sự cố ngộ độc hơn 550 triệu đồng.

“Sau sự việc phát hiện hàng loạt người nhập viện do ăn ở quán, các thành viên trong gia đình đã đến trực tiếp các bệnh viện và nhận thông tin phản hồi của các khách hàng qua kênh mạng xã hội, sau đó trực tiếp chuyển khoản hỗ trợ viện phí. Chúng tôi giữ kết nối với các khách hàng ăn ở quán bị ngộ độc hôm đó và cam kết đảm bảo chi trả các khoản viện phí và các yêu cầu khác của khách hàng,” đại diện chủ quán gà trên đường Bà Triệu cho biết với truyền thông.

Trước đó, như NTD VN đã đưa tin, từ ngày 13/3, có hàng loạt người nhập viện do đau bụng, nôn ói, nghi do ăn thức ăn nhiễm khuẩn từ quán cơm gà trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Nhà chức trách địa phương đã đình chỉ hoạt động quán ăn, lấy các mẫu thực phẩm đem đi xét nghiệm.

Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn trên thế giới. Đáng chú ý, ngộ độc do vi khuẩn Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ đến rất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

Vi khuẩn Salmonella có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa… Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 12 - 24 giờ, có thể kéo dài vài ngày (lên đến 6 - 7 ngày).

Vi khuẩn Salmonella cũng là thủ phạm khiến hàng trăm học sinh ở Nha Trang ngộ độc thực phẩm, trong đó một bé tử vong vào năm 2022.

Việt Nam Xã hội

Vụ nghi ngộ độc do ăn cơm gà ở Khánh Hòa: Chủ quán hỗ trợ 550 triệu đồng