Tìm thấy vi khuẩn Salmonella trong mẫu bệnh phẩm của bé trai ngộ độc bánh mì tại Đồng Nai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bước đầu kết quả xét nghiệm mẫu phân của bệnh nhi ngộ độc sau khi ăn bánh mì Băng ở Đồng Nai, cho thấy dương tính vi khuẩn Salmonella.

Ngày 6/5, kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. HCM) cho biết mẫu phân của bệnh nhi P.H.M (14 tuổi, Đồng Nai) có chứa vi khuẩn Salmonella. Đi cùng kết quả xét nghiệm, em M. được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trước đó, M. nhập viện vì sốt, đau bụng tiêu chảy phân lỏng xanh trong 3 ngày. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy em có tình trạng nhiễm trùng.

M. được bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn. Sau khi được tích cực điều trị kháng sinh và các thuốc hỗ trợ, tình trạng của em đã thuyên giảm.

Bên cạnh đó, bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang điều trị cho hai trường hợp bị ngộ độc nặng là bé N.H.T.A (13 tuổi) và T.G.H (6 tuổi).

Bé H. là trường hợp nặng nhất trong số hàng trăm người liên quan vụ ngộ độc nghi sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai. Hiện em H. được lọc máu, thở máy và dùng thuốc vận mạch để trợ tim, nhưng vẫn tiên lượng nặng.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, tính đến ngày 6/5, địa phương này ghi nhận 560 người nhập viện vì nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì Băng tại TP Long Khánh, Đồng Nai. Các nạn nhân đều nhập viện với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sốt.

Khuẩn Salmonella là thủ phạm hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Vào cơ thể người qua thức ăn uống, vi khuẩn Salmonella sinh độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột, gây ra đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng.

Salmonella phát triển rất nhanh ở môi trường nóng ẩm (35-37 độ C). Khi mổ thịt gia súc, gia cầm, nếu không làm sạch sẽ, vi khuẩn Salmonella sẽ phát tán ra môi trường và bám vào thực phẩm như thịt, trứng gia cầm. Ăn trứng sống, luộc trứng không kỹ, người dân cũng có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella. Rau và sữa cũng dễ nhiễm Salmonella phát tán từ phân động vật ra.

Hai ngày trước, xét nghiệm máu của ba bệnh nhi chuyển nặng điều trị tại Đồng Nai cho thấy các em bị nhiễm khuẩn E.coli. Đây là vi khuẩn thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống...

So với Ecoli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể xuất hiện một ngày sau ăn, nhưng cũng có trường hợp sau 4-5 ngày. Khuẩn Salmonella là thủ phạm khiến hàng trăm học sinh ở Nha Trang ngộ độc thực phẩm, trong đó một bé tử vong, hồi năm 2022.

 



BÀI CHỌN LỌC

Tìm thấy vi khuẩn Salmonella trong mẫu bệnh phẩm của bé trai ngộ độc bánh mì tại Đồng Nai