Vi khuẩn Salmonella gây hại cho sức khoẻ như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dựa vào kết quả cấy phân cho người trưởng thành trong vụ ngộ độc cơm gà Trâm Anh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà, chiều 16/03, Sở Y tế Khánh Hoà cho biết đã xác định thêm 5 trường hợp dương tính với khuẩn Salmonella.

Cách đây ba ngày, các bác sĩ cũng xác định được hai trường hợp nhiễm khuẩn Salmonella khác là trẻ em đang điều trị tại Bệnh viện Vinmec Nha Trang.

Tính đến 3 giờ chiều ngày 16/03, số người ngộ độc sau khi ăn cơm gà tại quán Trâm Anh (địa chỉ trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang) lên 358 ca, tăng hơn 10 ca so với hôm trước đó. Trong số này, có khoảng 170 bệnh nhân đang được điều trị ở 13 bệnh viện và trung tâm y tế địa phương, những người còn lại đã xuất viện hoặc được kê đơn và theo dõi ngoại trú.

Hiện Sở Y tế Khánh Hoà đang hướng dẫn các bệnh viện điều trị theo hướng nhiễm độc đường tiêu hoá do khuẩn Salmonella. Mặc dù vậy, sở cho biết vẫn chưa đủ bằng chứng để khẳng định đây là nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc hàng loạt.

Trước sự cố nói trên, đại diện quán cơm gà Trâm Anh cho biết các thành viên trong gia đình đã chủ động đến các bệnh viện và trung tâm y tế địa phương để xin lỗi người thân và bệnh nhân, đồng thời liên tục chuyển khoản cho những người thân và bệnh nhân nhập viện điều trị do ăn cơm tại quán với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, quán cũng công bố hai số điện thoại để những người liên quan đến vụ việc có thể liên hệ, kết nối gửi hoá đơn viện phí thanh toán.

Quán cơm gà Trâm Anh hoạt động hơn 30 năm qua và nổi tiếng ngon. Mỗi ngày, quán phục vụ hàng trăm lượt người dân và du khách đến ăn.

Vụ ngộ độc hàng loạt diễn ra vào tối 13/03, khi hàng chục người phải nhập viện sau khi ăn cơm gà tại quán với các triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn ói, sốt, đi ngoài liên tục… Số người ngộ độc liên tục tăng lên hàng trăm ca những ngày sau đó.

Vi khuẩn Salmonella

Vi khuẩn Salmonella thường được tìm thấy trong các loại thực phẩm bẩn, bất kể đó là thịt gà, thịt bò, thịt heo, trứng, trái cây, rau xanh hay cả thực phẩm chế biến sẵn… Thực phẩm càng bẩn thì khả năng ngộ độc càng cao.

Đây là loại vi khuẩn đường ruột không hình thành bào tử, chúng có thể tồn tại lâu trong các thực phẩm khô, ướp lạnh… nhưng kém đề kháng với điều kiện bên ngoài và có thể bị phá huỷ trong quá trình tiệt trùng hoặc đun nấu.

Salmonella có thể xâm nhập vào thực phẩm trong nhiều trường hợp, có thể là do môi trường ô nhiễm như đất, nước, không khí…

Quá trình giết mổ, chế biến và vệ sinh cá nhân không đảm bảo an toàn cũng là một yếu tố làm gia tăng số lượng vi khuẩn.

Sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng đều có khả năng nhiễm khuẩn Salmonella. Các loại trái cây và rau củ, nhất là giống nhập khẩu, có thể nhiễm khuẩn trong quá trình chăm bón hoặc sơ chế làm sạch bằng nước.

Ngoài ra, trứng sống và trứng chưa chín cũng trở thành nguồn lây nếu con người ăn phải. Điều này là do gia cầm nhiễm bệnh vẫn có thể đẻ ra trứng chứa Salmonella.

Trong thời gian từ 12-72 giờ sau khi phơi nhiễm với vi khuẩn, hầu hết những người nhiễm đều có các triệu chứng như sau:

  • Tiêu chảy: Phân lỏng, sền sệt, màu vàng nâu, rất khắm, khoảng 5 - 6 lần/ngày
  • Sốt cao liên tục (39 hoặc 40 độ C)
  • Máu trong phân
  • Đau bụng sôi bụng và chướng bụng
  • Nhiễm độc thần kinh do độc tố vi khuẩn (nhức đầu, mất ngủ, ác mộng, ù tai, nói ngọng).
  • Phát ban nhỏ, bằng phẳng ở ngực, bụng, mạn sườn. Ban xuất hiện khoảng từ 7 - 12 ngày rồi biến mất.
  • Trường hợp nặng người nhiễm vi khuẩn Salmonella có biểu hiện tay run hoặc nằm bất động, vẻ mặt thờ ơ, đờ đẫn, li bì, mê sảng, hôn mê (thường ít gặp).

Đại đa số những người nhiễm khuẩn đều có thể đi lại bình thường sau 1-2 ngày. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nhiễm vi khuẩn Salmonella có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ.

Nhật Duy (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vi khuẩn Salmonella gây hại cho sức khoẻ như thế nào?