Ngộ độc thực phẩm và vi khuẩn Salmonella kháng thuốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vi khuẩn Salmonella có lẽ là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất. Nó có thể gây lây nhiễm cho rất nhiều vật chủ và có thể tồn tại trong nhiều điều kiện khác nhau từ lông động vật tới lá rau diếp.

Xu hướng gia tăng các trường hợp Salmonella kháng thuốc (pdf), như đã được chỉ ra trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Foods, cho thấy nhu cầu phải cải thiện các phương pháp phát hiện cũng như phòng ngừa đối với loại vi khuẩn này.

Vi khuẩn Salmonella - Những điều cần biết

nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh tiêu chảy và sốt thương hàn, các chủng Salmonella là nguyên nhân gây ra 1,2 triệu ca bệnh mỗi năm. Đầu tiên và quan trọng nhất, nếu bị đau bụng và tiêu chảy sau khi ăn thực phẩm “không tươi mới” thì phải nghĩ tới nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn gram âm. Salmonella có khoảng 2.500 biến thể và là nguyên nhân khiến hơn 25.000 người phải nhập viện và hơn 400 người tử vong mỗi năm chỉ riêng ở Hoa Kỳ.

Salmonella là nguyên nhân phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm. (Thời báo Đại Kỷ Nguyên)

Ngoài đau bụng và tiêu chảy, nhiễm khuẩn Salmonella có thể gây sốt, buồn nôn, nôn mửa và đau đầu khá dữ dội. Ngoài ra, nếu nhiễm khuẩn Salmonella Typhi sẽ gây sốt thương hàn. Cùng với các triệu chứng nêu trên, sốt thương hàn còn dẫn đến phát ban, yếu cơ và sốt cao tới 39 đến 40 độ C.

Vi khuẩn Salmonella đặc biệt khó xử lý do chúng có thể tồn tại ở rất nhiều vật chủ và môi trường khác nhau. Chúng có mặt gần như khắp mọi nơi, sống trên các loài chim, bò sát, lưỡng cư và hầu hết thú cưng trong nhà. Ngoài ra, chúng có thể tồn tại trong hàng hóa đông lạnh, tươi sống và thậm chí cả thực phẩm đã chế biến, đó là lý do tại sao chúng ta hay nghe nói về sự bùng phát của vi khuẩn Salmonella ở đâu đó và trong mọi thứ, từ xúc xích Ý cho đến “sản phẩm gà nhồi bánh mì đông lạnh”.

Các triệu chứng của nhiễm khuẩn Salmonella khá nhẹ nhưng cũng thường gây khó chịu. (The Epoch Times)

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã ghi nhận một danh sách dài các đợt bùng phát vi khuẩn Salmonella bắt đầu từ năm 2006. Thông thường, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện trong khoảng từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm khuẩn và kéo dài từ 4 ngày cho đến một tuần. Tuy nhiên, các triệu chứng cũng có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc ngược lại, lại không có triệu chứng nào cả.

Salmonella có thể lây nhiễm nhiều thứ khác nhau. (The Epoch Times)

Chẩn đoán Salmonella thường được thực hiện trong phòng xét nghiệm với mẫu máu, mẫu sinh thiết mô hoặc chất dịch của người bệnh. Có thể mất từ một đến năm ngày để có kết quả xét nghiệm, tùy thuộc vào mẫu bệnh phẩm.

Việc điều trị Salmonella thường mang tính hỗ trợ nhiều hơn là nhắm tới tiêu diệt vi khuẩn vì hầu hết các loại thuốc không thực sự giúp ích gì nhiều. Việc bù dịch là rất quan trọng vì tiêu chảy làm cơ thể mất nước. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi nhiều.

Các thuốc kháng sinh như ciprofloxacin, azithromycin và ceftriaxone đôi khi cần thiết để điều trị cho bệnh nhân nhiễm khuẩn Salmonella nặng. Tuy nhiên, nhiễm các chủng Salmonella kháng thuốc sẽ có thể nghiêm trọng hơn và tỷ lệ phải nhập viện cao hơn.

Chúng ta phải làm gì với Salmonella kháng đa thuốc

Sự gia tăng của các chủng Salmonella kháng thuốc cũng là một phần lý do tại sao việc điều trị bằng Salmonella thường chỉ mang tính hỗ trợ. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống tiêu chảy hoặc thuốc kháng sinh, nhưng dùng những loại thuốc đó cũng kèm theo rủi ro.

Thứ nhất, thuốc tiêu chảy có thể kéo dài thời gian của các triệu chứng trong khi tình trạng nhiễm trùng vẫn diễn ra. Thuốc kháng sinh thường không được khuyến khích sử dụng vì có thể không cần thiết; hơn nữa còn có thể gây hại nhiều hơn là mang lại kết quả tích cực.

Salmonella thường xâm nhiễm vào đường ruột chứ không vào máu. Mà thuốc kháng sinh lại thường được dùng để điều trị vi khuẩn xâm nhiễm vào máu, như vậy về cơ bản việc sử dụng chúng ngay từ đầu là vô ích. Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều kháng sinh đã dẫn đến tình trạng Salmonella tăng kháng thuốc.

Kháng thuốc rộng rãi XDR là xu hướng không mong muốn và đang gia tăng (The Epoch Times)

Theo tạp chí Foods, ở Hoa kỳ, có ít nhất 100.000 ca nhiễm trùng Salmonella là do vi khuẩn kháng kháng sinh, trong đó bao gồm cả các chủng kháng ceftriaxone và ciprofloxacin. Cũng đã có những đợt bùng phát Salmonella liên quan đến các chủng kháng nhiều loại kháng sinh, gồm cả ampicillin, streptomycin, sulfisoxazole và tetracycline.

Kháng thuốc liên tục nổi lên. Vào năm 2014, Hệ thống giám sát kháng kháng sinh quốc gia (NARMS), một bộ phận thuộc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA,) đã thu thập một mẫu ức gà trong quá trình giám sát định kỳ. Mẫu này đã được kiểm tra bằng kỹ thuật giải trình tự toàn bộ bộ gen—một kỹ thuật trong phòng thí nghiệm để “sao chép” toàn bộ trình tự DNA—và đã xác định được một chủng Salmonella không thương hàn (kiểu huyết thanh Infantis) kháng đa thuốc. Chủng này có một gen bổ sung không phổ biến trong các chủng Salmonella trên thịt gà ở Hoa Kỳ.

Vào năm 2016, một đợt bùng phát bệnh thương hàn do dòng Salmonella enterica kiểu huyết thanh Typhi kháng thuốc rộng rãi (XDR - eXtensively Drug-Resistant), kháng với vô số loại kháng sinh (chloramphenicol, ampicillin, fluoroquinolones và cephalosporin thế hệ thứ ba), đã được báo cáo ở Pakistan. Các chủng S. Typhi kháng cephalosporin cũng đã được báo cáo ở Ấn Độ, Bangladesh và nhiều quốc gia khác, vì vậy đây không phải là một cụm ca bệnh riêng lẻ ở một quốc gia.

Từ năm 2018 đến 2019, đã xảy ra đợt bùng phát vi khuẩn Salmonella Infantis tại Hoa Kỳ. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã xác định được sự xuất hiện của chủng này với tần suất ngày càng cao trong các mẫu thịt gà. Chủng này, cùng với các chủng Salmonella kháng thuốc khác từ các nguồn như thịt lợn, gà tây và thịt bò, đang làm mất đi đáng kể các lựa chọn mà nhân viên y tế có thể sử dụng để điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng.

Bệnh nhân nhiễm các chủng vi khuẩn kháng ampicillin, chloramphenicol, streptomycin, sulfonamid và tetracycline có nguy cơ tử vong cao hơn gần 5 lần so với bệnh nhân nhiễm các chủng thông thường. Nói một cách chủ quan, tránh không bị nhiễm khuẩn Salmonella ngay từ đầu sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều rắc rối.

Phòng ngừa và phát hiện sớm là cách tốt nhất để không bị bệnh

Việc phòng ngừa tương đối đơn giản, trước đây có thể bạn đã từng nghe qua. Có một phương pháp chính là luôn nấu chín hoàn toàn thực phẩm trước khi ăn. Bạn cũng nên rửa kỹ rau và trái cây nếu ăn sống, cẩn thận khi tiếp xúc với động vật và vật nuôi, đồng thời chú ý đến các thông báo của địa phương về các đợt bùng phát.

Phương pháp điều trị Salmonella tốt nhất là không bị nhiễm vi khuẩn này (The Epoch Times)

Đồng thời, cần tuân thủ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là trong giờ ăn, sau khi tiếp xúc với động vật hoặc khi có người ở gần bạn bị nhiễm khuẩn Salmonella. Ngoài ra, hãy nhớ duy trì lịch làm sạch nhà thường xuyên cũng như không để động vật ở chung khi ăn.

Do bản chất của Salmonella và môi trường lưu hành rộng lớn của chúng nên việc loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn này gần như là không thể, đó là lý do tại sao nhu cầu về xét nghiệm chẩn đoán nhanh Salmonella chưa được đáp ứng, giống như các xét nghiệm nhanh COVID được sử dụng trong suốt đại dịch. .

Đồng thời, chúng ta không nên quá phụ thuộc vào thuốc kháng sinh khi bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Một mặt, việc lạm dụng thuốc cho thấy chúng ta không hoàn toàn tin tưởng hệ miễn dịch. Mặt khác, nó chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc nhiều hơn của vi khuẩn và các mầm bệnh khác, đây là một vòng luẩn quẩn rất có thể sẽ kết thúc bằng thảm họa. Chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào sức khỏe tự nhiên toàn diện của mình và nâng cao những gì chúng ta đã có.

Theo The Epoch Times

Quân Dương biên dịch

Xiaoxu Sean Lin là trợ lý giáo sư Khoa Khoa học Y sinh tại Đại học Phi Thiên ở Middletown, New York. Ông cũng là nhà phân tích và bình luận thường xuyên của Epoch Media Group, VOA và RFA. Ông là một cựu chiến binh, từng là nhà vi trùng học của Quân đội Hoa Kỳ.



BÀI CHỌN LỌC

Ngộ độc thực phẩm và vi khuẩn Salmonella kháng thuốc