Nhân chứng ngày 4/6/1989 trên Quảng trường Thiên An Môn: Thoát chết trong gang tấc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước dịp kỷ niệm 35 năm sự kiện trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), cựu lãnh đạo phong trào sinh viên tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, đã có một cuộc phỏng vấn độc quyền với phóng viên của The Epoch Times. Trong đó, ông Lý kể lại nguyên nhân dẫn đến sự kiện này cùng trải nghiệm thoát chết trên quảng trường. Ông Lý hy vọng rằng, The Epoch Times và các phương tiện truyền thông có lương tâm khác, cũng như những trí thức chính nghĩa sẽ không ngừng lên tiếng cho sự thật lịch sử này.

Ngày 4/6 năm nay đánh dấu 35 năm ngày chính quyền Trung Quốc cho xe tăng và súng tiến vào Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để giết hại các học sinh, sinh viên đứng lên vì dân chủ. Trong khi ở nhiều nơi trên thế giới đang tổ chức các buổi tưởng niệm thì ở Hong Kong và Trung Quốc, sự kiện này lại bị ngăn cấm.

Hôm 28/5, cảnh sát Hong Kong đã lần đầu tiên viện dẫn Điều 23 trong “Luật Cơ bản” để bắt giữ 6 người ở Hong Kong với cáo buộc đăng bài viết có liên quan đến dịp kỷ niệm 35 năm ngày 4/6 lên mạng xã hội. Chính quyền Hong Kong còn nói rằng, có một số người đã lợi dụng "những ngày nhạy cảm" để tạo ra vấn đề và kích động người dân căm ghét chính quyền trung ương ở Bắc Kinh cũng như chính quyền Hong Kong.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã thắt chặt kiểm soát những người bất đồng chính kiến có liên quan đến sự kiện ngày 4/6/1989. Số lượng cảnh sát kiểm tra điện thoại di động trên tàu điện và xe buýt ở Trung Quốc cũng tăng đột biến. Ngoài ra, còn không thể nhìn thấy những thông tin có liên quan đến ngày 4/6 trên các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đang dùng hình thức gây áp lực cao để ép người dân xóa bỏ phần ký ức lịch sử này.

Tuy nhiên, đối với rất nhiều người, ký ức lịch sử dù có bi thảm đến thế nào đi nữa thì cũng không thể xóa nhòa được. Ông Lý Hằng Thanh, lãnh đạo phong trào sinh viên ngày 4/6/1989, người đã thoát chết trong gang tấc trên Quảng trường Thiên An Môn vào 35 năm trước, là một trong số đó. Ông Lý năm nay 57 tuổi, là một nhà kinh tế và hiện đang sống ở Hoa Kỳ.

Tài khoản X @LiHengqing của ông Lý Hằng Thanh với 38 nghìn người theo dõi. (Ảnh chụp màn hình)

Bối cảnh lịch sử

Kể từ khi chính quyền Trung Quốc thực hiện chính sách “cải cách và mở cửa” vào năm 1978, nó đã mang lại một loạt vấn đề mang tính hệ thống như mua quan bán chức, giao dịch tiền quyền, tham nhũng, đặc quyền… Những vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng, ngày càng khơi dậy sự bất bình trong nhân dân Trung Quốc, cuối cùng dẫn đến việc bùng nổ phong trào sinh viên vào tháng 12/1986. Những người tham gia phong trào này yêu cầu chính quyền Trung Quốc thực hiện cải cách hệ thống chính trị, đồng thời hô vang các khẩu hiệu như “Muốn dân chủ”, v.v.

Ông Lý Hằng Thanh kể lại rằng, phong trào sinh viên năm 1986 là nguyên nhân lịch sử dẫn đến một loạt sự kiện tiếp theo.

Sau khi xảy ra phong trào sinh viên 1986, ông Đặng Tiểu Bình đã gọi ông Hồ Diệu Bang (khi đó là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc) và ông Triệu Tử Dương (khi đó là Thủ tướng Trung Quốc) đến nhà nói chuyện. Ông Đặng nói rằng phong trào sinh viên là một sự việc rất lớn; Trung Quốc “không thể sao chép nền dân chủ của giai cấp tư sản, không thể áp dụng tam quyền phân lập”.

Ảnh chụp ngày 1/9/1981 tại Bắc Kinh, Trung Quốc của ông Hồ Diệu Bang (phải) và ông Đặng Tiểu Bình (trái). (Ảnh: AFP via Getty Images)

Ông Hồ Diệu Bang, một Tổng bí thư tương đối cởi mở của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ, đã bị buộc phải từ chức vào tháng 1/1987 và sau đó lại bị chỉ trích là "tự do hóa giai cấp tư sản".

Ngày 15/4/1989, ông Hồ Diệu Bang qua đời. Sau đó, một số người đã tổ chức các hoạt động tưởng niệm và mít tinh trên Quảng trường Thiên An Môn. Tiếp đến, họ đòi dân chủ, tự do và phản đối nạn quan liêu tham nhũng, những điều này đã dần trở thành cốt lõi trong những yêu cầu mà các sinh viên đưa ra.

Ông Lý Hằng Thanh cho biết, lễ truy điệu ông Hồ Diệu Bang đã được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 22/4/1989, có hàng chục nghìn sinh viên ở Bắc Kinh đã tập trung bên ngoài cổng phía đông của Đại lễ đường Nhân dân. Sau đó, ba đại diện sinh viên đã quỳ xuống bậc thềm bên ngoài cổng phía đông để nộp đơn thỉnh nguyện lên chính quyền. Trọng tâm của đơn thỉnh nguyện này là đánh giá lại những công lao và lỗi lầm của ông Hồ Diệu Bang, cũng như bảo vệ quyền tự do của người dân và phản đối việc mua bán quan chức.

Ngày 19/4/1989, các sinh viên ở Bắc Kinh tập trung ở dưới chân tượng đài các anh hùng nhân dân trên Quảng trường Thiên An Môn để bày tỏ sự thương tiếc trước cái chết của ông Hồ Diệu Bang, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, một nhà cải cách theo chủ nghĩa tự do. (Ảnh: CATHERINE HENRIETTE/AFP via Getty Images)

Tuyên bố bãi khóa

Ông Lý Hằng Thanh kể lại: “Hôm đó, đúng lúc tôi trở lại trường, sau khi làm thí nghiệm xong, các em khóa dưới chạy đến nói với tôi: Không thể lên lớp nữa, phải bãi khóa. Vì khi đó tôi là hội trưởng hội sinh viên của khoa. Tôi nói, đang yên đang lành làm sao lại phải bãi khóa? Họ đã kể cho tôi việc sinh viên quỳ xuống đưa đơn thỉnh nguyện. Tôi nghe xong liền rất tức giận, tôi nói: Bãi khóa! Bãi khóa! Kết quả là Khoa Hóa của Đại học Thanh Hoa chúng tôi là hội sinh viên đầu tiên kêu gọi bãi khóa".

Ông Lý cho hay, quyết định này đã khiến Đảng ủy Đại học Thanh Hoa sợ hãi và lập tức gọi điện đến văn phòng hội sinh viên để tìm kiếm ông. "Họ cho rằng việc đó là do các sinh viên tự thực hiện và nhân danh hội sinh viên. Tôi nói: Tôi biết. Họ lại nói: Anh biết à? Thế anh có đồng ý không? Tôi nói tất nhiên là tôi đồng ý rồi".

“Tôi nói với họ rằng, nếu sinh viên quỳ xuống nộp đơn thỉnh nguyện mà không có ai ra tiếp nhận thì đây có phải là chính quyền của nhân dân không? Tất nhiên nên bãi khóa, kháng nghị”.

Sau khi đảng ủy của nhà trường thấy thái độ của ông Lý như vậy, họ đã ngăn không cho ông nói tiếp.

"Người gọi cho tôi lúc đó là ông Trần Hy (Chen Xi). Lúc đó ông ấy là Trưởng ban sinh viên trong Đảng ủy trường, ông ấy vốn là Bí thư Đoàn Thanh niên. Chính là người bây giờ làm đại nội tổng quản cho ông Tập Cận Bình, hiện là Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương. Hồi ấy chúng tôi là anh em tốt”.

Ông Lý Hằng Thanh nói, sau khi bãi khóa, họ đã đi ra ngoài để tham gia diễu hành kháng nghị.

Hàng ngàn sinh viên Trung Quốc đã xuống đường biểu tình, với sự hỗ trợ của người dân Bắc Kinh, họ đã lấp đầy đường phố ở Bắc Kinh vào ngày 27/4/1989. (Ảnh: CATHERINE HENRIETTE/AFP via Getty Images)

Trước khi xảy ra cuộc thảm sát, tình thế thay đổi chóng mặt

Vào ngày 26/4/1989, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ - đã đăng một bài xã luận trên trang nhất nói rằng, cần phải có lập trường rõ ràng, phản đối tình trạng bất ổn và tuyên bố rằng có một số rất ít người có động cơ kín đang âm mưu lật đổ ĐCSTQ và hệ thống chính trị hiện hành. Tuyên bố này đã khiến các sinh viên tức giận, các cuộc biểu tình và kháng nghị của sinh viên đã nổ ra tại nhiều thành phố lớn vào ngay đêm hôm đó.

Ngày 16/5, ông Triệu Tử Dương (khi này đã là Tổng bí thư ĐCSTQ) đã gặp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev khi ông Gorbachev tới thăm Trung Quốc. Ông Triệu tiết lộ với ông Gorbachev rằng, kể từ Hội nghị Trung ương 3 của Ủy ban Trung ương (Ban Chấp hành Trung ương) ĐCSTQ khóa XI năm 1978, ông Đặng Tiểu Bình đã được công nhận là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và là người ra quyết định trong các vấn đề quan trọng. Ông Triệu nói thêm: “Chúng tôi chưa công bố tin tức này ra thế giới bên ngoài”.

Từ ngày 16-18/5, hàng triệu người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội ở Bắc Kinh đã xuống đường biểu tình và lập kỷ lục về cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Bắc Kinh. Một số người chủ trương theo dân chủ còn viết thư gửi các quan chức cấp cao trong ĐCSTQ và khẳng định lại yêu cầu của các sinh viên. Ngoài ra còn có hơn 1.000 trí thức ở Bắc Kinh đã cùng ra “Tuyên bố ngày 16/5” để ủng hộ các sinh viên.

Ngày 17/5, các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ đã mở hội nghị tại nhà của ông Đặng Tiểu Bình, chính ông Đặng là người đề xuất áp đặt thiết quân luật đối với Bắc Kinh. Vào chập tối cùng ngày, khi Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ thảo luận về kế hoạch thiết quân luật, ông Triệu Tử Dương bày tỏ rằng không thể thực hiện việc thiết quân luật.

Vào sáng sớm ngày 19/5, ông Triệu Tử Dương đã cùng ông Ôn Gia Bảo (khi đó đang là Chánh Văn phòng Trung ương ĐCSTQ) đến Quảng trường Thiên An Môn và kêu gọi các sinh viên mau chóng chấm dứt việc tuyệt thực. Ông Triệu nói: “Các bạn sinh viên vẫn còn trẻ, tương lai còn dài", "Chúng tôi đã già rồi, không đáng kể gì". Đây cũng là lần cuối cùng ông Triệu Tử Dương xuất hiện trước công chúng.

Vào sáng sớm ngày 19/5/1989, ông Triệu Tử Dương (người ở giữa, cầm loa) đến Quảng trường Thiên An Môn và kêu gọi các sinh viên mau chóng chấm dứt việc tuyệt thực. (Ảnh: XINHUA/XINHUA/AFP via Getty Images)

Sang ngày 20/5, Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã chính thức tuyên bố thực thi thiết quân luật và huy động ít nhất 30 sư đoàn từ 5 quân khu lớn, cuối cùng có tới 250.000 binh sĩ được điều đến Bắc Kinh. Vào ngày 23/5, ở Bắc Kinh lại có một cuộc tuần hành khác với hàng triệu người tham gia và hô khẩu hiệu “Lý Bằng từ chức” (lúc này ông Lý Bằng đang là Thủ tướng Trung Quốc).

Ông Lý Hằng Thanh cho biết lúc đó họ đang ở Thiên An Môn, có rất nhiều người dân thường đã tham gia chặn các xe quân sự đang tiến vào thành phố.

Ngày 1/6, ông Lý Bằng nộp báo cáo lên Bộ Chính trị ĐCSTQ và gọi những người biểu tình là khủng bố và phản cách mạng; Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cũng tuyên bố, quân đội Mỹ đang can dự vào phong trào sinh viên này nhằm lật đổ sự thống trị của ĐCSTQ.

Những người lính vũ trang của quân đội Trung Quốc che mặt khi họ được chụp ảnh vào ngày 20/5/1989 tại Bắc Kinh trên đường đến Quảng trường Thiên An, sau khi Quốc vụ viện Trung Quốc chính thức tuyên bố thực thi thiết quân luật. (Ảnh: CATHERINE HENRIETTE/AFP via Getty Images)

Quân đội tiến vào Bắc Kinh trấn áp, xe tăng đè bẹp người dân

Ngày 3/6, ông Lý Bằng và những ủy viên khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã gặp gỡ quân đội Trung Quốc và các quan chức thành phố Bắc Kinh để xác định cách thực thi thiết quân luật. Họ mô tả sự kiện này là “bạo loạn phản cách mạng” và quyết định hành động vào đêm hôm đó, cho quân đội và cảnh sát vũ trang tiến vào Quảng trường Thiên An Môn, và kiên quyết thực hiện nhiệm vụ thiết quân luật.

Ông Lý Hằng Thanh kể lại: “Đêm ngày 3/6, quân đội lái xe tăng xông vào và trực tiếp, công khai giết người trên đường Trường An. Sau đó tất cả các tàu điện ngầm đều biến thành tàu chở binh lính. Lúc đó, chúng tôi đều không biết, đột nhiên có rất nhiều binh lính đi ra từ Đại lễ đường Nhân dân và Bảo tàng Lịch sử. Trong các đường hầm dưới lòng đất ở Bắc Kinh cũng đã có binh lính phục kích ở đó”.

"Quân đội nổ súng ở phố Đông và Tây Trường An, xe tăng lao vào. Có rất nhiều người dân thường chết trên phố Trường An. Mà chiếc xe tăng đó tàn nhẫn đến mức nào? Xe tăng đuổi theo học sinh, sinh viên và cuối cùng nghiến qua người họ…”. Ông Lý nói, ông Phương Chính (Fang Zheng), người hiện đang sống ở thành phố San Francisco, Hoa Kỳ chính là “một nhân chứng sống".

Bức ảnh chụp một công dân Hong Kong trong buổi tưởng niệm sự kiện "Thiên An Môn 1989" dưới ánh nến ở Công viên Victoria, Hong Kong vào ngày 4/6/2020. Tấm áp phích mà người này đang cầm là hình người đàn ông vô danh nổi tiếng, được gọi là Người đàn ông Xe tăng (Tank Man), đang một mình chặn đoàn xe tăng của quân đội Trung Quốc trên Đại lộ Trường An ở Bắc Kinh vào năm 1989. (Ảnh: ANTHONY WALLACE / AFP via Getty Images)

Khi đó, ông Lý Hằng Thanh là người đứng đầu phong trào sinh viên tại Đại học Thanh Hoa. Ngày 3/6, vì cảm thấy không khỏe nên ông quay về Bệnh viện Thanh Hoa để truyền dịch. Các sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn muốn ông quay lại quảng trường nên ông đã tháo ống truyền dịch và quay trở lại.

"Ánh lửa có ở khắp nơi trên Quảng trường Thiên An Môn, xe tăng đã lao tới. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một chiếc xe tăng. Tôi vốn tưởng rằng xe tăng chạy không nhanh". Ông Lý kể lại, khi ấy ở mọi ngã tư đều có rào chắn, nhưng "[xe tăng] có thể đánh bay những chướng ngại vật đó ngay lập tức, bạn nói xem nó nhanh đến mức nào!"; "Lúc đó thực sự giống như một cuộc giết người hàng loạt trong thành phố".

Ông Lý Hằng Thanh mô tả: "[Rồi tôi] nhìn lên trời, trên trời như dệt ra một tấm lưới. Sau này tôi mới biết băng đạn súng tiểu liên có 10 viên đạn, trong đó có 9 viên là đạn thật và một viên là đạn dẫn đường, chính là viên đạn dẫn đường đó tạo ra những vệt sáng".

“Đột nhiên, quân đội dường như chui từ dưới lòng đất lên và có mặt ở khắp nơi. Tuy nhiên, mọi người vẫn kiên trì và kiên trì. Khi đó, tôi ước tính có ít nhất 20.000 đến 30.000 học sinh, sinh viên vẫn ở trên quảng trường".

Các binh sĩ của quân đội Trung Quốc nhảy qua một rào cản trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 4/6/1989 trong cuộc xung đột với những người dân và sinh viên bất đồng chính kiến. (Ảnh: CATHERINE HENRIETTE/AFP via Getty Images)

‘Hãy sống sót trở về!’

Ông Lý Hằng Thanh nói, lúc ấy Quảng trường Thiên An Môn ngày càng trở nên nguy hiểm hơn: “Chúng tôi vẫn đang ở chỗ đài tưởng niệm trên Quảng trường Thiên An Môn, và tất cả chúng tôi đều quyết tâm: muốn chết tại quảng trường. Sau khi quân đội nổ súng, có rất nhiều người bị thương và những người bị thương ở các nơi dần được chuyển tới quảng trường. Có một trạm tiếp đón được tạm thời dựng lên ở góc đông bắc của Quảng trường Thiên An Môn".

Theo lời kể của ông Lý, khi đó, tất cả các bệnh viện đều không được cấp cứu cho những người bị thương trên quảng trường và cũng không có một chiếc xe cứu thương nào xuất hiện. Vì vậy, có rất nhiều người bị thương và người chết chất đống ở góc đông bắc của quảng trường.

Nhiều người dân Bắc Kinh đã tự nguyện dùng xe ba bánh để kéo những người bị thương ra ngoài. Ông Lý còn nhìn thấy một chiếc taxi “chất đống” những người bị thương lên xe, ông nói: “Thật sự là chất đống, thậm chí còn đặt cả người lên mui xe".

Tại nơi mà ông Lý Hằng Thanh đứng có mấy y tá và một bác sĩ chịu trách nhiệm xác nhận: ai cứu được sẽ chuyển đi, còn ai không cứu được thì không nên lãng phí công sức vận chuyển.

“Tôi tận mắt chứng kiến ​​một sinh viên cõng bạn cùng lớp trên lưng và cầu xin bác sĩ cho lên xe. Bác sĩ nhìn rồi nói không cứu được. Người sinh viên đó đã khóc và quỳ xuống đất cầu xin bác sĩ. Bác sĩ nói: Không được, thực sự không cứu được”. Bác sĩ đó nói: “Tôi đã qua đó xem rồi, trên ngực cậu ấy có một lỗ lớn, khẳng định là không cứu được nữa”.

Ông Lý nói: “Lúc đó [tôi] không sợ chết, chỉ muốn chết ở đó. Khắp người tôi đầy máu, đều là máu của người khác. Lúc ấy chỉ có một nguyện vọng là: chết ở đó”. “Nhưng sau đó tôi bình tĩnh lại và nghĩ, không được, phải đưa những sinh viên này rời đi, họ là hạt giống của dân chủ".

Sau đó, ông Lý Hằng Thanh và những thủ lĩnh phong trào sinh viên khác đang ở trên quảng trường đã biểu quyết về việc có nên sơ tán hay không. Kết quả là đa số đồng ý sơ tán, mọi người bắt đầu tản đi theo lá cờ của Đại học Thanh Hoa.

Theo ông Lý Hằng Thanh mô tả, khi đó họ đã mở một lối ra từ góc đông nam của Quảng trường Thiên An Môn và sơ tán khi trời còn chưa sáng.

Lá cờ của Đại học Thanh Hoa được dựng lên, các sinh viên đi theo sau. "Tôi là người đầu tiên đứng dưới lá cờ, nếu tôi bị đánh hạ, những người phía sau sẽ tiếp tục tiến lên. Tất cả các trường đại học đều đi theo lá cờ Thanh Hoa”, ông Lý nói.

Sau khi các sinh viên chủ chốt rời đi, trên quảng trường vẫn còn rất nhiều người, bao gồm cả người dân thường. Vì vậy, ông Lý Hằng Thanh đã quay trở lại quảng trường và dùng loa điện để kêu gọi các học sinh, sinh viên sơ tán; họ lại thành lập một đội duy trì trật tự tạm thời và nắm tay kéo người dân và học sinh, sinh viên ra khỏi quảng trường.

Ông Lý kể rằng: “Lúc đó, phía sau chúng tôi có một chiếc xe tăng, cách chúng tôi khoảng hơn 20 mét. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó, nó phun khói đen cuồn cuộn và đuổi theo sau”.

Phía sau xe tăng chính là những binh lính với súng và đạn thật. "Đến giờ tôi vẫn nhớ, khi đó tôi đã hét lên: Chúng ta đổ máu như vậy là đủ rồi. Bây giờ chúng ta nên sống sót trở về! Hãy sống sót trở về! Đừng đổ máu thêm nữa!", ông Lý kể lại.

Những binh lính Trung Quốc với súng và xe tăng vẫn ở trên đường phố Bắc Kinh vào 5/6/1989. (CATHERINE HENRIETTE/AFP via Getty Images)

Được cứu sống trong gang tấc

Mặc dù phần lớn người dân đã sơ tán nhưng vẫn còn rất nhiều sinh viên, trong đó có cả người dân thường, bày tỏ quyết tâm không rời đi. "Khi đó mọi người rất kích động, các sinh viên cũng rất kích động, bạn nghĩ xem, nhiều người chết như vậy rồi!".

Đột nhiên, nhiều lính thủy đánh bộ xuất hiện ở dưới cổng Chính Dương của Quảng trường Thiên An Môn và bắt đầu hô lên, nhắm vào những người còn lại trên quảng trường: “Kẻ xấu, biến đi! Kẻ xấu, biến đi!”. Mọi người vô cùng tức giận, rất nhiều người đã mắng chửi đám binh lính đó là "Lòng lang dạ sói!".

Đột nhiên, có một tiếng súng vang lên, và những người lính thủy đánh bộ kia lao về phía họ.

"Khi vừa nghe thấy tiếng súng, tôi liền sững người, chuyện xảy ra ngay sau lưng tôi”. Ông Lý giải thích, vì lúc đó “tôi đang quay lưng về phía họ, đứng đối mặt với những sinh viên và người dân đó, tay cầm loa điện và ra sức kêu gọi [mọi người rời đi]".

“Kết quả là lúc đó tôi choáng váng, đứng chết trân tại đó… Đột nhiên có mấy bàn tay ôm tôi lại và chạy một mạch…”.

Ông Lý hơi xúc động và nói: “Tôi đã được những người dân đó lôi đi, chạy một mạch đến tận con đường vắt sang Đại Sách Lan, không hề bị thương. Phát súng đó, có lẽ những người lính đó đã nâng nòng súng chếch lên 1 thốn" (1 thốn bằng khoảng 3 cm).

"Lúc đó xe tăng chạy tới, lập tức chiếm giữ con đường ở góc đông nam. Chính những người dân đó đã cứu tôi, nếu không hậu quả thật không tưởng tượng nổi".

Sau đó, ông Lý Hằng Thanh bắt đầu cuộc sống lưu lạc, ẩn náu và trốn tránh sự truy đuổi của chính quyền.

Cuối cùng, ông Lý vẫn bị bắt và bị đưa đến trại tù Tần Thành ở Bắc Kinh, nơi chính quyền Trung Quốc giam giữ các quan chức cấp cao. Một năm sau, ông Lý được ra tù; và sau đó, trải qua bao thăng trầm, ông đã ra nước ngoài...

Nhân kỷ niệm 35 năm Sự kiện ngày 4 tháng 6, ông Lý Hằng Thanh xúc động nói rằng, lúc đó ông nghĩ: “Khi về già, tôi sẽ kể cho con cháu của mình rằng: Trong sự kiện ngày 4/6/1989, ông nội của các con đã không hề mềm yếu, đã ở đó đấu tranh chống lại ĐCSTQ. Tôi nghĩ, đây là điều cơ bản của việc làm người”.

Cuối cùng, ông Lý Hằng Thanh nói với phóng viên của The Epoch Times rằng tình hình hiện nay ở Trung Quốc rất tồi tệ, nhiều người đã bị ĐCSTQ tẩy não rất kinh khủng, những người lớn lên trong môi trường ấy vẫn tin vào những lời tuyên truyền đầu độc của ĐCSTQ. Ông hy vọng rằng những phương tiện truyền thông có lương tâm như The Epoch Times và những trí thức công bằng, chính nghĩa sẽ tiếp tục nói lên sự thật lịch sử về sự chuyên chế tà ác của ĐCSTQ. “Chúng ta đang chống lại sự tẩy não, nói lên sự thật và tiết lộ chân tướng”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhân chứng ngày 4/6/1989 trên Quảng trường Thiên An Môn: Thoát chết trong gang tấc