Nhiều người gặp nạn vì chó thả rông, nhiều địa phương vẫn thờ ơ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nạn chó thả rông cắn người, phóng uế bừa bãi vẫn diễn ra ngày càng nhiều từ nông thôn đến thành thị khiến người dân chỉ biết bất lực. Tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để trên cả nước.

Ngày 31/3, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, việc thống kê đàn chó dù đã được quy định trong Luật và Thông tư nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Nhiều nơi không có cơ sở y tế công điều trị dự phòng bệnh dại.

Ông Long thông tin, trong những trường hợp nghi ngờ có dịch dại, mặc dù Cục Thú y đã có nhiều dự án quốc tế hỗ trợ lấy mẫu và xét nghiệm miễn phí, nhưng nhiều địa phương vẫn không thực hiện điều tra ổ dịch hay lấy mẫu xét nghiệm.

Ông cho biết, tỷ lệ tiêm phòng cho chó, mèo trên cả nước hiện còn rất thấp, chỉ khoảng 30%, nhiều nơi chỉ trên 10%.

Nhiều người bị chó lạ cắn trọng thương

Vừa qua, tình trạng chó thả rông tấn công người liên tục xảy ra ở nhiều tỉnh thành.

Mới đây, ngày 27/3, một bé gái 5 tuổi ở thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang (Hà Giang) bị chó cắn trọng thương khi đang chơi trên vỉa hè.

Cụ thể, vào khoảng 20h50 cùng ngày, bé gái đang chơi trên vỉa hè với bé gái hàng xóm thì bị con chó nặng khoảng 15 kg nhảy chồm lên người, cắn liên tục vào vùng mặt và chân.

Gần một phút sau, khi những người xung quanh phát hiện sự việc và xua đuổi, con chó mới chịu buông bé gái và bỏ chạy.

Do bị thương nặng, cháu bé được người thân đưa đến Bệnh viện Bắc Quang sơ cứu và chuyển bé tới Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để điều trị.

Tại Quảng Ninh, con chó lạ không rọ mõm lọt vào trường giờ tan học buổi trưa, tấn công 14 học sinh và giáo viên trường Tiểu học và THCS Dực Yên, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà.

Việc để chó cắn người khiến tình hình bệnh dại cũng trở nên báo động. Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 51 ổ dịch tại 23 tỉnh, thành phố; số chó, mèo mắc bệnh là 81 con; số chó, mèo chết và tiêu hủy là 186 con. Hiện nay, cả nước có 24 ổ dịch dại động vật tại 15 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Năm 2023, cả nước xảy ra 347 ca bệnh dại trên động vật tại 202 xã, 106 huyện, 31 tỉnh, thành phố; trong đó nhiều nhất tại tỉnh Phú Thọ (54 ca), Quảng Ninh (38 ca) và Cà Mau (41 ca).

Khách chạy khỏi quán vì mùi… phân chó

Ngoài nạn chó thả rông cắn người, gây bệnh dại thì cũng có nhiều trường hợp bất tiện gây ảnh hưởng tới người dân từ loài 4 chân này.

Ngày 25/3, có 8 vị khách đến quán ăn của bà Huỳnh Thị Kim Vân (62 tuổi) ở số 172 Hoàng Diệu, phường 9 (quận 4) gọi 8 tô cháo mực.

Vừa ngồi xuống bàn chừng 2 phút, các vị khách liền yêu cầu bà Vân ngưng làm thức ăn. Họ xin phép rời đi vì không chịu nổi mùi phân chó bốc ra nồng nặc từ căn nhà số 190 Hoàng Diệu, cách quán bà Vân chừng 30m.

Đang múc dở 2 tô cháo, bà Vân đành đổ lại nồi trong tiếng thở dài bất lực. Nhiều năm bán quán ăn tại đây, bà không nhớ hết bao nhiêu vị khách đến quán gọi món, chưa kịp ăn phải đứng dậy rời đi hoặc gói mang về.

Ám ảnh đi chung thang máy với thú cưng

Không chỉ người dân sống trong các khu dân cư bị ảnh hưởng bởi vấn nạn chó thả rông phóng uế bừa bãi, mà những cư dân sống trong các tòa chung cư cao cấp cũng chịu cảnh tương tự.

Chị Diệp Lan (30 tuổi) ngụ chung cư Saigon Riverside trên đường Đào Trí, phường Phú Thuận (quận 7) cho biết, nơi ở của chị được xem là chung cư hiện đại.

Theo người phụ nữ, không ít lần đi thang máy, chị bắt gặp hình ảnh nước tiểu và phân chó trong thang máy, hành lang chung cư nhưng không thấy ai dọn. Khi cư dân báo lên ban quản trị, lao công mới đến hốt, lau chùi.

Thậm chí, nhiều người muốn chó, mèo phát triển tốt, mượt lông, cho con vật ăn thịt tươi sống. Thành thử, mỗi khi con vật đi vệ sinh bậy ngoài hành lang, mùi hôi bốc lên thật kinh khủng. Chứng kiến thú cưng của mình đi vệ sinh bậy nhưng một số người không dọn mà trốn tránh, thờ ơ.

Người phụ nữ 30 tuổi cho biết còn một thứ ám ảnh thú cưng ở chung cư mà ai cũng mệt mỏi đó là tiếng ồn. Mang tiếng sống trong chung cư cao cấp nhưng nơi ở của chị liên tục tra tấn bởi tiếng chó sủa, mèo kêu.

Theo chị Lan, một số hộ nuôi đến 2-3 con chó. Khi đi làm, họ nhốt những con vật này ở ban công. Có những hôm, chó sủa inh ỏi cả ngày vang khắp chung cư, mọi người không biết làm cách nào để con vật câm nín. Chó sủa, mèo kêu là bản năng tự nhiên, không ai có thể kiểm soát được nên mọi người đành chịu tra tấn. Chung cư cũng không có quy định cấm nuôi thú cưng.

Ngoài ra, có trường hợp nuôi chó trong xóm trọ, nửa đêm chủ nhà không biết đi đâu đến 3h-4h sáng, con vật ở nhà một mình không biết là đói hay sợ mà cứ sủa ầm ỹ khoảng từ 11h tối đến 3h sáng khiến nhiều người không ngủ được, sáng phải dậy sớm đi làm nên rất bức xúc phải phản ánh với quản lý toà nhà liên tục để nhắc nhở phòng nuôi chó kia.

Thế giới chống nạn chó thả rông, ảnh hưởng đến người khác như thế nào?

Tổ chức Y tế Thế giới WHO ước tính có khoảng 200 triệu chó hoang rơi vào cảnh không nhà cửa, đặc biệt là tại các nước châu Phi, châu Á cùng khu vực Đông Âu.

"Hơn 55.000 nạn nhân đã tử vong do chó dại cắn mỗi năm, đồng thời khoảng 15 triệu người khác cũng phải tiêm chủng nhằm đề phòng phơi nhiễm căn bệnh nguy hiểm này sau khi bị tấn công", đại diện Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết.

Để giảm thiểu số lượng động vật đi lạc, các quốc gia châu Âu đã triển khai chiến lược đa dạng, từ áp đặt hình phạt nghiêm khắc, tăng cường khả năng tiếp nhận của trạm cứu hộ, đến bắt buộc triệt sản, gắn chip cho chó mèo và thậm chí là đào tạo chủ vật nuôi.

Tại Anh, mọi chú chó bất kể tuổi tác, nòi giống… đều phải được chủ trang bị vòng cổ và thẻ ID khi ra nơi công cộng, trong đó ghi chi tiết thông tin cá nhân như tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của chủ nuôi.

Không chỉ vậy, từ năm 2016, chính phủ Anh chính thức ban hành đạo luật, yêu cầu chủ nuôi phải mang chó đến các cơ sở để gắn microchip khi được 8 tuần tuổi. Thông tin chi tiết về chủ sở hữu cũng phải được đăng ký và cập nhật trên hệ thống chính phủ.

Những trường hợp không gắn chip cho chó hoặc cập nhật dữ liệu như thông tin địa chỉ mới có thể bị phạt tới 500 bảng Anh.

"Gắn chip vào chó không chỉ giúp chủ nuôi tìm được chó bị thất lạc mà còn giảm thiểu tình trạng chó đi lang thang ngoài đường, giảm gánh nặng cho những tổ chức từ thiện bảo vệ động vật cũng như nhà chức trách địa phương", George Eustice, cựu Bộ trưởng Môi trường Anh, cho biết.

Trước "xứ sở sương mù", Bỉ đã yêu cầu gắn chip điện tử cho chó kể từ năm 1998 và Thụy Điển từ năm 2001, theo Anadolu.

Việc trang bị dây dắt chó khi ra ngoài cũng được quy định ở nhiều nơi. Cụ thể, ở bang Alabama (Mỹ), chó phải được buộc dây xích khi ra khỏi nhà. Người vi phạm có thể bị phạt từ 2 đến 50 USD.

Trong khi đó, theo luật của bang Connecticut, nếu để chó dữ chạy rông cắn người khác, chủ nuôi có thể bị phạt đến 1.000 USD và phạt tù 6 tháng.

Các quốc gia như Canada, Australia cũng yêu cầu buộc dây xích cho chó mọi lúc tại nơi công cộng như công viên hay bãi biển, và chỉ được thả rông ở khu vực chỉ định. Người vi phạm có thể bị phạt hàng trăm USD.

Tương tự, Pháp - nơi có khoảng 80 triệu thú cưng - bắt buộc sử dụng dây xích đối với giống chó "có khả năng gây nguy hiểm" như chó pitbull ở khu vực công cộng. Đồng thời, nước này nghiêm cấm việc bỏ rơi thú cưng trên đường phố, áp dụng hình phạt 3 năm tù và phạt 45.000 euro.

Bên cạnh đó, để hạn chế trường hợp chó dữ tấn công người, Đức đã áp đặt thuế sở hữu chó và đưa ra quy định cụ thể với những giống chó hung dữ.

Việt Nam Xã hội

Nhiều người gặp nạn vì chó thả rông, nhiều địa phương vẫn thờ ơ