Nhiều tỉnh miền Bắc: Giông lốc làm tốc mái, đổ cây xanh, gãy cột điện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do ảnh hưởng của mây đối lưu tiếp tục phát triển mạnh từ ngày 28/3 đến sáng ngày 29/3 khiến nhiều tỉnh miền Bắc và Trung Bộ bị giông lốc, mưa đá, mưa to làm thiệt hại nặng nề về nhà cửa cũng như hoa màu.

Trong hai ngày 28/3 và sáng ngày 29/3, xảy ra giông lốc, mưa đá khiến nhiều địa phương thiệt hại về hoa màu, nhà cửa, trường học, nhà xưởng.

Yên Bái

Tại Yên Bái, trận mưa đá ngày 28/3 khiến hơn 160 ngôi nhà bị thiệt hại. Trong đó, một nhà ở huyện Văn Chấn sập hoàn toàn, 13 nhà hỏng hơn 70%, gần 30 nhà tốc hư hỏng 50-70%, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Một ngôi nhà gỗ, lợp ngói xi măng ở Yên Bái bị tốc mái sáng 28/3 sau trận giông lốc (Ảnh: Người dân cung cấp)

Trường mầm non xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên bị tốc mái vòm, đổ cột điện. 12 ha lúa, ngô và cây lâm nghiệp bị hỏng. Tổng thiệt hại ước tính 950 triệu đồng.

Phú Thọ

Trận giông lốc, mưa đá xảy ra trưa qua (28/3) ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) khiến một người xã Gia Đình bị thương, 410 nhà dân, 5 trường học, 9 nhà xưởng bị tốc mái.

Trong đó, trường Tiểu học Minh Hạc thiệt hại nặng nhất. Mái tôn hai dãy lớp học hai tầng rộng 450 m2 bị thổi bay. Nước thẩm thấu làm hỏng hệ thống điện, máy chiếu, quạt trần, sách vở đồ dùng của học sinh và giáo viên.

Mạng lưới điện tại địa phương cũng bị mất cục bộ do 11 cột điện đổ. Ngoài ra, gần 170 ha ngô, 60 ha chuối, hơn 150 ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ.

Sơn La

Sáng ngày 29/3, tại một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cũng xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Trận mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá kéo dài hơn 30 phút đã gây thiệt hại nặng 11 ngôi nhà của người dân tại các bản ở xã Chiềng Khay. Trong đó, có 2 nhà tại bản Nậm Ngùa và Có Luông bị tốc mái hoàn toàn và thiệt hại một số tài sản.

Mưa lớn cũng làm ảnh hưởng khoảng 10ha lúa chiêm xuân, 4 con bò bị sét đánh chết.

Tuyến tỉnh lộ 107 từ bản Có Nọi đến trung tâm xã Chiềng Khay bị bồi lấp 3 điểm với khối lượng đất đá bồi lấp từ 15m3 đến 30m3, gây cản trở, khó khăn cho các phương tiện lưu thông.

Một căn nhà bị tốc mái do gió lốc (Ảnh: Người dân cung cấp)

Tuyến đường từ trung tâm xã đi bản Ít Ta Bót bị bồi lấp khoảng 25m3.

Trước đó vào chiều 28/3, tại thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu cũng đã xảy ra mưa đá trên diện rộng kèm theo gió mạnh, ảnh hưởng thiệt hại tới hoa màu của nhân dân.

Mưa đá xảy ra 2 đợt với các viên đá có đường kính từ 1-2cm. Mưa đá kèm mưa to, gió mạnh đã làm ảnh hưởng khoảng 2.500ha mận hậu đang ra quả tại các tiểu khu Pa Khen, Tà Lọng, Chờ Lồng, Mía Đường, Bản Ôn….

Ngoài ra, gần 1.200 ha cây ăn quả như mận, cam, hồng của người dân cũng bị hư hại 30-70% và trên 20 ha dâu tây, bắp cải dập nát.

Hiện, tỉnh Sơn La hầu hết các huyện, thành phố có mưa vừa, mưa to đến rất to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.

Lào Cai

Theo thống kê ban đầu, mưa lớn kèm giông lốc đã khiến 48 nhà tại các huyện Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai và Bắc Hà (Lào Cai) bị thiệt hại.

Huyện Bát Xát là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 37 nhà bị ảnh hưởng, trong đó 9 nhà dân bị tốc mái tại thị trấn Bát Xát, các xã Sàng Ma Sáo, Mường Hum, Dền Thàng, Trung Lèng Hồ, Quang Kim.

Ngoài ra, giông lốc đã khiến Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát bị đổ khoảng 60m hàng rào; Trạm Y tế xã Sàng Ma Sáo bị tốc mái nhà ăn. Hàng loạt cây bị đổ tại nhiều tuyến đường giao thông ở các xã Mường Hum, Phìn Ngan, và thị trấn Bát Xát làm ảnh hưởng đến giao thông và hệ thống dây điện.

Cây đổ ảnh hưởng đến tài sản của người dân (Ảnh: Người dân cung cấp)

Đặc biệt, tại các thôn Ngải Trồ, Lao Chải, xã Y Tý, huyện Bát Xát đã xuất hiện mưa đá dữ dội. Trận mưa đá kéo dài khoảng 5 phút, bắt đầu lúc 5 giờ 35 phút. Đường kính trung bình của hạt đá từ 1-1,5cm; những hạt lớn đạt mức 2cm.

Mưa đá đi kèm với mưa rào và dông mạnh đã gây nhiều thiệt hại cho hoa màu, nhất là cây ăn quả các loại của người dân địa phương. Đây là trận mưa đá đầu tiên "tấn công" tỉnh Lào Cai tính từ đầu năm 2024 đến nay.

Quảng Trị

Trận lốc xoáy diễn ra khoảng 20 phút ngày 28/3 khiến nhiều nhà dân ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị tốc mái, hư hỏng.

Thống kê ban đầu, cơn lốc xoáy không gây thiệt hại về người nhưng khiến 27 căn nhà tốc mái (từ 20 - 70%), 42 cây xanh và 2 cây cột điện chiếu sáng bị đổ ngã.

Quảng Trị là địa phương thường xảy ra lốc xoáy vào mùa hè. Trước đó, ngày 9/7/2023, tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, giông lốc làm 170 nhà dân bị tốc mái, hư hại với mức độ thiệt hại từ 30-70%, 5 hộ bị tốc mái tôn.

Cây xanh ngã đổ sau trận giông lốc (Ảnh: Người dân cung cấp)

Ngoài ra, mái tôn của trường THPT Bùi Dục Tài bị ảnh hưởng từ 30-50%, trường Mầm non Hải Trường bị đổ sập tường rào và tốc mái nhà để xe.

Trận lốc xoáy cũng làm hệ thống kênh mương ở thôn Mỵ Trường (xã Hải Trường) bị sập với chiều dài 24m, cùng nhiều cây xanh bị bật gốc, gãy đổ.

Nghệ An

Tại huyện Anh Sơn (Nghệ An), sau trận mưa lớn đã có mưa đá và lốc xoáy mạnh làm thổi bay mái tôn của dãy phòng học gồm 10 gian, kho chứa đồ dùng, thiết bị dạy học và nhà để xe của trường THCS Tào Sơn, nhiều diện tích ngô xuân của bà con bị đổ rạp.

Không riêng gì ở huyện Anh Sơn, mưa đá, lốc xoáy cũng xảy ra tại các tại nhiều huyện của tỉnh Nghệ An như Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong, Đô Lương…

Mưa đá và lốc xoáy mạnh làm thổi bay mái tôn của dãy phòng học trường THCS Tào Sơn tại Nghệ An (Ảnh: Người dân cung cấp)

Theo phản ánh của người dân tại các địa phương, sau trận giông lớn đã xuất hiện mưa đá, có nơi những viên đá có có kích thước lớn liên tục rơi xuống khiến nhiều diện tích hoa màu của người dân cũng bị thiệt hại.

Lý do hiện tượng mưa đá liên tiếp xảy ra nhiều nơi ở miền Bắc

Trong 2 ngày qua, nhiều nơi ở các tỉnh miền Bắc, nhất là khu vực miền núi liên tiếp xảy ra mưa đá, giông lốc, mưa lớn kèm gió giật mạnh gây thiệt hại nhà cửa, hoa màu, các công trình dân sinh,...

Ngày 29/3, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Nguyễn Văn Hưởng đã có những lý giải về hiện tượng này.

Các tỉnh vùng núi phía Bắc nói riêng và Bắc Bộ nói chung đang trải qua thời kỳ chuyển mùa, từ trạng thái mùa Xuân sang mùa Hè. Trong quá trình đó, các tỉnh miền Bắc sẽ xảy ra hiện tượng giông, lốc, mưa đá thường xuyên hơn, tập trung từ tháng 3-5, cao điểm vào tháng 4/2024.

Ông Hưởng lý giải, nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng này là do không khí lạnh yếu từ phía Bắc tràn xuống trên nền nhiệt độ tương đối cao ở Bắc Bộ, tạo điều kiện cho các khối khí xáo trộn mạnh; từ đó những đám mây đối lưu phát triển, gây ra những trận mưa giông kèm theo sấm sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mưa đá rải rác nhiều tỉnh miền Bắc (Ảnh: Người dân cung cấp)

Thời gian tới, hầu khắp cả nước sẽ có sự chuyển pha về thời tiết. Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ chuyển từ thời tiết giá lạnh sang ấm hơn. Khu vực Nam Bộ chuyển từ thời kỳ khô sang ẩm. Do đó, xác suất xảy ra giông lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh sẽ nhiều hơn, tập trung cao điểm vào khoảng tháng 4-5 tới.

Trước đó, trong bản tin dự báo mùa, TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng đưa ra cảnh báo, El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng từ tháng 4-6/2024 với xác suất 75-80%.

Từ tháng 4, không khí lạnh hoạt động yếu và ít có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; đặc biệt trong các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta trong thời kỳ chuyển mùa (tháng 4-5).

Việt Nam Xã hội

Nhiều tỉnh miền Bắc: Giông lốc làm tốc mái, đổ cây xanh, gãy cột điện