‘Thanh xuân (Mùa xuân)’ - Phim tài liệu về cuộc sống công nhân tại một nhà máy Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ít nhất những xưởng may chật chội này không sử dụng lao động nô lệ người Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, các công nhân trẻ, phần lớn ở độ tuổi thanh thiếu niên, chỉ được trả số tiền vô cùng ít ỏi theo các điều khoản trả theo sản phẩm của các nhà máy. Vậy mà họ hiếm khi tự coi mình là nạn nhân, bởi vì công việc như vậy đã là lựa chọn tốt nhất sẵn có cho thanh niên nông thôn nghèo và thất nghiệp ở Trung Quốc. Từ năm 2014 đến 2019, ông Wang Bing - nhà làm phim tài liệu độc lập Trung Quốc - đã dõi theo một nhóm lớn công nhân nhà máy, những người ở độ tuổi 18-24, để thực hiện một bộ phim gồm ba phần, trong đó phần đầu tiên là “Thanh xuân (Mùa xuân)”, hay Youth (Spring) theo tiếng Anh.

Thị trấn Zhili cách Thượng Hải khoảng 100 dặm (160 km), nhưng hầu hết công nhân trẻ trong các nhà máy tại đây đều đến từ các tỉnh nông thôn An Huy và Hà Nam. Phần lớn trong số họ là lao động rời quê bất hợp pháp trong chính đất nước của họ, bởi Trung Quốc có các quy định nghiêm ngặt về cư trú và làm việc. Tất nhiên, điều này khiến những lao động trẻ dễ bị bóc lột. Chưa bao giờ trong bộ phim này (được quay trong khoảng thời gian 5 năm) có bất kỳ vị thanh tra chính phủ nào tới kiểm tra nhà máy, vì vậy có thể là điều hợp lý khi nói rằng chính quyền cố ý tránh tới đây.

‘Thanh xuân (Mùa xuân)’ - Phim tài liệu về cuộc sống công nhân ở một nhà máy Trung Quốc
Một cảnh trong bộ phim tài liệu “Thanh xuân (Mùa xuân)”. (Ảnh: Icarus Films)

Trong hoàn cảnh như thế, những lao động mà đạo diễn Wang dõi theo hầu hết đều vui vẻ làm bất cứ công việc gì họ có thể nhận được. Người trẻ nhất là Du Meng 16 tuổi (người thực sự trông quá trẻ đối với cuộc sống ở nhà máy) và lớn nhất là hai người 32 tuổi; hầu hết công nhân khác đều ở độ tuổi từ 18 đến 22. Không có gì ngạc nhiên khi họ thường cư xử như những đứa trẻ phương Tây lần đầu tiên sống xa nhà khi theo học ở trường đại học. Xuyên suốt bộ phim, họ đùa giỡn, trêu chọc, tán tỉnh, đánh nhau, chè chén, tiệc tùng và yêu đương lãng mạn.

Đôi khi, họ cũng cố gắng hợp tác với nhau để thương lượng được trả lương cao hơn cho một số công việc nhất định. Tuy nhiên, bộ phim này vẫn khác xa với “Norma Rae” - một bộ phim miêu tả các điều kiện tồi tàn trong nhà máy. Những đứa trẻ trong “Thanh xuân (Mùa xuân)” không bao giờ trực tiếp thách thức hệ thống trả lương theo sản phẩm. Họ chỉ đề nghị được trả thêm một chút cho những công việc đặc biệt phức tạp. Trong hầu hết các trường hợp, người quản lý và ông bà chủ sẽ soi mói, đề ra nhiều yêu cầu nhỏ nhặt, rồi ném cho người lao động thêm chút ít tiền lẻ. (Ở Việt Nam, việc trả lương theo sản phẩm là hợp pháp, tuy nhiên cần đáp ứng điều kiện: mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ theo quy định.)

‘Thanh xuân (Mùa xuân)’ - Phim tài liệu về cuộc sống công nhân ở một nhà máy Trung Quốc
Một cảnh trong bộ phim tài liệu “Thanh xuân (Mùa xuân)”. (Ảnh: Icarus Films)

Không có 'Con đường hạnh phúc'

Các nhà máy ở thị trấn Zhili luôn đông đúc và chật chội (trớ trêu thay, hai trong số các nhà máy đó nằm trên “Con đường Hạnh phúc” theo đúng nghĩa đen), ký túc xá của các nhà máy rất kém vệ sinh. Tuy nhiên, bộ phim “Thanh xuân (Mùa xuân)” có giọng điệu ít bóc trần, ít phanh phui hơn so với nhiều bộ phim trước đây của đạo diễn Wang. Ở một mức độ nào đó, ông Wang có thể đã bị sức sống của những người trẻ tuổi này làm cho say mê.

Tuy vậy, vẫn có nhiều khung hình khiến người xem có lương tâm phải ưu phiền. Bất kỳ người nào ủng hộ quyền phá thai (pro-choice) - những người này coi nạo phá thai là sự lựa chọn cá nhân - sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi xem cảnh người quản lý nhà máy từ chối cho phép một công nhân được nghỉ việc để đi phá thai cho đến khi cô ấy hoàn thành chỉ tiêu của mình. Tương tự như vậy, những người ủng hộ quyền được sống của thai nhi (pro-life) cũng sẽ cảm thấy ghê tởm khi ông này thản nhiên nói đùa với nữ công nhân đó rằng “[mang thai và] phá thai giống như bị chó cắn và cô cắn lại nó”.

‘Thanh xuân (Mùa xuân)’ - Phim tài liệu về cuộc sống công nhân ở một nhà máy Trung Quốc
Một cảnh trong bộ phim tài liệu “Thanh xuân (Mùa xuân)”. (Ảnh: Icarus Films)

Những người theo chủ nghĩa thức tỉnh (woke) cao độ cũng sẽ cảm thấy phẫn nộ khi một người quản lý khác gọi một nhóm công nhân đang yêu cầu mức lương sản phẩm cao hơn là “những kẻ thiểu năng”. Ngoài ra, công ty Walt Disney (tập đoàn giải trí và truyền thông đa quốc gia của Mỹ) cũng có một số lý do để lo ngại, bởi vì chúng ta có thể thấy một lô đồ ngủ hình chuột Mickey được sản xuất tại Zhili. Hoặc là thương hiệu của họ đang bị đánh cắp, hoặc là họ đang nhập khẩu sản phẩm mà được sản xuất trong điều kiện làm việc có nhiều vấn đề. (Hầu hết các nhà máy tại Zhili sản xuất quần áo cho thị trường nội địa, nhưng họ cũng nhận đơn hàng xuất khẩu.)

Bộ phim tài liệu về chủ đề lao động trước đây của ông Wang có tên “Bitter Money” đào sâu hơn nhiều vào điều kiện làm việc tại các công xưởng bóc lột lao động ở Trung Quốc. Những bộ phim khác của ông như “Fengming: A Chinese Memoir” đi xa hơn rất nhiều trong việc thách thức tính hợp pháp về mặt đạo đức của Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng cách ghi lại câu chuyện có thật của những người sống sót sau Cách mạng Văn hóa.

Tuy nhiên, phim “Thanh xuân (Mùa xuân)” vẫn có một điểm chung với nhiều bộ phim khác của ông, đó là độ dài của nó, kéo dài hơn ba tiếng rưỡi.

‘Thanh xuân (Mùa xuân)’ - Phim tài liệu về cuộc sống công nhân ở một nhà máy Trung Quốc
Ông Wang Bing - đạo diễn của bộ phim tài liệu “Thanh xuân (Mùa xuân)”. (Ảnh: Icarus Films)

Một thực tế không thể phủ nhận là phim của ông Wang sẽ khiến người xem bận lòng. “Thanh xuân (Mùa xuân)” kể về những người trẻ đang phải vật lộn để tồn tại. Nó tương tự như một chương trình truyền hình thực tế dành cho thanh thiếu niên nhưng chân thực hơn, ít hào nhoáng hơn.

Quý vị luôn có thể học được nhiều điều về đời thực ở Trung Quốc Đại lục ngày nay từ các bộ phim tài liệu của ông Wang. “Thanh xuân (Mùa xuân)” cũng không ngoại lệ, ngay cả khi nó ít ‘lộ liễu’ hơn những bộ phim trước đó của ông như là “Bitter Money”. Đây dự định là phần đầu tiên trong loạt phim gồm ba phần, vì vậy các phần tiếp theo có thể sẽ cho chúng ta biết thêm nhiều bối cảnh thú vị hơn.

Bộ phim này được đề xuất cho những người hâm mộ tài làm phim của đạo diễn Wang và những người ủng hộ quyền của người lao động.

“Thanh Xuân (Mùa Xuân)” ra rạp ở Mỹ vào ngày 10/11.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

‘Thanh xuân (Mùa xuân)’ - Phim tài liệu về cuộc sống công nhân tại một nhà máy Trung Quốc