Thương nhân Vũ Hán, Trung Quốc: 'Khó khăn hơn thời dịch bệnh', nguồn sinh kế bị cắt đứt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc phá hủy và phá dỡ một cách bạo lực ở Chợ Thực phẩm tươi Tiểu Đông Môn ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã khiến hơn 400 thương nhân không có lối thoát, nguồn sinh kế bị cắt đứt. Các thương nhân đã miêu tả tình cảnh của mình giống như “bị đuổi như chó hoang” và cảm thấy hoàn cảnh còn khó khăn hơn cả thời kỳ dịch bệnh.

Chợ thực phẩm tươi sống Tiểu Đông Môn (Xiaodongmen) nằm trên đường Trung Nam 2, khu thương mại Trung Nam, quận Vũ Xương, thành phố Vũ Hán, khá nổi tiếng, đã hoạt động hơn 30 năm và có hơn 400 thương nhân, cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho hàng trăm nghìn người dân khu vực lân cận.

Giữa tháng 11, các thương nhân bất ngờ nhận được thông báo phá dỡ chợ của chính quyền địa phương với lý do có nguy cơ mất an toàn do đường ống dẫn khí ngầm và yêu cầu các thương nhân phải dọn sạch toàn bộ hàng hóa ra khỏi chợ vào ngày 1/12. Sau đó, có thông tin đất sửa đường và chợ đã được chủ sở hữu tư nhân mua lại, khiến các hộ kinh doanh không thể hiểu được.

Kể từ khi nhận được thông báo, các thương lái đã kiến ​​nghị tới các ban ngành nhưng không có kết quả.

Ngày 30/11, chính quyền huy động hàng ngàn cảnh sát đặc nhiệm, bảo vệ, nhân viên quản lý đô thị bao vây chợ, để xây hàng rào, nhưng các thương nhân đã ngăn lại khiến xung đột nổ ra.

Cô Lý Diễm (bí danh), một thương lái bán thủy sản, nói với phóng viên The Epoch Times vào ngày 4/12 rằng: “Có hơn 1.000 nhân viên bảo vệ và cảnh sát. Đến 12 giờ đêm, các nhân viên bảo vệ ẩn nấp tại trường THCS số 25. Các thương lái đều ở lại hiện trường để ngăn cản họ xây dựng hàng rào”.

“12h tối ngày 30/11, lực lượng bảo vệ và đặc công dùng vũ lực đánh người. Các cô thương lái đã đứng phía trước không cho xây hàng rào, một số cô đánh bị thương nhưng vẫn không thể chống lại họ". Cô Lý Diễm tiết lộ rằng có khoảng năm hoặc sáu người đánh bị thương, một số người bị đánh vào mặt.

Chồng của cô Diễm và các thương lái khác ở lại hiện trường cho đến khoảng 3 giờ sáng. “Chúng tôi làm việc gần như suốt đêm, nhưng cuối cùng đều bị đuổi ra ngoài”.

Cô Lý Diễm tiết lộ rằng, có một cô thương lái đã chia sẻ trong nhóm WeChat, rằng cô ấy đã làm việc ở khu chợ này cả đời rồi, nhưng cuối cùng lại bị đuổi đi, không khác nào như ‘chó bị đuổi ra khỏi nhà’. “Tôi nghe cô ấy nói mà thương tâm quá”.

Vợ chồng cô Lý Diễm bán thủy sản ở chợ này, họ thừa kế từ bố mẹ chồng từ đợt dịch cách đây 2 năm, bố mẹ chồng về quê ở Giang Tây để an hưởng tuổi già. Cô Lý Diễm cho biết, bố mẹ chồng cô bán thủy sản ở chợ đã 30 năm và hiện đã chuyển lại công việc kinh doanh cho vợ chồng cô ấy.

Trong thời gian dịch bệnh, cô tưởng một ngày nào đó dịch bệnh sẽ lắng xuống, công việc kinh doanh sẽ khởi sắc, vợ chồng cô vẫn phải vay thế chấp và phải trả hơn 3.000 tệ mỗi tháng (khoảng hơn 10 triệu VND). Cô nói: “Trong thời gian dịch bệnh, thị trường vẫn trụ được, dù không kiến được bao nhiêu, nhưng cũng đủ để trang trải qua ngày. Chúng tôi làm bao lâu rồi, nhưng cũng không có khoản tiết kiệm, bởi vì chúng tôi còn phải trả nợ, nuôi con và duy trì cuộc sống cơ bản. Tiền dưỡng lão của bố mẹ cũng để cho chúng tôi dùng trước rồi, cứ nghĩ kiên trì một thời gian sẽ tốt hơn, nhưng bây giờ tôi hoàn toàn không còn lối thoát”.

Cô Diễm cho biết, do môi trường kinh doanh nói chung không tốt, bây giờ tìm cửa hàng rất khó, giá thuê rất đắt, quan trọng nhất là “không có tiền tiết kiệm nên rất khó khăn”.

“Chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn dịch bệnh, hiện tại đang chờ chính sách của chính phủ. Tôi nghĩ bây giờ khó khăn hơn so với thời kỳ dịch bệnh. Vào đợt dịch, ít nhất còn có hy vọng khi dịch bệnh kết thúc, nhưng một khi chợ bị phá bỏ thì không còn hy vọng gì, hơn 400 người mất việc, kinh tế hiện tại không tốt, tôi không biết nên sống ở đâu, cảm giác còn khó khăn hơn cả thời kỳ dịch bệnh”, cô Diễm nói.

Một nguyên nhân chính khác khiến thương lái không đồng ý chuyển địa điểm là lượng khách hàng ở đây rất đông, do họ có nhiều khách hàng thường xuyên sau 30 năm hoạt động. Cô Lý Diễm cho biết những người dân xung quanh cũng không muốn rời đi. Tại đây khách hàng có thể mua mọi thứ mình muốn mua, rất tiện lợi, rau củ ở chợ cũng rất tươi ngon.

Việc phá dỡ đã gây thiệt hại lớn cho các thương gia. Cô Lý Diễm cho biết cô bị mất từ ​​70.000 đến 80.000 nhân dân tệ bao gồm cả hàng tồn kho (khoảng 265 triệu VND).

Anh Diệp, một tiểu thương bán đồ ăn sáng trong chợ, cũng cho biết, việc phá dỡ đã ảnh hưởng rất lớn đến anh, trước Tết Nguyên đán là mùa cao điểm kinh doanh, anh không những không có thu nhập, mà còn mất hàng chục nghìn nhân dân tệ khi phải dọn dẹp cửa hàng và những thất thoát của đồ đạc. "Hoạt động kinh doanh của chúng tôi phải lựa chọn khu vực buôn bán và rất khó để lựa chọn. Khu chợ này có diện tích rộng và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người. Việc mua sắm ở đây rất thuận tiện và mọi người đến đây là có thể mua được đầy đủ mọi thứ cần thiết trong một lần. Ở Vũ Hán không có nhiều khu chợ như thế này".

Hiện một số người bán rau đang dựng sạp bên ngoài chợ để giảm lỗ nhưng chúng tôi không biết họ có thể duy trì được việc này trong bao lâu.

Cô Lý Diễm cho biết tất cả các thương gia hiện đang tìm địa điểm cho riêng mình, cùng nhau thuê một địa điểm lớn và tiếp tục kinh doanh cùng nhau. Nhưng cô ấy nói rằng sẽ rất khó để tìm thấy một nơi nào có lượng người qua lại đông đúc như nơi đây.

Phóng viên của The Epoch Times không thể liên lạc được với Văn phòng Thị trường và Chính quyền quận Vũ Xương, bên kia từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào và cúp máy.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thương nhân Vũ Hán, Trung Quốc: 'Khó khăn hơn thời dịch bệnh', nguồn sinh kế bị cắt đứt