Hết thảy tiền tài của người Trung Quốc bị nhốt trong nhà tù có tên... eCNY (Kỳ 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phương tây dự báo rằng nhờ đi đầu về tiền nhân dân tệ kỹ thuật số (eCNY), eCNY sẽ sớm soán ngôi USD. Nhưng đó là một con đường rất xa, trong khi chắc chắn eCNY sẽ nhốt hết thảy tiền tài của người dân, doanh nghiệp Trung Quốc trong lòng bàn tay của chính phủ. eCNY thực sự là một nhà tù chắc chắn nhất, khắc nghiệt nhất của bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào đang sinh tồn dưới chế độ này.

Chúng ta đều biết, từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 1978), Trung Quốc đã thay đổi chính sách để chuẩn bị cho công cuộc cải cách, mở cửa, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong 40 năm mở cửa tự do thương mại, chế độ Bắc Kinh đã tạo ra các giao diện riêng có mục đích đặc biệt khi tiếp xúc với thế giới. Các thể chế trong nước không hề bị động đến, nó được bảo vệ chặt chẽ bởi vô khối công cụ kiểm soát, theo dõi và đàn áp người dân, công cụ ngăn cản người dân Trung Quốc tiếp nhận sự thật.

Cùng với làn sóng công nghệ 4.0, chế độ Trung Quốc đã tận dụng hoàn hảo cuộc cách mạng công nghệ này để dựng lên nhà tù lớn hơn, rẻ hơn, kiểm soát hiệu quả hơn nỗi sợ hãi, tư tưởng và tiền tài của toàn bộ người Trung Quốc.

Trung Hoa mộng, nhu cầu kiểm soát và eCNY

Khi trở nên mạnh mẽ hơn, Trung Quốc bắt đầu bộc lộ tham vọng thống trị thế giới của họ. Tuyên bố chiến lược về "Trung Hoa mộng" của ông Tập Cận Bình hồi năm 2013 khiến cả thế giới phải mở mắt. Đúng vậy, không chỉ kiểm soát cứng 1,4 tỷ dân cư, thứ mà Trung Quốc khao khát là thống trị tư tưởng và quyền lực với 8 tỷ dân cư khắp địa cầu.

Muốn vậy, chế độ Bắc Kinh nói chung và người đứng đầu chế độ nói riêng cần phải thiết chế công cụ kiểm soát thông tin, tư tưởng và tiền bạc mạnh mẽ hơn nữa. Trung Quốc là nơi thử nghiệm đầu tiên, cùng với sức mạnh thống trị kinh tế qua vành đai - con đường và sự thành công của Trung Hoa mộng, mô hình này đã, đang và sẽ xuất khẩu ra khắp toàn cầu.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập thường bị so sánh với Mao Trạch Đông - người sáng lập ĐCSTQ - được xem như một “vị thần” tự phong - đã tàn phá đất nước này để theo đuổi lý tưởng chính trị, dẫn đến nạn đói trên diện rộng và việc giết người tùy tiện, nhưng ĐCSTQ vẫn bắt buộc quần chúng phải tôn thờ ông ta.

Kể từ đó, không có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào nắm giữ nhiều quyền hành như vậy - cho đến khi ông Tập “lên ngôi”. Là một người theo chủ nghĩa kỷ luật, ông Tập bị thúc đẩy bởi nhu cầu kiểm soát.

Ông có tầm nhìn về sự phục hưng của Trung Quốc, dựa theo nguyên tắc về đấu tranh giai cấp và sử dụng các thủ đoạn của Mao như tự phê bình và cải chính. Tuy nhiên, “nhãn hiệu” ĐCSTQ của ông Tập cũng lại lợi dụng hệ tư tưởng Khổng Tử và lấy tăng trưởng kinh tế làm bức bình phong.

Và đồng tiền eCNY là một bức bình phong như vậy: Bề ngoài, nó tồn tại như một mục tiêu chiến lược kiên định là soán ngôi USD nhưng thực chất nó sinh ra là để khoá chặt, kiểm soát tiền tài của cả quốc gia. Nó có thể trở thành công cụ hữu hiệu nhất của chế độ trong việc giám sát người dân và trừng phạt họ theo kiểu "vắt kiệt tài chính".

eCNY là công cụ kiểm soát và trừng phạt

Theo tuyên truyền của Bắc Kinh và cùng với nhiều chuyên gia công nghệ, đồng e-CNY ra đời sẽ giảm chi phí giao dịch, minh bạch thông tin giao dịch và chặn đứng buôn lậu, chuyển tiền phi pháp.

Nhưng đó không phải là các ưu điểm duy nhất.

Với chính quyền Bắc Kinh, eCNY còn có nhiều tác dụng hơn thế, một công cụ giúp họ giám sát chặt chẽ hơn dòng tiền, ngăn đà đổ vỡ của hệ thống tài chính khi không ai có thể rút tiền. Các cuộc biểu tình của người rút tiền ồn ào như ở Hà Nam vừa rồi sẽ hoàn toàn biến mất khi CNY truyền thống bị xoá sổ.

Trung Quốc đang có kế hoạch thống trị toàn cầu bằng eCNY. (Ảnh: Tổng hợp)
Trung Quốc đang có kế hoạch thống trị toàn cầu bằng eCNY. (Ảnh: Tổng hợp)

Nói về sử dụng tiền kỹ thuật số eCNY, nhà bình luận thời sự Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) có nhận định rằng, việc Bộ Thương mại Trung Quốc tung ra đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số trên quy mô lớn vào thời điểm này, "đối với mọi người nó chỉ có một ý nghĩa duy nhất: ví của bạn sẽ bị chính phủ kiểm soát hoàn toàn. Họ (ĐCSTQ) không cần phát hành tem phiếu lương thực và tem thịt, tiền kỹ thuật số chính là tem phiếu vạn năng kiêm còng tay điện tử".

Ông Marc Kaufman, một đối tác và là luật sư về bằng sáng chế của Rimon Law, người đã làm việc với Phòng Thương mại về dự án này cho biết: “Hầu như tất cả các ứng dụng bằng sáng chế này liên quan đến việc tích hợp một hệ thống tiền kỹ thuật số vào cơ sở hạ tầng của ngân hàng hiện hữu”.

Với đồng eCNY, các cơ quan quản lý chặt chẽ hơn nữa giới hạn số lượng nhân dân tệ mà người dân được phép bán để lấy ngoại tệ cũng như ngăn cản mọi người chuyển ồ ạt nhân dân tệ ra khỏi Trung Quốc.

Các giao dịch bằng eCNY diễn ra trên bảng cân đối của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC). Điều đó giúp các cơ quan chức năng dễ dàng giám sát việc sử dụng tiền tệ ngay cả với người không cư trú [ở Trung Quốc].

Do eCNY chỉ có thể chuyển giữa các ví điện tử được phê duyệt, thực chất được giám sát bởi chính PBoC, các cơ quan chức năng Trung Quốc có thể loại bỏ những trường hợp đầu cơ tiềm tàng trong quá trình phê duyệt. Ví kỹ thuật số có khả năng mã hóa một số đặc điểm của người dùng, chẳng hạn như quốc gia cư trú và ngành họ làm việc.

Những chi tiết này có thể được sử dụng để cấp hoặc từ chối mọi người và doanh nghiệp truy cập vào các khoản thanh toán bằng đồng nhân dân tệ hoặc giới hạn khoản thanh toán của họ ở mức nhất định. Khi đó, Trung Quốc có thể tự tin rằng bất kỳ đồng eCNY nào lưu hành bên ngoài biên giới sẽ không rơi vào tay những người họ không muốn.

eCNY của Trung Quốc có thể lập trình được. Nó có thể được thiết lập sử dụng với một số điều kiện ví dụ như khung thời gian chi tiêu. “Về lý thuyết, bất kỳ điều kiện nào cũng có thể được lập trình thành tiền kỹ thuật số”, Michael Sung của FreeFlow Finance, một công ty thanh toán xuyên biên giới cho biết. “Ví dụ, các cơ quan quản lý có thể đặt ra các giới hạn về số lượng ngoại tệ có thể được bán. Điều đó sẽ giúp họ quản lý đồng tiền của mình, ngay cả khi đồng nhân dân tệ được người nước ngoài nắm giữ ngoài phạm vi quy định thông thường”, ông cho biết.

Như vậy, PBoC cũng có thể giám sát chặt chẽ các luồng thanh toán. Việc đổi tiền điện tử sang các loại tiền tệ khác có thể dễ dàng bị chặn với các ngân hàng không được chấp thuận.

Người dân chờ đợi để lấy nhu yếu phẩm được chuyển đến tại lối vào của một khu dân cư, sau khi có ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán được xác nhận tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, vào ngày 23/7/2020. (Nguồn ảnh: Nhật báo Trung Quốc / REUTERS / The Epoch Times)

Đáng sợ hơn, Trung Quốc có hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã hội, nơi những người bất đồng chính kiến, những người có đức tin vào Phật, Chúa như Kito giáo, Pháp Luân Công, Hồi giáo ở Tây Tạng... sẽ là đối tượng đầu tiên bị điểm tín nhiệm xã hội thấp. Nếu hệ thống nhà tù eCNY kết nối trực tiếp với 'điểm tín nhiệm xã hội' này, các nhóm dân số bị đàn áp và gia đình của họ có thể lập tức bị trừng phạt bằng cách đóng băng ví tiền điện tử của họ. Ngay cả khi họ trữ vàng và USD đi nữa, họ vẫn phải bán vàng, USD để chi tiêu nhưng toàn bộ tiền bán được lại đổ vào cái ví eCNY duy nhất do chính phủ cấp cho họ.

Không nghi ngờ gì nữa, eCNY là nhà tù và cũng là phương tiện rẻ nhất, hiệu quả nhất để trừng phạt những người bất đồng chính kiến, những người tín Thần mà từ bỏ lý thuyết vô thần.

eCNY có thể ngăn người gửi tiền rút tiền ồ ạt

Trong bối cảnh hệ thống tài chính của Bắc Kinh đang chịu đựng một cuộc khủng hoảng thanh khoản ngày một tồi tệ, eCNY, với các đặc trưng như mô tả ở trên, dường như là một công cụ hoàn hảo để chặn đứng cuộc biểu tình của người gửi tiền đang lan rộng từ ngân hàng nhỏ tới ngân hàng lớn, từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Sau khi Ngân hàng Nông thôn Hà Nam đóng băng tiền gửi của người gửi tiền mà không có cảnh báo, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đã giới hạn lượng tiền rút hàng ngày của người gửi tiền.

Một số ngân hàng quốc doanh Trung Quốc khác còn bị tố là chạy trốn người gửi tiền khi kết hợp với quan chức địa phương, sử dụng phần mềm phòng chống Covid-19 để theo dõi người gửi tiền, ngăn họ di chuyển tới địa điểm NHTM địa phương để rút tiền vì lý do phòng dịch.

Với hệ thống NHTM, mất khả năng chi trả cho nhu cầu rút tiền mặt của người dân, còn gọi là mất thanh khoản, là rủi ro tồi tệ nhất, nó là khởi đầu sự sụp đổ mà người trong ngành lẫn người gửi tiền không dám nghĩ tới.

Làn sóng ồ ạt rút tiền mặt cho thấy người Trung Quốc không còn tin tưởng vào hệ thống ngân hàng của họ bất chấp các hứa hẹn, kiểm duyệt ngôn luận, thậm chí là đàn áp của chính quyền với vấn đề này.

Niềm tin luôn là cơ sở tồn tại của bất kỳ ngân hàng thương mại nào. Mất niềm tin thì sự sụp đổ của NHTM đó và sau đó là sụp đổ hệ thống hoàn toàn có thể xảy ra.

Biều tình của người gửi tiền lan rộng khắp Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng thanh khoản tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Ảnh: tổng hợp từ Internet bởi Vision Times).

Gần đây, một đoạn video về Bank of China (Ngân hàng Trung Quốc) được điều hành bởi những người gửi tiền tại một chi nhánh ở Thâm Quyến đã được lan truyền trên mạng xã hội. Đoạn video cho thấy chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc đặt tại phố Shiyan, Thâm Quyến, mỗi ngày chỉ có 2 cửa sổ rút tiền thủ công và 200 người đã xếp hàng dài để rút tiền.

Người quay video cho biết: "Để xem nào. Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Shiyan, người chờ rút tiền xếp hàng lúc 6 giờ và 7 giờ sáng. Mọi người chạy qua mà không kịp ăn sáng. Bây giờ mới 10 giờ, và tất cả chúng tôi vẫn ở đó. Xếp hàng, không có số (chip) ở đây, và chúng tôi sẽ không xử lý công việc kinh doanh cho chúng tôi, đây là Ngân hàng Trung Quốc, đây là Ngân hàng Trung Quốc của Shiyan. Hãy đến xem".

Thật vừa vặn, eCYN mở rộng phạm vi thử nghiệm sang 4 tỉnh thành lớn và sẽ nhanh chóng thay thế hoàn toàn khắp Trung Quốc. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là không một ai có nhu cầu rút tiền mặt. eCNY có thể nằm dưới dạng ví điện tử trong các 'ứng dụng' trên máy tính cá nhân, trên điện thoại thông minh hoặc tích hợp trong các thẻ tiền cho các công dân lớn tuổi, công dân ở vùng sâu vùng xa.

Nhưng dù eCNY đang tích trữ trong ví tiền người dân dưới dạng thức gì thì nó cũng không phải là tiền mặt. Bất kỳ xu nào của eCNY mà PBoC đưa vào lưu thông đều nằm trong các tài khoản khác nhau mà PBoC hoàn toàn quản lý, điều tiết, theo dõi. Cuộc khủng hoảng thanh khoản và nỗi lo của người gửi tiền có thể hoàn toàn biến mất với sự xuất hiện của eCNY.

Như vậy, với việc gấp rút chuyển đổi sang các giao dịch eCNY trên toàn Trung Quốc nhằm dễ dàng kiểm soát tài chính, sự sụp đổ của các ngân hàng thương mại dường như sẽ không còn là vấn đề đau đầu cho các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh khi tài sản của dân chúng đã bị nhốt chặt trong đồng eCNY.

Rất có thể, khi eCNY chính thức thay thế hoàn toàn CNY truyền thống, chính sách zero-Covid sẽ được chính quyền Bắc Kinh mạnh dạn... dỡ bỏ?

eCNY sinh ra để xóa bỏ Alipay, Tencent,..

Vai trò thu thập dữ liệu của eCNY, thể hiện trong việc thành lập NetsUnion năm 2017. Tóm lại là với NetsUnion, mọi công ty tư nhân Fintech, phi tài chính như Alibaba, Ant Group, Tencent… cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, cho vay điện tử với bên thứ ba, đều phải nằm dưới sự quản lý của NetsUnion do PBoC thành lập.

Khi Alipay và WeChat Pay ra đời, họ đã chuyển hàng nghìn tỷ NDT trong các khoản thanh toán hàng quý từ các ngân hàng và vào ví thuộc sở hữu tư nhân. Sáng kiến ​​của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nhằm tạo ra eCNY chỉ là thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong việc khẳng định quyền làm chủ đối với tất cả các giao dịch tài chính xảy ra trong biên giới của mình.

Ở Trung Quốc, ngân hàng là kênh kiểm soát quan trọng nhất của ĐCSTQ, giám sát từ nội bộ đảng, doanh nghiệp cho tới nhân dân. Đây chính là lý do Bắc Kinh không thể chấp nhận Alibaba, Tencent tự do xây dựng công nghệ, mạng lưới thanh toán kỹ thuật số, chuyển tiền của người dân từ hệ thống NHTM được kiểm soát bởi chính quyền sang các ví điện tử được kiểm soát bởi công ty tư nhân. ĐCSTQ không thể chấp nhận buông lỏng quyền lực của họ.

Người đồng sáng lập Alibaba Jack Ma (R) nhìn CEO Pony Ma của Tencent Holdings trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm chính sách "cải cách và mở cửa" của Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 12 năm 2018. Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 18/12 cảnh báo rằng không ai có thể "sai khiến" đường lối phát triển kinh tế của Trung Quốc khi Đảng Cộng sản đánh dấu 40 năm chính sách "cải cách và mở cửa" lịch sử của mình trước thách thức gay gắt từ Hoa Kỳ. (Ảnh của WANG Zhao / AFP) (Nguồn ảnh nên đọc WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)
Người đồng sáng lập Alibaba Jack Ma (R) nhìn CEO Pony Ma của Tencent Holdings trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm chính sách "cải cách và mở cửa" của Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 12 năm 2018. Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 18/12 cảnh báo rằng không ai có thể "sai khiến" đường lối phát triển kinh tế của Trung Quốc khi Đảng Cộng sản đánh dấu 40 năm chính sách "cải cách và mở cửa" lịch sử của mình trước thách thức gay gắt từ Hoa Kỳ. (Ảnh của WANG Zhao / AFP) (Nguồn ảnh nên đọc WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)

Chính phủ Trung Quốc có một truyền thống là thường để cho khu vực kinh tế tư nhân tự phát triển các mô hình kinh doanh mới, xông pha với rủi ro mới, như những người lính đi trước dò đường vậy. Đến khi mô hình kinh doanh của khu vực tư nhân đã thành công, người dò đường tuyến đầu đã đạt được quy mô và lợi nhuận tốt, thì nhà nước sẽ thâu tóm mạng lưới đó.

Đó chính xác là những gì đang xảy ra với đồng eCNY, là chiến lược thực sự đằng sau sự phát triển của eCNY.

Chiến lược này không liên quan gì đến sự thuận tiện, hiệu quả hoặc giảm thiểu tội phạm - tất cả là để nắm bắt thông tin, và tại thời điểm này là để giành lại quyền kiểm soát sau một thập kỷ doanh nghiệp tư nhân có được giấy thông hành tài chính tạm thời từ chính phủ.

Những 'đồn đại' của Bắc Kinh và truyền thông về eCNY

“Đồn đại” đầu tiên: tốc độ giao dịch eCNY vượt trội và thuận tiện. Sai, điều này chỉ đúng với người Trung Quốc, còn với thế giới ngoài kia thì không có giá trị gì. Ai cũng biết, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về thanh toán điện tử, nhờ tầm nhìn của Alibaba và Tencent trong việc xây dựng nền tảng Alipay và WeChat Pay của họ. Nhưng tại sao Alipay và Wechat Pay lại không thành công trên thị trường các nước đã phát triển như Mỹ và EU? Bởi vì sự tiện dụng trong hệ thống thanh toán ở Mỹ và EU đã thỏa mãn người dùng của họ từ lâu rồi!

Thời điểm AliPay được thành lập vào năm 2003, người Trung Quốc trên toàn cầu đang phải xếp hàng hàng tháng tại ngân hàng để thanh toán các khoản hóa đơn hoặc rút tiền mặt. Những người giàu đã cử tài xế và phụ xe đến xếp hàng. Không có séc cá nhân, không có thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, họ buộc phải xuất trình trực tiếp. Máy ATM mãi tận năm 2000 mới xuất hiện. Đến năm 2004, 1% người Trung Quốc có thẻ tín dụng. Tiền mặt mang theo là lựa chọn duy nhất.

So sánh với Hoa Kỳ:

  • Séc cá nhân được phát hành lần đầu tiên vào năm 1880.
  • Tem giao dịch, chẳng hạn như S&H Green Stamp và Eagle Stamp, phiên bản đầu tiên của các chương trình khách hàng thân thiết, có giá trị tiền mặt danh nghĩa và đôi khi được sử dụng thay cho tiền mặt trước khi thẻ tín dụng trở nên phổ biến. Có thể cho rằng tem giao dịch, được phát hành bởi hàng nghìn nhà bán lẻ, là một thách thức lớn đối với đồng USD như Bitcoin hiện tại.
  • Thẻ tín dụng đầu tiên được phát hành vào năm 1950. Visa được hình thành vào năm 1976 và Mastercard vào năm 1979.
  • Thẻ ghi nợ được phát hành lần đầu tiên vào năm 1978 và trở nên phổ biến vào những năm 1990.
  • Đến năm 2000, không còn ai ở Mỹ phải đi đến ngân hàng để thanh toán hóa đơn điện nước hoặc các nghĩa vụ định kỳ khác nữa.

AliPay và WeChat Pay bắt đầu thành công phần lớn là do sự thâm nhập của điện thoại thông minh và do các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước không thực hiện bất kỳ bước nào hướng tới sự thuận tiện cho khách hàng ngoài việc xây dựng thêm chi nhánh. Vào thời điểm đó, Mỹ và người tiêu dùng châu Âu đã bỏ tiền mặt từ lâu. Thế giới không chuyển đổi sang Apple Pay hoặc Google Pay không phải vì những hệ thống này thiếu tính đổi mới mà vì không ai thấy nó cần thiết. Và đó là lý do tại sao các hệ thống thanh toán điện tử phổ biến của Trung Quốc không đạt được sức hút ở các nền kinh tế trưởng đã phát triển mà chỉ phát triển rầm rộ ở Trung Quốc mà thôi.

Lời "đồn đại" thứ hai: eCNY sẽ soán ngôi USD. Sai! Bởi vì eCNY, cũng giống như CNY, chúng đều là những loại tiền tệ không thể chuyển đổi.

Nhà kinh tế học Niall Ferguson viết cho Bloomberg: “Việc mở rộng đồng eCNY Trung Quốc cuối cùng sẽ mở rộng tới tận Hoa Kỳ, thậm chí kiểm soát tất cả các khoản thanh toán toàn cầu”. Điều đó có đúng không?

USD đại diện cho hơn 79% các khoản thanh toán toàn cầu về giá trị và 40% về số lượng. Còn đồng CNY đại diện cho chưa tới 2% các khoản thanh toán toàn cầu. Một sự chênh lệch quá lớn!

Quan trọng hơn, trong tiền tệ có một khái niệm là khả năng chuyển đổi (convertible). Tức là, việc eCNY có được chuyển đổi tự do trên thị trường quốc tế sang một loại tiền tệ khác hay không mới quyết định khả năng, sức hấp dẫn cũng như sự thành công của nó trong quá trình quốc tế hóa.

Vào cuối năm 2015 khi Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị để đưa CNY vào rổ SDR, nước này đã cam kết cụ thể là sẽ chính thức chuyển đổi CNY gia nhập SDR của IMF vào tháng 10 năm 2016. Cho tới nay, điều đó vẫn chưa xảy ra. Trung Quốc đã không thể nâng cao khả năng chuyển đổi của đồng CNY được. CNY không thể chuyển đổi vì Bắc Kinh không dám trao cho nó cái quyền đó, eCNY cũng sẽ như vậy.

Nối gót Phố Wall, chứng khoán Hong Kong rơi về mức thấp nhất trong 11 năm qua vì lo sợ Fed
Một người đàn ông lớn tuổi đi ngang qua tấm áp phích quảng cáo đồng CNY của Trung Quốc (đồng CNY) ở Hong Kong vào ngày 18/08/2011. (Ảnh: Laurent Fievet / AFP / Getty Images)

Tiền tệ không chuyển đổi không được giao dịch tự do trên thị trường tiền tệ giao ngay hoặc thị trường tiền tệ kỳ hạn truyền thống (các thị trường này gọi là Forex). Các nhà đầu tư có thể tái tạo khoản đầu tư vào một loại tiền tệ không thể chuyển đổi bằng cách sử dụng các hợp đồng kỳ hạn không thể chuyển nhượng (NDF). NDF hoạt động giống như một hợp đồng kỳ hạn cho các loại tiền tệ không thể chuyển đổi, cho phép các nhà đầu tư tiếp cận với các loại tiền tệ mà họ sẽ không thể đầu tư vào đó. Bất kỳ khoản lãi hoặc lỗ nào trong các hợp đồng NDF về CNY đều được tính theo giá trị của một loại tiền tệ mạnh có thể chuyển đổi, phổ biến nhất là USD. Nói cách khác, không có USD hay EUR thì cũng không có nhà đầu tư nào mua bán đồng CNY theo hợp đồng NDF cả.

Giờ chúng ta đã hiểu vì sao CNY của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mãi mà vẫn chỉ là đồng tiền thanh toán cho 1-2% giao dịch thương mại toàn cầu? Ngay cả việc mua bán nó trên thị trường tiền tệ quốc tế cũng phải được đảm bảo bằng đồng USD thì khả năng nó ngang hàng với USD là điều không thể. Trong khi đó, Bắc Kinh không thể từ bỏ việc thao túng tiền tệ hiện nay chỉ để đồng CNY ngang bằng với USD. Bắc Kinh có một nền kinh tế lớn, nhưng cực kỳ bất cân đối, nó làm sao có thể chịu đựng được để giá CNY tăng, giảm bất thường vì cầu đầu cơ tiền tệ bất thường của thị trường tài chính (TTTC) toàn cầu? Nó không có tự do hóa dòng vốn, không có tự do hóa chuyển đổi, không có thế lực đồng minh hậu thuẫn khổng lồ đằng sau để giảm thiểu các rủi ro này. Rủi ro đó là quá lớn so với tầm của Bắc Kinh.

Với một đồng tiền như thế, dù nó là “kỹ thuật số” hay hữu hình thì nó có thể soán ngôi đồng USD luôn sao? Nhà đầu cơ sẽ bỏ tiền vào eCNY (bị kiểm soát) thay vì Bitcoin (không bị kiểm soát)? Nhà tư bản thương mại sẽ sử dụng đồng eCNY bị thao túng tỷ giá, không thể chuyển đổi thay vì USD?

Với hệ thống thanh toán điện tử hiện nay, chẳng phải CNY đã 100% là tiền điện tử tại Trung Quốc rồi sao? Đồng eCNY ra đời chẳng phải chỉ là thay đổi ứng dụng giao dịch, thay đổi ví điện tử của tư nhân như Alibaba, Tencent thành ví điện tử của PBoC thôi sao? Chẳng qua là để khu vực tư nhân không còn có thể tơ hào gì trên thị trường tài chính nội địa của Trung Quốc mà thôi!

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thanh Đoàn - Minh Đăng

Mời các bạn đón đọc Kỳ 3: Tiền bạc có nhà tù eCNY, tài sản tích lũy thì có nhà tù mới mở lại: ‘Thịnh vượng chung’



BÀI CHỌN LỌC

Hết thảy tiền tài của người Trung Quốc bị nhốt trong nhà tù có tên... eCNY (Kỳ 2)