Trung Quốc chạy thử tàu điện ngầm không người lái: Phần đầu bị đâm nát, chính quyền lập tức chặn tin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 19/4, những bức ảnh về vụ tai nạn khi chạy thử tuyến tàu điện ngầm số 10 ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã được lan truyền rộng rãi trên Internet, có thể thấy phần đầu tàu đã vỡ nát và toa tàu bị biến dạng. Chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng dập tắt tin tức này. Cư dân mạng phát hiện ra rằng, trong số các nhà sản xuất hệ thống tín hiệu cho tuyến số 10 này có cả công ty con của BYD - hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc được chính quyền nâng đỡ.

Những bức ảnh được lan truyền trên Internet vào ngày 19/4 cho thấy phần đầu của một đoàn tàu điện ngầm đã bị dập nát, có thể thấy lực va chạm rất mạnh.

Một số cư dân mạng Trung Quốc tiết lộ rằng, đã xảy ra sự cố trong quá trình "liên hợp điều tiết và thử nghiệm" tuyến tàu điện ngầm số 10 Tây An; tàu điện ngầm này “hoàn toàn tự động điều khiển”. Có người cảm thán: "May chỉ là chạy thử. Nếu chở khách rồi thì...".

Theo thông tin chính thức của chính quyền Trung Quốc, việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 10 Tây An bắt đầu vào tháng 7/2020. Tuyến này được thiết kế bắt đầu từ Ga Thôn Cảnh Thượng ở quận Vị Ương và kết thúc tại Ga Quảng trường Chiêu Huệ ở quận Cao Lăng, với tổng chiều dài 34,4 km. Tàu sử dụng toa xe loại B với thiết kế 4 toa hoặc 6 toa, có tốc độ thiết kế tối đa là 100 km/h. Theo kế hoạch chính thức thì toàn tuyến này sẽ được đưa vào khai thác từ cuối năm 2024.

Theo thông tin công khai, vào tháng 2 năm nay, chiếc tàu điện đầu tiên của tuyến số 10 đã được đưa vào đường ray để vận hành thử nghiệm ở đoạn Cao Lăng.

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng, tuyến số 10 là "tuyến tàu điện ngầm hoàn toàn tự động, không người lái", có công nghệ "tiên tiến" và "chắc chắn sẽ mang lại sự thuận tiện và thoải mái cho người dân địa phương", v.v. Tuy vậy, có người dân ở Tây An vẫn tỏ ra nghi ngờ và nói “sẽ chẳng có mấy người ngồi [tàu này] đâu”.

Sau khi tin tức về vụ tai nạn tuyến tàu số 10 xuất hiện vào ngày 19/4, rất nhanh đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Ngay trong ngày, chính quyền Trung Quốc đã vội kích hoạt “cơ chế phản ứng dư luận” và phong tỏa thông tin. Những hình ảnh và thảo luận liên quan gần như đã bị xóa khỏi mạng xã hội ở Trung Quốc.

Một blogger (người chia sẻ kiến thức cá nhân) về ô tô ở Tứ Xuyên đã đăng tải tin nhắn nhắc nhở "chống lừa đảo" mà Công an Quận Bá Kiều của thành phố Tây An gửi tới người dân. Người này chỉ trích rằng: “Tàu điện ngầm Tây An mấy người thật quá lắm, hễ có chuyện là bịt miệng, không kiểm điểm bản thân xem vấn đề nằm ở đâu, may là xảy ra sự cố trong khi chạy thử chứ không phải lúc chở khách". Có thể thấy, dường như chính quyền Tây An đang lấy cớ "chống lừa đảo" để ngăn chặn người dân địa phương lan truyền tin tức về vụ tai nạn tàu điện ngầm này.

Cư dân mạng tố cáo công an Tây An lấy cớ "chống lừa đảo" để bịt miệng người dân. (Ảnh chụp màn hình)

Phóng viên của đài NTDTV phát hiện ra rằng, trên nền tảng Douyin (TikTok phiên bản nội địa Trung Quốc), không còn tìm được bất kỳ video nào về vụ tai nạn tuyến tàu điện ngầm số 10 Tây An, nhưng vẫn có thể nhìn thấy nhiều gợi ý tìm kiếm liên quan trên nền tảng này.

Các gợi ý tìm kiếm về vụ tai nạn tàu điện ngầm Tây An trên nền tảng Douyin, lần lượt từ trên xuống là: Sự cố tuyến tàu điện ngầm số 10 Tây An; Tàu điện ngầm số 10 Tây An đâm xe; Video đâm tàu điện ngầm Tây An; Tình hình hôm nay tuyến tàu điện ngầm số 10; Tàu điện ngầm Tây An xảy ra sự cố. (Ảnh chụp màn hình)

Trước việc chính quyền Trung Quốc phong tỏa tin tức về vụ tai nạn này, có không ít cư dân mạng trên nền tảng X (tên cũ là Twitter) ở nước ngoài đã để lại những bình luận chế giễu như: “Có chuyện là bịt miệng, chuyện lớn thì đổ lỗi”; “Thì sao nào? Bịt miệng là sở trường của chúng tôi”... hoặc là cảm thán rằng: “Trong nước [Trung Quốc] không có tin tức gì, thậm chí cả hình ảnh cũng không đăng tải lên nhóm WeChat được”; “Xã hội [Trung Quốc] đang sụp đổ, không biết lúc nào thì [tại họa] rơi xuống đầu”, v.v.

Có cư dân mạng đã tìm hiểu về thông báo trúng thầu "Dự án Mua sắm Hệ thống tín hiệu" năm 2022 của tuyến tàu điện ngầm số 10 Tây An và phát hiện ra rằng, trong số các nhà sản xuất trúng thầu có cả Công ty TNHH Tín hiệu Thông tín BDY. Đây là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn BYD - doanh nghiệp sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc có trụ sở ở Thâm Quyến.

Kết quả Công ty TNHH Tín hiệu Thông tín BDY trúng thầu được chính quyền Trung Quốc công bố vào năm 2022. (Ảnh chụp màn hình)

Trước thông tin trên, có cư dân mạng cho rằng, lại thêm một lý do khiến chính quyền Trung Quốc phải vội vã dập tắt tin tức như vậy.

Hãng xe điện BYD là đối tượng trọng điểm được chính quyền Trung Quốc nâng đỡ. Xe điện của BYD thường xuyên xảy ra sự cố và trên Internet cũng liên tục xuất hiện video xe BYD tự bốc cháy nhưng những tin tức liên quan hầu hết đều bị chính quyền Trung Quốc dập tắt.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc chạy thử tàu điện ngầm không người lái: Phần đầu bị đâm nát, chính quyền lập tức chặn tin