Trung Quốc: Một trường tiểu học nợ lương, giáo viên không đến lớp, học sinh ngồi xem tivi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 2/3, chủ đề “Một trường tiểu học ở tỉnh Hà Nam nợ lương giáo viên, không ai đi dạy” đã lọt vào danh sách tìm kiếm nóng (hot search) trên Internet ở Trung Quốc và làm dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi.

Ngày 29/2, một phụ huynh ở thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc tiết lộ rằng Trường tiểu học Lạc Học Cầu Thực ở quận Tường Phù, thành phố Khai Phong đã 4 ngày nay không có giáo viên lên lớp, các em học sinh đến trường chỉ có thể ngồi xem tivi.

Theo chuyên mục "Điều người dân quan tâm" của Đài truyền hình Quý Châu, phụ huynh học sinh tại trường này cho biết, do nhà trường nợ lương nên không có giáo viên nào đến làm việc, hiệu trưởng đã nửa năm không trả lương cho giáo viên; mỗi lớp chỉ có một giáo viên trông học sinh và cho các em xem phim hoạt hình hoặc phim điện ảnh; nhà ăn của trường cũng không cung cấp bữa ăn đầy đủ cho học sinh, hiệu trưởng nhà trường không chỉ vô trách nhiệm với giáo viên mà còn với học sinh.

Một phụ huynh học sinh cho biết, khối lớp 3 chỉ có một giáo viên ngữ văn và cả ngày học một môn này. Còn trong giờ học các môn khác, các em được ngồi xem tivi. Một giáo viên chủ nhiệm tại trường này cho biết: “Hiện tại họ (nhà trường) không trả lương, chúng tôi (các giáo viên) chỉ có thể trông chừng các em như vậy”.

Ngày 1/3, giáo viên của trường này nói rằng tất cả giáo viên đã trở lại trường và học sinh đã bắt đầu đến lớp bình thường. Nhân viên Phòng Giáo dục quận Tường Phù cho hay đã biết về vấn đề này và đang xử lý.

Sự việc này đã lọt vào danh sách tìm kiếm nóng trên Internet ở Trung Quốc hôm 2/3 và làm dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi:

  • "Lương của giáo viên ở các trường công lập cũng bị giảm suốt, họ nói rằng [bộ phận] tài chính không có tiền, nhưng các đơn vị trực thuộc thành phố lại không bị cắt một đồng nào, chỉ có giáo viên là bị giảm".
  • “Nếu không có người tiết lộ tin này thì các giáo viên vẫn không được trả lương, học sinh vẫn không thể đến lớp bình thường”.
  • “Tôi là giáo viên tiểu học công lập. Mọi người xem, đến tháng 12 [năm ngoái] chúng tôi mới được trả lương của tháng 9, 10, 11”.
  • “Có rất nhiều giáo viên ở tỉnh Hà Nam bị nợ lương. Lương năm ngoái của dì tôi vẫn chưa được trả”.
  • “Năm nay, tình trạng bất động sản ảm đạm như vậy, nguồn tài chính địa phương tất nhiên sẽ bị giảm sút. Nguồn tài chính ít đi, tất nhiên họ sẽ không thể trả lương. Mọi người để ý xem, xe buýt ở một số nơi cũng đã ngừng chạy rồi”.
  • "Trước đây tôi chỉ nghe nói các lao động nhập cư bị nợ lương, bây giờ lại có chuyện giáo viên bị nợ lương".
  • "Không chỉ trường học nợ lương giáo viên. Theo những gì xảy ra với những người bạn xung quanh tôi thì bệnh viện cũng đang nợ lương bác sĩ, y tá, các đơn vị sự nghiệp cũng nợ lương. Hễ hỏi thì họ nói không có tiền, hoặc là họ trả lương cho lãnh đạo, giám đốc trước, những người ở cấp thấp về cơ bản là không được trả lương, không có tiền…”.
  • “Không biết tại sao năm nay lại có nhiều đơn vị nợ lương như vậy, rất nhiều đơn vị là cơ quan nhà nước, lương đều bị giảm, họ nói là trong kho bạc hết tiền rồi, tôi hơi hoang mang".

Trong những năm gần đây, tình hình tài chính của chính quyền các địa phương ở Trung Quốc liên tục xấu đi. Ở nhiều nơi tại nước này, các vụ giáo viên, y bác sĩ, tài xế buýt.. bị nợ lương thường xuyên bị phanh phui.

Gần đây, nhà báo Pierre-Antoine Donnet, nguyên Trưởng Ban Biên tập Trung ương của tờ AFP, đã viết một bài trên một tuần báo lớn của Pháp và tiết lộ nhiều vấn đề nội bộ ở Trung Quốc. Một nguồn tin nắm rõ tình hình chính trị ở Trung Quốc nói với ông Donnet rằng, Trung Quốc dường như là "một chiếc nồi áp suất có thể nổ bất cứ lúc nào".

Nguồn tin này còn tiết lộ, “hình thế rất nguy cấp”, mọi người đều cảm thấy sợ hãi và không còn lòng tin nữa. Cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến 1/5 số công chức ở các tỉnh, thành phố ngoài Bắc Kinh không được nhận lương. Ở Bắc Kinh chưa có vấn đề gì, nhưng ở các nơi khác, ví như ở thành phố Ôn Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang), vấn đề rất nghiêm trọng; tình hình ở tỉnh Tứ Xuyên còn tệ hơn.

Tình hình ở các bệnh viện công cũng rất nghiêm trọng, lương bác sĩ rất thấp vì chính quyền địa phương nợ nần chồng chất và không còn tiền. Ở Thượng Hải, một số bác sĩ kiếm được khoảng 120 euro (hơn 3 triệu VND) mỗi tháng, đây là một con số hoang đường và không xứng đáng.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Một trường tiểu học nợ lương, giáo viên không đến lớp, học sinh ngồi xem tivi