3 phẩm chất đáng quý của người mẹ khiến con dễ trở nên xuất sắc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhà giáo dục vĩ đại đã từng nói: "Mỗi khoảnh khắc bạn nhìn thấy con bạn cũng là lúc bạn nhìn thấy chính mình. Khi bạn giáo dục con cái, bạn cũng đang giáo dục bản thân và kiểm tra nhân cách của chính mình. 

Tôi có một người bạn là giảng viên Đại học, anh kể cho tôi câu chuyện về cậu con trai học lớp 3. Cả hai vợ chồng đều là tiến sĩ, đều có học vị và danh tiếng, tuy nhiên, thành tích học tập của cậu con trai lại đứng cuối lớp. Tôi thắc mắc và hỏi lý do vì sao, anh trả lời rằng:

‘Bởi vì vợ tôi quá giỏi giang, sự nghiệp và công danh đều khiến những người xung quanh phải ngưỡng mộ, cũng vì quá yêu thương con trai, nên từ khi sinh ra, cô đã đặt rất nhiều kỳ vọng cho cậu bé. Khi con trai bắt đầu đi học, mỗi ngày dù bận rộn đến mấy, cô ấy cũng sẽ dành thời gian để kèm con học. Tuy nhiên, mỗi lần dạy con học, chưa được 5 phút cô đã tức giận, không thể kiềm chế được cảm xúc, và liên tục nói những câu: “Con vì sao mà ngốc quá vậy!”, “Tại sao lại viết chậm như vậy?

Nói đến đây, tôi mới hiểu ra vấn đề, nguyên nhân chủ yếu là người mẹ đã đặt quá nhiều kỳ vọng và tạo ra áp lực lớn cho con trai. Thử hỏi, một đứa trẻ sao có thể thông minh và hiểu biết như một người lớn? Liệu một đứa trẻ có thể phát triển toàn diện khi sống với một người mẹ không biết cách kiềm chế cảm xúc của mình hay không?

Nhìn lại lịch sử, có không ít những hình tượng mẫu mực về người mẹ vĩ đại làm nên giai thoại: Hình tượng người mẹ ấm áp, hiền dịu, luôn lấy thiện đãi người, luôn âm thầm hy sinh cho con hết thảy mà không một lời oán than, hay hình ảnh người mẹ kiên cường, thiện lương, có chủ kiến, dường như không gì có thể làm khó được họ,… Chỉ có những người mẹ như vậy mới có thể bồi dưỡng ra những đứa con xuất sắc, dễ dàng đạt được thành tựu trong tương lai.

Người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đối với sự hình thành tính cách của con trẻ, bởi ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã sống bên cạnh mẹ, nên tính cách, ngôn ngữ và hành vi của người mẹ có thể ảnh hưởng đến cả một đời của con. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những người mẹ có tu dưỡng sẽ có tinh thần trách nhiệm cao, tính cách phẩm chất tốt, tương lai cũng sẽ hiếu thuận đối với cha mẹ.

Nếu người mẹ có 3 phẩm chất dưới đây, con trẻ sẽ dễ trở nên xuất sắc:

Một người mẹ có tâm trạng tốt


Đối với những năm tháng đầu đời của trẻ, cha mẹ cần thiết lập mối quan hệ gắn bó tốt đẹp với con cái, điều này sẽ liên quan đến cảm giác an toàn của trẻ sau này.

Nếu người mẹ có cảm xúc không ổn định, thường xuyên la mắng, đe dọa và phàn nàn về trẻ, thì cảm giác an toàn bên trong của chúng sẽ bị phá hủy. Dần dần, trẻ sẽ hình thành thói quen nhìn vào sắc mặt của người khác mỗi khi quyết định làm các việc. Cuối cùng sẽ tạo nên cho trẻ tính cách nhát gan, tự ti, không dám sống đúng với tính cách của chính mình.

Trẻ con rất giỏi trong việc mô phỏng lại những cảm xúc cũng như hành vi của người mẹ. Nếu cảm xúc của người mẹ thường lo âu, bất an hoặc không dễ kiềm chế cảm xúc của chính mình, tính cách của con họ cũng sẽ rất bất ổn định.

Tâm trạng của mẹ quyết định bầu không khí gia đình, quyết định mức sống hạnh phúc của một gia đình.

Chúng ta thường thấy, đa số trẻ nhỏ đều thích xem phim hoạt hình heo Peppa, không chỉ vì sự dễ thương của Peppa và George, mà còn bởi sự ấm áp, lạc quan của mẹ Heo cũng như sự vui vẻ, hòa thuận của cả gia đình.

Cho dù Peppa và George có nghịch ngợm đến đâu, thì mẹ Heo lúc nào cũng giữ một thái độ vui vẻ như làn gió xuân, không hề tức giận, hơn nữa, mẹ Heo còn thường xuyên mang đến cho lũ trẻ tiếng cười hạnh phúc, thoải mái.

Bởi vậy có thể nói rằng: Cảm xúc tốt của người mẹ chính là màu nền hạnh phúc của cả gia đình!

Người mẹ muốn con cái thay đổi, trước hết phải thay đổi chính mình


Tôi thường gặp rất nhiều những bà mẹ như thế này: Họ luôn cảm thấy lo lắng và sốt sắng, muốn con cái của mình thay đổi theo ý muốn của họ, họ muốn con thích đọc sách, muốn con học giỏi tiếng Anh, muốn con thông thạo đàn Piano giống như ‘con nhà người ta’,…

Trên thực tế, con trẻ càng lớn lên, khoảng cách giữa chúng với cha mẹ ngày càng lớn, chúng không những không nghe lời, mà còn không thích học, ngày càng trở nên ngang bướng, nổi loạn. Đây cũng chính là khó khăn và thách thức đối với mỗi bậc cha mẹ, điều này cũng khiến họ dễ nôn nóng, muốn thay đổi con cái theo mong muốn của mình.

Nhưng, việc cha mẹ dạy dỗ con cái phải thay đổi theo ý muốn của mình, hiệu quả có thực sự tốt?

Nếu muốn đề cao chất lượng giáo dục trong gia đình, cha mẹ trước tiên phải thay đổi chính mình, hoàn thiện chính mình đầu tiên.

Khi kết quả thi Đại học của cháu tôi tên là Diệp được công bố, cháu thi đỗ vào một ngôi trường hạng 3, mẹ cháu nhìn thấy ai cũng phàn nàn: “Nó không có thành tựu, không có sự nhẫn nại, không nỗ lực cố gắng, sau này có thể làm nên việc gì nên hồn?”. Diệp lúc đó trong tâm cảm thấy vô cùng bực dọc và tức tối, con bé nói một cách phẫn nộ: “Con là con của mẹ, chẳng phải là học từ mẹ sao?”.

Có rất nhiều bậc cha mẹ, một khi có thời gian rảnh liền “dán mắt” vào điện thoại, con trẻ tự nhiên sẽ tò mò: Trong điện thoại có thứ gì đó thú vị thì phải? Sức hấp dẫn của điện thoại lớn đến như vậy sao? Dần dần, chúng cũng chìm đắm vào thói quen đó, giống như cha mẹ của chúng, từ đó chúng lơ là việc học hành, không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tính cách ngày một trở nên khép kín.

Cha mẹ là hình mẫu của con cái, và con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Bởi vậy, nếu muốn gia đình hạnh phúc, con cái tài giỏi, đầu tiên cha mẹ cần phải thay đổi quan niệm sống, thiết lập nền tảng lâu dài và kiên trì tạo dựng nên những thói quen lành mạnh, nề nếp gia đình đúng đắn: Ngủ sớm dậy sớm, đọc sách nhiều, suy nghĩ cho người khác nhiều hơn, kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý, tôn trọng lễ nghi, cùng con trở thành một công dân văn minh trong thời hiện đại,…

Người mẹ là nguồn động lực, điểm tựa tinh thần vững chắc cho con


Làm một người mẹ thông thái, đôi khi hãy cố tỏ ra vẻ “mềm yếu”, nhu mì một chút. Một người mẹ quá tài giỏi và luôn tỏ ra quá mạnh mẽ sẽ rất dễ khiến con của họ không thể tìm được giá trị đích thực của bản thân mình.

Chúng ta thường nghe cha mẹ nói câu: “Cha/mẹ làm như vậy cũng chỉ muốn tốt cho con mà thôi”, nhưng ý nghĩa phía sau thực sự là: “Con phải nghe lời của bố mẹ”, họ hoàn toàn không hề tôn trọng và lắng nghe ý kiến của con, không cho con quyền tự lựa chọn và quyết định cuộc đời mình.

Nếu cứ tiếp tục như vậy, trẻ sẽ quen thói dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, cuối cùng sẽ dưỡng thành tính cách nhát gan, dần mất đi khả năng tự lập.

Bởi vậy, người mẹ thông thái đôi khi hãy học cách “ngốc nghếch” đúng lúc, chậm rãi đúng lúc, hòa hoãn đúng lúc, lùi lại một bước,… để dành cho con một không gian riêng, để chúng tự do khám phá và phát huy hết tài năng của mình. Từ đó, chúng sẽ từng bước một hướng đến sự tự tin, trưởng thành một cách độc lập!

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ đôi khi nên tỏ ra “mềm yếu” đúng lúc: Ví như, sau khi đi siêu thị cùng con, hãy gợi ý trẻ tham gia một tay để phụ xách đồ cùng, hoặc khi cha mẹ ốm, hãy gợi ý trẻ giúp đỡ, mang nước hoặc thuốc đến cho cha mẹ,… những hành động nhỏ này sẽ giúp chúng dần hiểu được trách nhiệm và cũng là cơ hội để thể hiện năng lực của bản thân mình, khiến trẻ ngày một tự tin hơn.

Một đứa trẻ ngoan ngoãn, xuất sắc không thể tách rời sự tinh tế của người mẹ. Đặc biệt trong giai đoạn khi trẻ còn nhỏ, đó là giai đoạn quan trọng để phát triển năng lực và thói quen về mọi mặt, cách giáo dục con của mẹ lúc này lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Sự đánh giá cao và khen ngợi của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy hài lòng và tự tin, nếu cha mẹ lơ là và không tạo cho trẻ không gian tự do phát triển, thể hiện thực lực của mình, trẻ sẽ dễ nghi ngờ về tài năng cũng như thiếu tự tin về bản thân.

Các bậc làm cha mẹ, hãy trở thành những nhà giáo dục con thông thái! Hãy luôn nhắc nhở bản thân: Kiểm soát tốt tâm trạng của mình, không ngừng hoàn thiện bản thân và hãy luôn là nguồn động lực, chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho con. Đó chính xác là những điều con bạn cần!

Theo Đường Khiết - Sound Of Hope
Gia Hân biên dịch

 



BÀI CHỌN LỌC

3 phẩm chất đáng quý của người mẹ khiến con dễ trở nên xuất sắc