5 nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm và cách phòng tránh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dậy thì sớm là một trong những nguyên nhân khiến trẻ gặp tự ti về ngoại hình và tăng nguy cơ lạm dụng tình dục ở trẻ.

Dậy thì sớm có thể gây ra nhiều rào cản về tâm lý và ngoại hình ở trẻ. Vì vậy, bố mẹ nên chú ý quan sát sự phát triển của trẻ, đồng thời, thường xuyên tâm sự, giáo dục trẻ về các vấn đề ở tuổi dậy thì. Điều này sẽ giúp trẻ chuẩn bị đầy đủ tâm lý, cởi mở hơn, từ đó, có thể phát hiện và điều trị sớm khi trẻ mắc bệnh.

Dậy thì sớm là gì?

Nhiều phụ huynh quan tâm thế nào là dậy thì sớm. Dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục sớm hơn bình thường.

Trẻ được gọi là dậy thì sớm khi quá trình này xảy ra trước 8 tuổi ở nữ và trước 9 tuổi ở nam. Tình trạng rối loạn này thường diễn ra nhanh và sẽ ngừng phát triển khi trẻ đạt được các tiềm năng chiều cao di truyền đầy đủ. Nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái cao gấp 10 lần so với bé trai. Nguy cơ này sẽ tăng cao hơn khi trẻ bị béo phì.

Nguyên nhân gây dậy thì sớm

  1. Thừa cân, béo phì do ăn nhiều đường, chất béo

Ăn nhiều đường, chất béo hoặc thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh khiến chất béo dư thừa trong cơ thể làm tăng nồng độ hormone estrogen, insulin dẫn tới dậy thì sớm. Những đồ ăn, thức uống và thực phẩm thúc đẩy nhanh dậy thì sớm gồm nước ngọt, đồ ăn vặt, rau củ trái mùa, thức ăn chiên rán, đồ đóng hộp, nội tạng động vật.

Để tránh trẻ béo phì, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia hoạt động ngoài trời hoặc bộ môn thể thao ít nhất ba lần một tuần (tối thiểu 45 phút mỗi lần) để đốt cháy calo, tránh năng lượng dư thừa.

2. Sử dụng đồ nhựa và các hộp đựng thực phẩm dùng một lần

BPA là hóa chất công nghiệp thường được sử dụng trong các đồ nhựa, hộp đựng thực phẩm, chai nước, bao bì đóng gói...

Sử dụng đồ ăn trong các hộp nhựa có chứa BPA khiến chất này phơi nhiễm ra thực phẩm, khi trẻ ăn và uống ngấm vào cơ thể. BPA là nguyên nhân gây dậy thì sớm ở bé gái. Bác sĩ khuyến cáo nên đọc kỹ thông tin trên bao bì, hạn chế sử dụng đồ nhựa và thay thế hộp đựng bằng thép, thủy tinh an toàn.

3. Thói quen ăn vặt, thức ăn nhanh, mỡ động vật và thịt đỏ

Đồ ăn vặt, thức ăn nhanh là một trong những nguyên nhân chính gây béo phì ở trẻ em. Lượng mỡ động vật cao làm tăng insulin dẫn đến phát triển dậy thì, nhất là trẻ 3-7 tuổi. Trẻ cũng nên hạn chế ăn thịt đỏ, 2-3 lần mỗi tuần.

4. Mạng xã hội

Mạng xã hội phát triển khiến các bé dễ dàng tiếp xúc với nhiều nội dung người lớn quá sớm. Những hình ảnh, nội dung này ảnh hưởng đến não của trẻ, đặc biệt là tuyến yên. Tuyến yên bị kích thích sẽ tiết ra các hormone khiến tinh hoàn hoặc trứng sản xuất ra hormone giới tính testosterone và estrogen, tạo tiền đề thúc đẩy dậy thì sớm.

Ngoài ra, sử dụng các mỹ phẩm làm đẹp sớm hoặc dùng một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố sinh dục của trẻ.

5. Các bệnh lý thực thể liên quan

Một số bệnh lý có thể liên quan đến tình trạng dậy thì sớm như khối u não (hay gặp là astrocytoma, u loạn sản tế bào mầm tiết beta - HCG...), Hamartoma vùng dưới đồi, hội chứng McCune Albright, các khối u ở tuyến yên, tuyến thượng thận tăng tiết hormone sinh dục. Trẻ cần được xác định đúng nguyên nhân để can thiệp điều trị hiệu quả.

Dậy thì là giai đoạn trẻ nhạy cảm, dễ xấu hổ, không dám tâm sự về những thay đổi trong cơ thể với người khác. Cha mẹ nên là người bạn đồng hành, lắng nghe, tâm sự cùng con trên hành trình trưởng thành.

Để phòng tránh tình trạng này bằng cách xây dựng cho trẻ chế độ dinh dưỡng cân đối, tránh thừa cân béo phì, khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện các bệnh lý bất thường liên quan. Trẻ dậy thì sớm được điều trị theo phác đồ cá thể hóa. Điều trị nguyên nhân cơ bản hoặc cân chỉnh nồng độ hormone giới tính bằng thuốc để ngăn chặn, làm chậm sự phát triển cơ thể do dậy thì sớm.

Dậy thì sớm có ảnh hưởng gì?

  1. Hạn chế về chiều cao

Dậy thì sớm khiến trẻ phát triển chiều cao nhanh hơn so với lứa tuổi vì vậy bố mẹ nên theo dõi sự phát triển về chiều cao của trẻ.

Khi trẻ dậy thì sớm, chiều cao của trẻ sẽ phát triển nhanh chóng, cao hơn so với chiều cao theo độ tuổi của trẻ. Tuy nhiên, khi quá trình dậy thì này kết thúc, sự tăng trưởng chiều cao này sẽ dừng lại. Tức, trẻ dậy thì sớm thì sẽ kết thúc sớm, quá trình tăng trưởng và phát triển xương của trẻ cũng sẽ kết thúc sớm hơn. Cuối cùng, khi trưởng thành, trẻ dậy thì sớm thường sẽ thấp hơn so với những đứa trẻ dậy thì đúng tuổi.

2. Ảnh hưởng đến tâm lý

Tâm lý của trẻ trong giai đoạn dậy thì rất dễ bị tác động, trẻ dễ bị căng thẳng, tự ti trước bạn bè cùng trang lứa. Đặc biệt, kích thước vòng một thay đổi và tình trạng kinh nguyệt sớm có thể là vấn đề gây khó chịu và phiền toái ở trẻ dưới 9 tuổi.

Hơn nữa, dậy thì sớm có thể là nguyên nhân khiến trẻ thay đổi về cảm xúc và hành vi. Trẻ dễ trở nên dễ cáu gắt, tức giận và có thể bắt đầu tò mò và có những nhu cầu về tình dục không phù hợp với lứa tuổi.

Cách phòng tránh dậy thì sớm

Dậy thì sớm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, bố mẹ có thể giảm nguy cơ dậy thì sớm cho trẻ bằng cách cho trẻ thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:

Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân đối, tránh để trẻ thừa cân béo phì, nhất là ở các bé gái.

Cho trẻ thăm khám sức khỏe định kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Không cho trẻ sử dụng các mỹ phẩm làm đẹp sớm hoặc dùng các loại thuốc gây ảnh hưởng đến nội tiết tố sinh dục của trẻ.

Lưu ý, hiện nay một số quan điểm cho rằng tình trạng dậy thì sớm ở trẻ xảy ra có liên quan đến việc cho trẻ uống nhiều sữa mỗi ngày nên nhiều bố mẹ đã tự cắt nguồn sữa cho trẻ. Hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học này về vấn đề này. Việc cắt ngang nguồn sữa bổ sung cho trẻ khiến cho trẻ bị thiếu hụt canxi, gây ảnh hưởng đến sức đề kháng và chiều cao của trẻ.



BÀI CHỌN LỌC

5 nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm và cách phòng tránh