Hàng trăm người ở Trung Quốc đã qua đời nhưng hồ sơ sức khỏe vẫn được cập nhật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hồ sơ sức khỏe của hàng trăm người dân đã qua đời ở quận Long Phụng, thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc vẫn đang được cập nhật. Thông tin này do chính cơ quan nhà nước Trung Quốc tiết lộ và đã thu hút sự quan tâm, chỉ trích từ dư luận.

Hôm 17/12, trang web của Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc tiết lộ: Gần đây, có sự bất thường trong hồ sơ sức khỏe của người dân do Trung tâm Y tế quận Long Phụng, thành phố Đại Khánh quản lý. Theo thông tin đăng ký hộ khẩu của cơ quan công an địa phương, một người dân đã qua đời được 3 năm nhưng hồ sơ sức khỏe của người này vẫn được trung tâm dịch vụ y tế công cộng cập nhật theo định kỳ.

Cụ thể, có hơn 500 "hồ sơ có vấn đề" vẫn đang được gửi lên và cập nhật dù cư dân đó đã qua đời. Có khoảng 10 bệnh viện thị trấn và trung tâm dịch vụ y tế công cộng, cùng hơn 100 bác sĩ và nhân viên công tác có liên quan đến những “hồ sơ có vấn đề” này. Hiện mới chỉ có 13 người liên quan đến vụ việc này bị xử lý.

Theo điều tra sơ bộ, những nhân viên liên quan này chủ yếu sử dụng tài khoản của các nhân viên đã nghỉ hưu để tạo và cập nhật hồ sơ sức khỏe của những người dân đã qua đời. Mỗi lần cập nhật, nhân viên đó có thể nhận được tới 4,5 nhân dân tệ (khoảng 15 nghìn VND) tiền phí quản lý dựa trên chất lượng của bản cập nhật.

Cư dân mạng cho rằng số liệu thực tế còn nhiều hơn nhưng đã bị giấu

Vụ việc này đã nằm trong danh sách tìm kiếm nóng trên Internet Trung Quốc vào ngày 18/12. Có không ít cư dân mạng tỏ ra nghi ngờ về dữ liệu do chính quyền Trung Quốc tiết lộ, đồng thời cho rằng số liệu chân thực còn nhiều hơn thế nhưng đã bị ẩn giấu.

Có người cho rằng đây chắc chắn không phải là trường hợp cá biệt và có thể đang xảy ra trên khắp Trung Quốc. Nếu đó là một khu vực đông dân cư trong một thành phố lớn thì số lượng “hồ sơ ma” còn nhiều hơn nữa.

  • "500 hồ sơ là quá ít, hãy tiếp tục điều tra đi".
  • "Tôi không tin chỉ vì 4,5 nhân dân tệ".
  • "Điều tra thêm đi, toàn người nội bộ cho mà xem".
  • "Nên điều tra trên toàn quốc, xem xem sẽ có bao nhiêu cái 500 hồ sơ như vậy".
  • "Tôi không tin chuyện này chỉ xảy ra ở Hắc Long Giang. Đề nghị tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên trên toàn quốc để xem có phải là hiện tượng phổ biến hay không".
  • “Nếu nhà bếp có gián, chắc chắn không chỉ có một con! Nên điều tra trên toàn quốc".
  • "Điều này có nghĩa là người thì chết rồi, nhưng vẫn ‘sống’ trong tay họ".
  • "Không chỉ một người kiếm tiền từ người chết”.
  • "Tiền của người chết cũng dám kiếm, to gan thật!“.
  • "Kiếm tiền từ người chết mới dễ kiếm, họ sẽ không phản kháng".

Cư dân mạng đặt nghi vấn về dân số thực của Trung Quốc

Có cư dân mạng thậm chí còn đặt câu hỏi: "Điều này cũng có nghĩa là dân số hiện tại không chính xác?"; "Vậy là người chết cũng được tính trong dân số hiện tại?”; “Xem ra dân số Trung Quốc chưa đến một tỷ người".

Vào tháng 1 năm nay, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ra thông báo cho biết, Trung Quốc có 9,56 triệu ca sinh trong năm 2022 và tỷ lệ sinh là 6,77‰; số người chết là 10,41 triệu và tỷ lệ tử vong là 7,37‰. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1961, Trung Quốc thừa nhận dân số của nước này đã giảm.

Tuy nhiên, vì chính quyền Trung Quốc thường làm sai lệch dữ liệu nên những gì họ công bố thường bị thế giới bên ngoài nghi ngờ. Trên thực tế, có nhiều chứng cứ gián tiếp cho thấy Trung Quốc không còn là đất nước tỷ dân.

Vào cuối tháng 6/2022, cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân quốc gia của Cục Công an Thượng Hải đã bị tin tặc "ChinaDan" đánh cắp, sau đó tin tặc này đã rao bán 970 triệu dữ liệu cá nhân của người Trung Quốc trên diễn đàn trực tuyến "Breach Forums”. Trong đó bao gồm thông tin về tên, ngày sinh, địa chỉ, ảnh, số điện thoại, giấy tờ tùy thân, v.v.

Đây là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất được biết đến của nhà nước Trung Quốc. Nhiều chuyên gia từ các bên đã điều tra và chứng minh được tính xác thực và tính đầy đủ của dữ liệu này. Họ kết luận rằng, từ giữa năm 2022 đổ về trước, tổng dân số của Trung Quốc nhiều nhất chỉ là khoảng 970 triệu người. Con số này chênh lệch hơn 400 triệu so với con số 1,4 tỷ dân mà Bắc Kinh chính thức tuyên bố.

Vào năm 2021, các kênh truyền thông lớn ở nước ngoài đưa tin rằng dữ liệu nội bộ của Bộ Công an Trung Quốc cho thấy, nước này chỉ có khoảng 780 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD). Theo dữ liệu công khai do Nhóm lãnh đạo Tổng điều tra dân số toàn quốc lần thứ bảy của Quốc vụ viện Trung Quốc công bố: Trong năm 2020, dân số trên 16 tuổi ở Trung Quốc chiếm khoảng 81%.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, những người dưới 16 tuổi không bắt buộc phải đăng ký làm CCCD, trong khi những người trên 16 tuổi bắt buộc phải có thẻ này.

Giả sử không có ai dưới 16 tuổi có thẻ CCCD, thì tổng dân số của cả Trung Quốc sẽ là hơn 960 triệu người (lấy 780 triệu chia cho 81%). Con số này khá gần với dữ liệu dân số bị rò rỉ từ Công an Thượng Hải.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Hàng trăm người ở Trung Quốc đã qua đời nhưng hồ sơ sức khỏe vẫn được cập nhật