Một doanh nghiệp tư nhân lớn ở Trung Quốc thành lập lực lượng vũ trang

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiếp nối các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân Yili Group (Tập đoàn Yili) ở khu tự trị Nội Mông cũng thành lập lực lượng vũ trang. Có chuyên gia chỉ ra rằng, mục đích hoặc là để chuẩn bị cho chiến tranh, hoặc là để đàn áp nhân dân.

Kênh truyền thông chính thống của Nội Mông đưa tin, thứ Sáu tuần trước (ngày 29/12/2023), ông Bao Cương (Bao Gang), Bí thư Thành ủy Hohhot đã chủ trì lễ ra mắt lực lượng vũ trang của Tập đoàn Yili có trụ sở tại Hohhot. Chính ủy Quân khu Nội Mông Dương Tiểu Khang (Yang Xiaokang) cũng có mặt.

Theo đó, để "quán triệt 'Tư tưởng Tập [Cận Bình]'", khu tự trị Nội Mông đã thành lập lực lượng vũ trang trong Tập đoàn Yili để xây dựng cái gọi là "lực lượng quốc phòng” nhằm "phục vụ trong thời bình, ứng phó khi khẩn cấp, ứng chiến trong thời chiến".

Ngay từ tháng 3/2014, quân đội Trung Quốc đã cùng nhiều bộ và ủy ban xây dựng "Quy định làm việc cho cán bộ vũ trang nhân dân chuyên trách", qua đó cho phép các doanh nghiệp ngoài công lập thành lập bộ phận vũ trang. Đơn vị này chịu trách nhiệm quản lý dân quân trong doanh nghiệp, quản lý vũ khí và trang bị của dân quân, cũng như hỗ trợ huy động và tuyển quân. Tuy nhiên, trước đó chưa từng có tin tức nào về việc công ty tư nhân thành lập lực lượng vũ trang.

Theo kênh truyền thông trên, Tập đoàn Yili là doanh nghiệp đầu tiên ở Nội Mông thành lập lực lượng vũ trang và cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Trung Quốc thành lập bộ phận này.

Yili là một trong những công ty sữa hàng đầu của Trung Quốc, bên cạnh hãng sữa Mengniu. Theo Xinhuanet, năm 2018, Yili là thương hiệu thực phẩm hoạt động tốt thứ ba trên thế giới. Năm 2021, Yili đứng thứ nhất trong danh sách 100 công ty thực phẩm và đồ uống hàng đầu Trung Quốc của FBIF (Diễn đàn Đổi mới Thực phẩm và Thức uống).

Tuy vậy, sản phẩm sữa của Yili từng gây tranh cãi vì hạ thấp tiêu chuẩn kiểm nghiệm, hoặc trong sữa có hàm lượng melamine và thủy ngân cao bất thường. Sau khi công ty này thành lập lực lượng vũ trang, có cư dân mạng bình luận rằng: "Sau này ai dám nói (sữa Yili) không ngon!".

Gần đây, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc như Tập đoàn Đầu tư Đô thị Thượng Hải và Tập đoàn Nông nghiệp Vũ Hán cũng liên tiếp thành lập lực lượng vũ trang, điều này đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Lực lượng vũ trang này là "tổ chức vũ trang nhân dân" do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập tại các đơn vị hành chính cấp huyện và xã trong các doanh nghiệp lớn. Tổ chức này chịu trách nhiệm tuyển quân và lãnh đạo dân quân địa phương, đồng thời quản lý các kho vũ khí hạng nhẹ ở các nơi.

Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, lực lượng vũ trang này dần phai nhạt khỏi sân khấu lịch sử. Tuy nhiên, sau khi chính quyền ông Tập Cận Bình đưa ra cái gọi là “Tư tưởng cường quân” (làm cho lực lượng vũ trang trở nên hùng mạnh), nhiều công ty đã tái thành lập bộ phận vũ trang này ở nội bộ.

Trước đó, Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) từng dẫn lời phân tích của ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một nhà sử học sống ở Úc, rằng việc ĐCSTQ tái thành lập lực lượng vũ trang trong các doanh nghiệp nhà nước có thể là vì hai mục đích:

“Một là toàn dân phải được vũ trang để chuẩn bị cho chiến tranh, kích động chiến tranh và gây rối; hai là lực lượng vũ trang này có thể còn có chức năng đàn áp nhân dân. Bởi vì suy cho cùng, việc điều động quân chính quy hoặc cảnh sát vũ trang có thể dễ dàng dẫn đến cuộc đảo chính quân sự. Còn điều động dân quân vũ trang vừa có thể trấn áp trong nội bộ mà lại không gây ảnh hưởng tới sự ổn định của chính quyền”.

Hiện tại, lực lượng vũ trang nhân dân này đã bắt đầu có mặt tại doanh nghiệp tư nhân.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Một doanh nghiệp tư nhân lớn ở Trung Quốc thành lập lực lượng vũ trang