NATO ủng hộ Ukraine tập kích lãnh thổ Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Động thái bật đèn xanh của NATO cho các cuộc tập kích vào lãnh thổ Nga có khả năng khiến cuộc chiến Ukraine leo thang một cách nguy hiểm.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định trong cuộc phỏng vấn ngày 20/2 rằng: "Theo luật quốc tế, Ukraine có quyền tự vệ, trong đó có việc tấn công vào các mục tiêu quân sự hợp pháp của Nga ở bên ngoài lãnh thổ Ukraine".

Một quan chức NATO hôm 22/2 xác nhận với Financial Times rằng ông Stoltenberg muốn nói quyền tự vệ của Kyiv bao gồm việc tấn công các mục tiêu quân sự của Nga bên ngoài Ukraine.

Ông Stoltenberg từng đề cập tới quyền tự vệ của Kyiv trước Moscow, song đây là lần đầu tiên ông công khai khẳng định Ukraine có quyền tự vệ bằng cách tấn công mục tiêu quân sự Nga bên ngoài lãnh thổ, kể cả bằng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp.

Theo Newsweek, phát biểu của ông Stoltenberg dường như phát đi tín hiệu về việc Ukraine có thể vượt "lằn ranh đỏ" do Nga vạch ra trước đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần cảnh báo Ukraine không được sử dụng khí tài do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, cho rằng điều này có thể khiến xung đột leo thang.

Ban đầu, những cảnh báo như vậy khiến Mỹ và một số đồng minh chần chừ trong việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Kyiv có khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, khi cuộc chiến kéo dài tới năm thứ 2, các nước NATO đã bắt đầu chuyển cho Ukraine vũ khí tầm xa.

Pháp, Anh năm ngoái đã cung cấp cho Ukraine tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG có tầm bắn 250-560 km, trong khi Washington chuyển giao cho Kyiv phiên bản ATACMS tầm bắn 165 km.

Ngoài ra, Tổng thư ký NATO cũng nói về nỗ lực cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nói rằng liên minh "không thể nói chính xác" khi nào tiêm kích này sẽ được giao cho Kyiv.

"Tất cả chúng tôi đều muốn F-16 có mặt ở Ukraine càng sớm càng tốt. Nhưng F-16 sẽ phát huy tối đa tác dụng khi có nhiều phi công được đào tạo hơn. Và không chỉ các phi công, mà còn cả việc bảo trì, nhân sự và tất cả các hệ thống hỗ trợ phải có để vận hành máy bay", ông nhấn mạnh.

Trung tướng Serhiy Nayev, Tư lệnh Bộ chỉ huy Liên quân, cơ quan tham mưu cấp cao trong quân đội Ukraine, hồi đầu tháng tiết lộ Kyiv sẽ nhận tiêm kích F-16 và tên lửa có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 300-500 km trong gói viện trợ sắp tới. Giới phân tích nhận định đây có thể là vũ khí trang bị cho tiêm kích F-16, như dòng JASSM của Mỹ.

Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, hiện được Mỹ và các đồng minh sử dụng. Mỗi chiếc F-16 có giá khoảng 30-35 triệu USD tùy biến thể.

F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. Mẫu tiêm kích này được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí.

Hà Lan ngày 6/2 thông báo sẽ cung cấp thêm 6 tiêm kích F-16 cho Ukraine, nâng tổng số máy bay mà nước này cam kết chuyển giao cho Kiev lên 24 chiếc.

Ngoài Hà Lan, Đan Mạch và Bỉ cũng đã công bố kế hoạch cung cấp F-16 cho Ukraine. Kiev dự kiến tiếp nhận những chiếc F-16 đầu tiên trong năm nay, sau khi phi công Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện.

Trong khi đó, Cựu Tổng thống Nga, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine có nguy cơ dẫn đến xung đột hạt nhân.

"Nếu một trong những máy bay đó cất cánh từ một quốc gia NATO (để thực hiện một nhiệm vụ ở Ukraine), điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là một cuộc tấn công vào Nga. Tôi sẽ không mô tả điều gì có thể xảy ra tiếp theo. Diễn biến như vậy thậm chí có thể không được lãnh đạo NATO và Mỹ chấp thuận", cựu Tổng thống Nga nói thêm.

Viên Minh (Tổng hợp)

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

NATO ủng hộ Ukraine tập kích lãnh thổ Nga