Ngoáy tai liên tục suốt 10 năm, người đàn ông được chẩn đoán mắc ung thư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người có thói quen ngoáy tai thường xuyên. Tuy nhiên, hành động tưởng chừng đơn giản này lại tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Một người đàn ông ngày nào cũng ngoáy tai, điều này đã khiến ông phải trả giá đắt khi mắc ung thư sau gần 10 năm.

Theo báo cáo của Shaanxi News, một người đàn ông họ Chu hơn 50 tuổi ở Quảng Châu (Trung Quốc) thường xuyên ngoáy tai. Thói quen này thậm chí đã kéo dài gần 10 năm, nếu một ngày không làm điều đó, ông sẽ cảm thấy khó chịu.

Mãi về sau, ông bắt đầu cảm thấy đau ở tai trái và có triệu chứng chảy mủ. Sau khi khám, ông được chẩn đoán mắc "ung thư biểu mô tế bào vảy ống tai ngoài bên trái", một căn bệnh hiếm gặp.

Bác sĩ cho biết, việc ngoáy tai thường xuyên kích thích lớp biểu bì của ống tai ngoài, khiến da tiết dịch. Quá trình lặp lại liên tục tạo thành vòng xoáy ác tính, khiến da ống tai phát triển thành khối u, dẫn đến ung thư ống tai ngoài. May mắn thay, ông Chu đã được điều trị thành công bằng phẫu thuật kết hợp xạ trị và hóa trị.

Huang Xuan, một bác sĩ nổi tiếng ở Đài Loan cho biết trên Facebook rằng, ráy tai là sản phẩm tự nhiên của tai và có chức năng bảo vệ tai, bao gồm ngăn chặn các vật lạ như bụi, vi khuẩn xâm nhập vào ống tai, giữ ẩm, đồng thời ức chế sự phát triển của vi khuẩn.

Bác sĩ Huang cho biết việc dùng tăm bông để vệ sinh tai có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn vào ống tai, gây tắc nghẽn, từ đó ảnh hưởng đến thính lực. Hơn nữa, tác động lực quá mạnh hoặc sử dụng dụng cụ không đúng cách có thể làm thủng màng nhĩ.

Ngoài ra, ngoáy tai có thể gây kích ứng ống tai, gây ngứa, thậm chí có thể làm tổn thương dây thần kinh trong ống tai, dẫn đến ù tai.

Vậy chúng ta nên làm gì?

Theo bác sĩ, bạn nên để ráy tai tự đẩy ra ngoài một cách tự nhiên khi chúng tích tụ với số lượng quá lớn. Ráy tai cũng có thể tự rơi ra thông qua các cử động của hàm (nhai, nói chuyện), tắm rửa....

Nếu thấy ráy tai quá nhiều, làm giảm thính lực hoặc nghẹt tai, bạn có thể đến các cơ sở y tế có chuyên môn để làm sạch.

Sau khi tắm xong nên dùng khăn lau mép ngoài tai để giữ ống tai sạch sẽ. Ngoài ra, khi bơi lội có thể sử dụng nút tai hoặc bịt tai để ngăn nước vào tai.

(*) Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo.

Theo Li Dongqi - Aboluowang
Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Ngoáy tai liên tục suốt 10 năm, người đàn ông được chẩn đoán mắc ung thư