Nông thôn Trung Quốc còn 34,9 triệu đàn ông ‘quá lứa’ chưa kết hôn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo số liệu chính thức, có 34,9 triệu nam giới lớn tuổi chưa kết hôn ở vùng nông thôn Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề hôn phối ở vùng nông thôn, có chuyên gia Trung Quốc đã đề nghị chính quyền mở cửa cho hôn nhân quốc tế để thanh niên nông thôn lấy vợ nước ngoài. Ý kiến này đang bị dư luận Trung Quốc chế giễu.

Mới đây, Viện Nghiên cứu Nông thôn Trung Quốc thuộc Đại học Sư phạm Hoa Trung (Central China Normal University) đã công bố một báo cáo điều tra nghiên cứu về những khó khăn trong việc kết hôn của nam giới lớn tuổi ở khu vực nông thôn nước này. Báo cáo này cho thấy, trong những năm gần đây, vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Trong số 119 thôn được chọn mẫu để khảo sát, có 51 thôn gặp vấn đề nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 42,9%. Trong đó, các khu vực ở miền Đông, miền Trung và miền Tây Trung Quốc lần lượt chiếm 38,6%, 50,1% và 40,3%.

Ông Đinh Trường Phát (Ding Changfa), Phó giáo sư Khoa Kinh tế tại Đại học Hạ Môn, nói với Phoenix TV rằng theo cuộc tổng điều tra dân số lần thứ bảy, có 34,9 triệu nam giới chưa kết hôn ở vùng nông thôn Trung Quốc. Nguyên nhân khiến nhóm người này khó kết hôn là: Thứ nhất, do sự phát triển kinh tế - xã hội, một lượng lớn nam, nữ thanh niên và trung niên ở nông thôn đã đổ về các thành phố lớn để làm việc, phần lớn nữ giới chọn ở lại thành phố thay vì trở lại nông thôn.

Ngoài ra, sính lễ ở một số vùng nông thôn quá cao, tính cả nhà, ô tô… thì tổng chi phí lên tới 500.000 đến 600.000 nhân dân tệ (khoảng 1,7 - 2 tỷ VND), thậm chí có nơi còn cao hơn. Trong khi đó, vào năm ngoái, thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Trung Quốc chỉ là hơn 20.000 nhân dân tệ (khoảng 68 triệu VND). Có rất nhiều nam thanh niên không thể kết hôn vì không có tiền.

Để giải quyết vấn đề đàn ông dư thừa ở nông thôn, ông Đinh Trường Phát đề nghị chính quyền có thể mở cửa cho hôn nhân quốc tế và đưa về các cô gái nước ngoài ở độ tuổi phù hợp.

Ngay khi đề nghị này được đưa ra, Internet ở Trung Quốc lập tức bùng nổ các ý kiến bình luận:

  • "Quảng Đông là khu vực có mức sính lễ thấp, chuyên gia có thể giải thích tại sao vẫn có nhiều đàn ông dư thừa như vậy không".
  • "Không kết hôn là do môi trường chung chứ không phải do thiếu người khác giới. Không phải chỉ có đàn ông là không muốn kết hôn".
  • “Con trai tôi không có vợ, tôi bằng lòng cho con trai mình lấy vợ nước ngoài!”.
  • “Không biết mọi người nghĩ thế nào chứ tôi thì sốc không nhẹ. Không biết chuyên gia nói ‘đưa về’ là đưa về kiểu gì. Trước đây, ở một số vùng nông thôn, trả một lần vài chục nghìn nhân dân tệ tiền sính lễ là có thể ‘mua’ một cô dâu Việt Nam về. Nhưng loại giao dịch này bị nghi ngờ là buôn người. Có cư dân mạng nói rằng, [hiện giờ] giá sính lễ cho cô dâu Việt Nam cũng đã lên tới 250.000 tệ (khoảng 860 triệu VND) rồi".

Trong vài năm gần đây, khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy thoái, tỷ lệ sinh và tỷ lệ kết hôn cũng tiếp tục giảm. Nhiều người trẻ không tìm được việc làm và lựa chọn “nằm thẳng” (tức là không cố gắng phấn đấu nữa, chỉ duy trì những nhu cầu sinh tồn tối thiểu), không kết hôn, không sinh con.

Gần đây, cụm từ "thanh niên 10 không" cũng được lan truyền rộng rãi trên Internet ở Trung Quốc, bao gồm: không hiến máu, không quyên góp tiền, không kết hôn, không sinh con, không mua nhà, không mua xổ số, không tham gia thị trường chứng khoán, không mua quỹ, không giúp người già, không cảm động. Đằng sau mỗi tiếng "không" này đều có một câu chuyện. (Đọc thêm tại đây)

Vào cuối tháng 1/2023, nền tảng mạng xã hội Weibo đã liên hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Nông thôn Trung Quốc thuộc Đại học Vũ Hán, Trung tâm Nghiên cứu Khảo sát Báo chí và Truyền thông thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc… để mở một cuộc khảo sát bằng bảng câu hỏi về chủ đề kết hôn.

Cuộc khảo sát này được thực hiện tại 425 thành phố/huyện/quận thuộc 34 khu hành chính cấp tỉnh ở Trung Quốc. Trong tổng số phiếu khảo sát thu được, khu vực nông thôn chiếm 54,6% và khu vực thành thị chiếm 45,4%.

Báo cáo khảo sát này cho thấy, hiện tượng thanh niên trên 30 tuổi chưa lập gia đình rất phổ biến ở Trung Quốc; tại các thành phố, có rất nhiều nam nữ thanh niên chủ động lựa chọn cuộc sống độc thân; còn ở nông thôn, có rất nhiều nam thanh niên bị loại khỏi thị trường hôn nhân và rất có thể phải đối mặt với nguy cơ cả đời không thể kết hôn.

Ngoài ra, theo "Niên giám Thống kê Dân số và Việc làm Trung Quốc 2023" do chính quyền nước này công bố, trong năm 2022, tỷ lệ chưa kết hôn của nhóm tuổi từ 25-29 là 51,3%, trong đó có tới 70% là người 25 tuổi; tỷ lệ chưa kết hôn ở độ tuổi từ 30-34 là 18,4% và ở độ tuổi từ 35-39 là 8%.

Tỷ lệ kết hôn thấp cũng dẫn đến tỷ lệ sinh thấp, cuộc khủng hoảng dân số đã trở thành một trong những vấn đề đau đầu đối với chính quyền Trung Quốc.

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nông thôn Trung Quốc còn 34,9 triệu đàn ông ‘quá lứa’ chưa kết hôn