Tại sao chiều cao lớn nhất của ngọn núi trên Trái đất chỉ là 10km, cao hơn là bị sụp đổ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta không thể tìm thấy ngọn núi nào cao quá 10km trên Trái đất, nhưng trên sao Hỏa có đỉnh núi cao gấp gần 3 lần như thế. Trạng thái cân bằng của hệ sinh thái là yếu tố quyết định đến vấn đề này.

Đỉnh Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới (trên cạn) với chiều cao 8.849 mét, nằm dọc theo vành đai Tây Tạng và Nepal. Có một số lý do để chúng ta hiểu rõ hơn vì sao chiều cao của các ngọn núi trên Trái đất lại bị hạn chế ở mức là 10.000m.

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu Trái đất là một hệ sinh thái tự cân bằng và độ cao của các ngọn núi bị hạn chế chính xác có liên quan đến trạng thái cân bằng này.

Sự hạn chế về chiều cao của các ngọn núi trên cạn

Theo trang Live Science, có 2 yếu tố khiến các ngọn núi trên cạn bị hạn chế chiều cao, đó là:

1. Trọng lực

Các ngọn núi hình thành do sự chuyển động của các mảng kiến tạo là lớp bề mặt Trái đất. Khi hai mảng kiến tạo va chạm vào nhau, lực tác động sẽ buộc vật liệu từ các cạnh tiếp xúc của chúng di chuyển lên trên. Do lớp vỏ Trái đất được tạo thành từ các lớp đá khác nhau và các lớp đá khác nhau lại có độ bền và độ ổn định khác nhau.

Lớp vỏ này có đặc điểm biến dạng dẻo ở một mức độ nhất định, áp suất vượt quá giới hạn chịu đựng của nó sẽ gây ra các vết nứt khiến ngọn núi sụp đổ hoặc hư hại. Chiều cao của các đỉnh núi bị hạn chế vì lớp vỏ Trái đất không thể chịu được sự tích tụ của đá ở một độ cao nhất định.

Tuy nhiên, có cách khác để hình thành núi, đó là trường hợp hình thành từ sự phun trào của những ngọn núi lửa.

Nhưng dù núi được hình thành như thế nào thì cuối cùng chúng cũng trở nên quá nặng và không chịu nổi trọng lực - đây là yếu tố thứ hai kéo lại chiều cao của các ngọn núi.

Núi là những thứ rất nặng, và trên Trái đất, các lực tạo nên chúng phải chiến đấu chống lại trọng lực luôn cố gắng kéo chúng xuống. Tại một thời điểm nào đó, ngọn núi trở nên quá nặng và khối lượng của chính nó ngăn cản quá trình phát triển đi lên do sự va đập của hai mảng kiến tạo.

Khi độ cao của ngọn núi tăng lên, các vật liệu tự nhiên cũng sẽ chịu lực hấp dẫn ngày càng tăng của Trái đất. Khi lực hấp dẫn của vật liệu vượt quá lực dính của chính vật liệu đó, ngọn núi sẽ sụp đổ hoặc bị hư hại về hình thái.

Đây cũng là lý do tại sao chúng ta chỉ nhìn thấy một số đỉnh núi phù hợp với quy luật ổn định về mặt địa chất trên bề mặt Trái đất và không tìm thấy ngọn núi nào cao trên 10.000 mét.

Nói cách khác, nếu Trái đất có ít trọng lực hơn thì những ngọn núi trên đó sẽ cao hơn. Đó thực sự là những gì đã xảy ra trên sao Hỏa, nơi những ngọn núi cao hơn nhiều so với núi trên hành tinh của chúng ta. Đó là do trọng lực trên sao Hỏa chỉ bằng 1/3 trọng lực Trái đất. Hơn nữa, lớp vỏ của Sao Hỏa không bị chia thành các mảng như hành tinh của chúng ta.

Olympus Mons của sao Hỏa, ngọn núi lửa cao nhất được biết đến trong Hệ Mặt trời, có độ cao 25.000 m, cao hơn gấp gần ba lần so với đỉnh Everest.

2. Những con sông

Nước và dòng chảy của các con sông làm xói mòn vật chất, tạo ra những kẻ hở sâu gần chân núi. Theo thời gian, quá trình xói mòn diễn ra không ngừng có thể gây ra các vụ sạt lở, từ đó làm hạn chế sự phát triển của núi.

Núi ở đáy đại dương thì sao?

Everest thường được coi là đỉnh núi cao nhất Trái đất ở trên cạn, nhưng vẫn có ngọn núi khác có danh hiệu "ngọn núi cao nhất thế giới", nó nằm ở dưới đáy đại dương.

Theo trang Science Focus của BBC, Mauna Kea, một ngọn núi lửa ngừng hoạt động ở Hawaii, là ngọn núi cao nhất thế giới nếu tính từ chân núi của nó - nằm sâu dưới Thái Bình Dương - đến đỉnh.

Chiều cao từ chân núi đến đỉnh núi của Mauna Kea là 10.210 mét, cao hơn đỉnh Everest. Nhưng chân núi Mauna Kea nằm ở độ sâu 6.000 mét dưới mực nước biển và đỉnh của nó ở độ cao 4.205 mét so với mực nước biển.

Những ngọn núi như Mauna Kea tuy là vật nặng nhưng chúng vẫn có sức nổi và biển đang gánh một phần trọng lượng cho nó.



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao chiều cao lớn nhất của ngọn núi trên Trái đất chỉ là 10km, cao hơn là bị sụp đổ?