Tin độc quyền: Toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc đình trệ, riêng ngành công nghiệp quân sự vẫn phát triển

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nguồn tin nói với The Epoch Times rằng, trong khi các ngành nghề trong xã hội Trung Quốc đều đang đình trệ thì các dự án trong ngành công nghiệp quân sự lại tương đối dễ thực hiện và có nguồn tiền dồi dào, thậm chí họ còn sản xuất vũ khí và thiết bị của phương Tây.

Nguồn tin: Các nhà máy ở Trung Quốc sản xuất vũ khí phương Tây

Một nguồn tin từng kinh doanh trong ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc nói với The Epoch Times rằng, ông đã đến 3 nơi có liên quan đến ngành công nghiệp quân sự, tất cả đều nằm ở khu vực miền Trung của nước này. Trong đó, một nơi sản xuất vũ khí, một nơi sản xuất pin cho tàu ngầm và hàng không mẫu hạm, một nơi khác sản xuất các loại vũ khí như tên lửa không đối không.

Do lo ngại về an toàn cá nhân, nguồn tin này đã lấy bí danh là Lâm Huy (Lin Hui).

Theo tiết lộ của ông Lâm Huy, đơn vị sản xuất vũ khí kể trên có thể là một doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp này chỉ gia công các bộ phận kim loại và có một đại sảnh trưng bày sản phẩm rộng từ 300 - 400 mét vuông. Đại sảnh này được bày biện gọn gàng và có rất nhiều tủ trưng bày. Bên trong tủ trưng bày các bộ phận của súng, chúng được làm bằng nhôm, có rất nhiều loại không dễ để gia công. Họ cho người ngoài đến tham quan, có lẽ là để có thêm nhiều đơn đặt hàng.

“Tất cả đều được đúc ép từ chế phẩm nhôm, bước tiếp theo trong quy trình là gì? Tôi không rõ lắm. Tôi chỉ có thể nói rằng nhà máy này chỉ sản xuất những thứ ấy, đó chính là thành phẩm xuất xưởng của họ”.

Ông Lâm Huy cho biết, đơn vị này còn có bằng khen "Đơn vị hợp tác xuất sắc" do Viện Nghiên cứu Trang bị và Binh khí (gọi tắt là Viện 208) của Tập đoàn Trang bị Binh khí Trung Quốc (CSGC) cấp. Theo thông tin công khai, CSGC là một doanh nghiệp trung ương Trung Quốc, còn Viện 208 là đơn vị nghiên cứu và phát triển vũ khí hạng nhẹ cho quân đội và cảnh sát Trung Quốc.

Ông Lâm Huy đã bí mật chụp một vài bức ảnh bên trong nhà máy sản xuất vũ khí: "Nhà máy này dễ chụp ảnh hơn. Đơn vị sản xuất tên lửa không đối không kia bị kiểm soát rất nghiêm ngặt, không thể nào rút điện thoại ra chụp, toàn bộ quá trình [tham quan] đều có người đi cùng”.

Các bức ảnh chụp linh kiện vũ khí mà ông Lâm Huy chụp được tại một nhà máy ở miền trung Trung Quốc.

Ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Sở Nghiên cứu Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, đã đưa ra phân tích dựa trên những bức ảnh do nguồn tin trên cung cấp.

Ông Tô phân tích rằng, bức ảnh đầu tiên là vỏ đạn pháo, vì bức ảnh không phản ánh kích thước thật của vật thể nên quan sát bằng mắt thì có thể phán đoán đó là đạn pháo 122 mm hoặc 152 mm, có thể là thông số kỹ thuật của Trung Quốc và Nga, hoặc cũng có thể là đạn pháo 155 mm mà NATO và các nước dân chủ như Hoa Kỳ sử dụng. Phía trên vỏ đạn có một mặt phẳng để đưa ngòi nổ vào, ngòi nổ giống như một chiếc bu lông; trước khi bắn, pháo thủ sẽ đưa ngòi nổ vào đó. Đầu đạn của tên lửa được niêm phong ở bên trong tên lửa và ngòi nổ được kích hoạt bằng điện tử.

Bức ảnh thứ hai là một khẩu súng phóng lựu, không rõ là theo quy cách của Mỹ hay của Nga. Giá đỡ của nó có thể được làm bằng nhôm; ổ xoay ở giữa có thể được làm bằng thép, có thể chịu được lực nổ.

Bức ảnh thứ ba là các bộ phận tiêu chuẩn của súng trường M16 hoặc súng trường M4. Chúng được làm bằng hợp kim nhôm để giảm trọng lượng. Nòng và chốt được làm bằng thép vì chúng phải chịu được lực nổ của thuốc súng.

Ông Tô Tử Vân phân tích, từ những bằng chứng hiện có, ông chỉ có thể nói rằng rất có khả năng đây là hàng mẫu của vũ khí phương Tây, không phải thiết bị của quân đội Trung Quốc, và chúng sẽ không được cung cấp cho quân đội Nga hoặc Trung Quốc trừ khi có mục đích đặc biệt.

"Bởi vì nếu cung cấp cho Nga, họ sẽ không sử dụng thông số kỹ thuật này. Đạn của phương Tây là 5,56 mm, còn đạn của Nga là 5,4 mm, không thể nạp đạn vào được, họ sẽ không đặt hàng như vậy. Còn nếu như nói quân đội Trung Quốc muốn tấn công Đài Loan, họ cũng sẽ không sản xuất vũ trí theo thông số kỹ thuật của phương Tây vì nó sẽ không thể ăn khớp với hậu cần của quân đội Trung Quốc, cũng không nạp đạn được”.

“Hoặc có lẽ [Trung Quốc] có một lực lượng đặc biệt, ví dụ như một lữ đoàn sẽ được trang bị vũ khí của Đài Loan. Khi tấn công Đài Loan, lữ đoàn này có thể giả vờ là quân đội Đài Loan hay gì đó, họ sẽ cầm vũ khí của phương Tây và có thể lượm nhặt vũ khí đạn dược của Đài Loan ngay tại chỗ, có thể dùng ngay lập tức, nhưng điều này thật bất thường”.

Ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Sở Nghiên cứu Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan. (Zhong Yuan / The Epoch Times)

Vậy những vũ khí này đã được đưa vào chiến trường Nga - Ukraine hay chưa? Ông Tô Tử Vân cho biết, hiện chưa thấy đơn đặt hàng nên cũng không rõ, nhưng điều này cũng cho thấy có thể công ty kia muốn giành được một phần miếng bánh và chứng tỏ rằng mình có khả năng gia công kim loại, có khả năng sản xuất dù đó là thông số kỹ thuật của phương Tây hay của Trung Quốc hoặc Nga. NATO cũng có thể đặt hàng từ họ, bởi vì quân đội NATO và Ukraine trước đây đã đặt mua một lượng lớn áo chống đạn từ Trung Quốc.

“Việc trưng bày một số loại vũ khí và súng trường theo tiêu chuẩn phương Tây [cho thấy] có lẽ là họ muốn chiếm chuỗi cung ứng ở chiến trường Ukraine. Nếu như Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra đại diện đặt hàng thì cũng bằng với việc công ty tư nhân đó của Trung Quốc xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ, mà Thổ Nhĩ Kỳ lại dùng các thông số kỹ thuật của NATO, nếu được bàn giao cho Ukraine thì chúng sẽ trở nên thông dụng".

Ông Tô cho rằng, "Nhìn từ góc độ này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang muốn kiếm tiền từ cả hai phía. Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp trung ương thì kiếm tiền từ Nga, còn doanh nghiệp tư nhân thì kiếm tiền từ Ukraine. Không thể loại trừ khả năng này, vì chính quyền này thường không minh bạch".

Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã nhiều lần cáo buộc Mỹ là lái buôn chiến tranh và phát tài nhờ chiến tranh. Tuy nhiên, một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố vào ngày 27/1/2020 cho thấy, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và dẫn trước cả Nga.

Các nhà cung cấp Trung Quốc được cho là đã lợi dụng cả hai bên trên chiến trường Nga - Ukraine. Một cuộc điều tra độc quyền vào năm ngoái của tờ báo Mỹ Politico đã chỉ ra rằng, các trang bị trị giá hàng triệu USD của Trung Quốc, từ áo chống đạn cho đến máy bay không người lái, đang xuất hiện trên thị trường Nga. Máy bay không người lái có thể được sử dụng để chỉ đạo các cuộc tấn công bằng pháo hoặc ném lựu đạn, còn có ống kính ngắm nhiệt quang học để nhắm mục tiêu vào ban đêm.

Vào tháng 2 năm nay, truyền thông Trung Quốc dẫn tin từ tờ RIA Novosti của Nga cho biết, các container vận chuyển từ Trung Quốc sang Ba Lan đã bị Nga thu giữ khi đi qua Nga, trong đó có tổng cộng 8 container bị phát hiện chứa các lô quân phục Ukraine. Trước đó, Nga còn tiết lộ với thế giới bên ngoài rằng tại Ukraine, họ đã thu được các máy bay không người lái dân dụng do Trung Quốc sản xuất, những máy bay không người lái này đã được chuyển đổi từ dân dụng sang quân dụng.

Tuy nhiên, Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2022 của Hoa Kỳ cho biết một số vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc vẫn còn những khiếm khuyết về chất lượng và chúng có độ đáng tin cậy khá thấp, điều này đã cản trở khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh. Nhiều nước đang phát triển chọn mua hệ thống vũ khí của Trung Quốc đơn giản chỉ vì chúng rẻ hơn các loại vũ khí tương tự khác.

Các mẫu máy bay không người lái được trưng bày tại "Triển lãm Hàng không Trung Quốc 2015" vào ngày 16/9/2015 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (VCG/VCG via Getty Images)

Ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc đang được mở rộng quy mô

Ông Lâm Huy nói với The Epoch Times rằng, ông không trực tiếp tham gia vào các dự án công nghiệp quân sự này nhưng biết được rằng những công ty như vậy mang lại lợi nhuận rất cao. Họ chỉ nhận các đơn đặt hàng từ ngành công nghiệp quân sự, có rất ít đơn đặt hàng từ các ngành khác, nhưng hoạt động kinh doanh của họ đặc biệt tốt, nhân viên của họ cũng nhận được đãi ngộ rất tốt.

“Một công ty có tiền hay không thì vừa bước vào là biết ngay. Cửa sổ sáng sủa, sạch sẽ, mọi thứ đều ngăn nắp, họ rất sẵn sàng chi tiền. Điều kiện của nhân viên cũng rất tốt, hiệu quả và lợi ích cao, nếu không tốt thì nhìn một cái là biết ngay".

Ông Lâm Huy nói rằng trong khi các ngành nghề trong xã hội đều suy thoái, thì các dự án trong ngành công nghiệp quân sự lại dễ thực hiện và có nguồn tiền dồi dào, họ liên tục xây dựng các nhà máy mới. “Ví như nhà máy sản xuất vũ khí kia, khi tôi đến đó [tham quan] thì họ đang xây dựng một nhà máy mới, còn nhà sản xuất tên lửa không đối không kia sắp bỏ ra vài trăm triệu [nhân dân tệ] để xây một tòa văn phòng thông minh".

Ông Lâm Huy bày tỏ sự kinh ngạc: “Một số doanh nghiệp tư nhân và các ngành công nghiệp truyền thống mà chúng tôi đã tiếp xúc, vốn dự án của họ rất thấp, nhưng trong ngành công nghiệp quân sự, giá rất cao và lợi nhuận cũng rất cao. Mọi người đều thích làm ăn với họ vì họ có tiền”.

Nguồn tin này cho biết, sau dịch bệnh, rất nhiều công ty ở Trung Quốc đã không có đơn hàng. Trước đây, ông Lâm Huy từng đến thăm nhà máy trong ngành sản xuất ô tô và thấy rằng hai dây chuyền lắp ráp của họ hoạt động 24/24. Nhưng sau dịch bệnh, chỉ còn một dây chuyền hoạt động, hơn nữa còn không thể vận hành 24/24, năng lực sản xuất đã giảm xuống rõ rệt, khác xa trước đây.

Do các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc thiếu vốn nên trên khắp nước này còn rất nhiều tòa nhà đang dang dở. Trong ảnh là khu phức hợp nhà ở đang được xây dựng bởi nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Poly Group ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; ảnh chụp vào ngày 13/7/2022. (Jade Gao/AFP via Getty Images)

Có dấu vết cho thấy ĐCSTQ dồn lực mạnh mẽ để phát triển ngành công nghiệp quân sự. Trong tài liệu “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và Mục tiêu tầm nhìn 2035” được ĐCSTQ đưa ra vào tháng 10/2020, có tuyên bố rằng “môi trường phát triển [bên ngoài] đang đối mặt với những thay đổi sâu sắc và phức tạp”, “phải coi sự tự lực tự cường trong khoa học và công nghệ là rường cột chiến lược cho sự phát triển của đất nước", v.v.

Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2023 của Hoa Kỳ nêu rõ rằng, mục tiêu dài hạn của ĐCSTQ là thiết lập một ngành công nghiệp quốc phòng hoàn toàn tự lực cánh sinh, đồng thời tích hợp với các ngành công nghiệp dân sự và công nghệ để đáp ứng nhu cầu về năng lực quân sự hiện đại của quân đội.

Các nhà phân tích nhìn chung cho rằng, giai đoạn "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" là giai đoạn quan trọng đối với công cuộc xây dựng quân đội và quốc phòng của ĐCSTQ, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự cũng sẽ nhân cơ hội này phát triển nhanh chóng.

Năm 2020 được coi là năm bước ngoặt đối với ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc: Thứ nhất, chính sách quốc phòng của ĐCSTQ đã thay đổi từ “mục tiêu làm cho quân đội hùng mạnh, vững vàng tiến lên” sang “toàn diện chuẩn bị cho chiến tranh”; thứ hai, một lượng lớn vũ khí, trang bị đã được chuyển từ trạng thái nghiên cứu khoa học sang sản xuất hàng loạt thành phẩm.

Ông Tô Tử Vân cho biết, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng khoảng 7% mỗi năm và họ vẫn đang tăng cường thay thế, đổi mới trang thiết bị quân sự. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự tất nhiên sẽ tiếp tục được mở rộng và phát triển.

Ngoài ra, ông Tập Cận Bình còn theo đuổi cải cách quân sự từ năm 2017 đến năm 2027. Ví dụ, hải quân Trung Quốc đã được tăng cường đáng kể trang thiết bị, không chỉ tàu chiến mà còn có các thiết bị điện tử, máy bay hoạt động trên hàng không mẫu hạm. Bên cạnh đó, lục quân cũng đang được thay thế pháo và tên lửa mới.

Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc của Hoa Kỳ nêu rõ, Trung Quốc đã huy động các nguồn lực đáng kể để hỗ trợ hiện đại hóa quốc phòng, bao gồm thông qua các chiến lược phát triển quân sự và phòng thủ dân sự, cũng như các hoạt động gián điệp để có được các thiết bị nhạy cảm, lưỡng dụng (tức là sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự).

Báo cáo trên còn cho biết, Bắc Kinh coi việc kết hợp các cơ quan quân sự và dân sự là trọng tâm để phát triển năng lực quân sự AI. Họ đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) quân sự - dân sự cũng như mua sắm các công nghệ AI và robot được phát triển thương mại để phát triển công nghệ AI cho quân đội Trung Quốc.

Ông Tô Tử Vân chỉ ra rằng, về cái gọi là “quân sự - dân sự lưỡng dụng”, một mặt có thể giảm chi phí thông qua nhu cầu rộng lớn trong dân chúng; mặt khác, sau khi công nghệ dân sự được tăng cường phát triển, nó có thể đáp ứng cho nhu cầu của quân đội.

“Trước đây, ĐCSTQ dựa quá nhiều vào việc chuyển đổi dân dụng sang quân dụng, họ nhập khẩu công nghệ dân dụng từ thế giới phương Tây và dùng cho các mục đích quân sự của mình. Nhưng các nền dân chủ phương Tây đã bắt đầu phản kháng, các thị trường lớn của phương Tây đã và đang tách rời khỏi Trung Quốc, điều này sẽ khiến cho nền kinh tế tư nhân [của Trung Quốc] bị suy thoái".

Trung Quốc có thể sẽ đi theo vết xe đổ của Liên Xô

Trong vài năm qua, chính quyền Trung Quốc đã liên tục trấn áp các doanh nghiệp tư nhân - những doanh nghiệp tập trung phục vụ người tiêu dùng, còn các quỹ của chính quyền lại đổ về ngành công nghiệp quân sự và công nghệ cao cấp như chip bán dẫn, v.v.

Xu hướng này cho thấy, các mục tiêu chính sách kinh tế của ĐCSTQ dường như đã quay trở lại trước thời ông Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, mở cửa, tức là coi trọng công nghiệp quân sự hơn sinh kế của người dân. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp quân sự đều thuộc sở hữu nhà nước, hiệu quả sản xuất thấp, đổi mới công nghệ kém, tiền vốn phân tán nghiêm trọng, đầy rẫy tham nhũng.

Có rất nhiều nhà quan sát đã nhận thấy điều này. Nhà kinh tế Hứa Thành Cương (Xu Chenggang) nói với giới truyền thông rằng, trên thực tế, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp tư nhân, nhưng vấn đề lớn nhất của chính quyền này là họ đã trấn áp khối doanh nghiệp tư nhân trong những năm gần đây, điều này chắc chắn sẽ kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Ông Hứa chỉ ra: "Họ (ĐCSTQ) tấn công các doanh nghiệp tư nhân để chống đỡ cho các doanh nghiệp nhà nước. Họ kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ có thể dựa vào các doanh nghiệp nhà nước, nhưng điều này là không thể. Doanh nghiệp nhà nước phải đối mặt với một vấn đề vô cùng nghiêm trọng mang tính căn bản, đó là 'ràng buộc ngân sách mềm'. Tại sao Liên Xô và Đông Âu sụp đổ? Đó là vì khi cải cách, họ đã không cho phép các doanh nghiệp tư nhân phát triển ở trong nước, chỉ cải cách doanh nghiệp nhà nước, cuối cùng [cách làm này] đã khiến họ sụp đổ".

“Ràng buộc ngân sách mềm” là chỉ hiện tượng khi các doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ và lâm vào nợ nần thì sẽ luôn được giải cứu bằng cách nhận cứu trợ từ ngân sách nhà nước hoặc được ngân hàng quốc doanh cho vay. Các lãnh đạo của những doanh nghiệp này không có động lực để thay đổi công nghệ hay sáng tạo để đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng. Những doanh nghiệp này cũng không có ràng buộc gì trong việc vay mượn, chi tiêu, và thường chỉ trông chờ vào sự cứu vớt của nhà nước.

Ông Mikhail Gorbachev, Tổng thống cuối cùng của Liên Xô, trong một phiên họp bất thường của Xô-Viết Tối cao tại Moscow vào ngày 27/8/1991. Đến tháng 12/1991, Liên Xô chính thức bị giải thể. (VITALY ARMAND/AFP via Getty Images)

Ông Trần Chí Vũ (Chen Zhiwu), Giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, nói với giới truyền thông vào năm ngoái rằng, trong thời kỳ Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo, xu thế kinh tế ở Trung Quốc là đi từ đầu tư và sản xuất sang tiêu dùng, nhưng giờ đây nó đã bị đảo ngược, tiêu dùng thì suy giảm, nhiều nguồn lực và hỗ trợ chính sách lại được tập trung cho quốc phòng và công nghệ cao.

Theo ông Trần, "Trên thực tế, họ không phải hôm nay mới bắt đầu, họ đã dần dần đi theo hướng này trong 10 năm qua. Chỉ là trong 2 năm vừa rồi, sự điều chỉnh mang tính cơ cấu này đã được làm cho rất nổi bật”.

Ông Trần cho rằng, khi tình hình địa chính trị ngày càng xấu đi, rất có khả năng trong tương lai sẽ xảy ra xung đột vũ trang ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, tâm lý thù địch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới cũng sẽ ngày một sâu sắc hơn. Có rất ít công ty đa quốc gia sẵn sàng chấp nhận rủi ro như vậy, việc tách rời đang được tăng tốc và ngành xuất khẩu của Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức cơ bản.

Ông Trần chỉ ra: “Trong những năm 1980, 1990 và 2000, mọi người chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền, không cần quan tâm đến việc ai theo hệ tư tưởng nào, nhưng giờ đây mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi. Họ không chỉ nhìn vào giá cả mà còn nhìn xem bạn (người bán) là ai, tín ngưỡng của bạn là gì, đất nước của bạn theo chế độ gì? Những điều này đều sẽ có tác động đến tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tương lai".

Ông Trần nói: "Cơ cấu tăng trưởng kinh tế ban đầu của Liên Xô cũng giống như vậy. Những ngành công nghiệp liên quan đến quốc phòng và chiến tranh của Liên Xô luôn được coi trọng. Còn những ngành liên quan đến đời sống của người dân như sản xuất bánh mì, quần áo và công nghiệp nhẹ lại bị coi nhẹ”.

Ông Tô Tử Vân cho rằng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc là kết quả của những hành động ngang ngược của ĐCSTQ. Khi phương Tây rút lui, các doanh nghiệp tư nhân dần tách khỏi Trung Quốc, hoạt động thương mại trong khu vực tư nhân cũng sẽ bị thu hẹp.

Theo ông Tô, "Về mặt chính trị, ông Tập Cận Bình là một người mê tín vào tư duy Chiến tranh Lạnh, tức là muốn có tàu chiến và pháo mạnh thì cần phát triển công nghiệp quân sự, mà phát triển công nghiệp quân sự thì có thể thúc đẩy một phần nền kinh tế. Đây là logic của ông ấy".

“Khách quan mà nói, việc phát triển trang bị quân sự có thể mang lại lợi ích kinh tế, nhưng nếu quá mức thì sẽ giống như thời Liên Xô, dẫn đến sự sụp đổ của kinh tế tư nhân, chỉ còn lại ngành công nghiệp quân sự - một ngành công nghiệp nặng, vậy sau đó tất nhiên là quốc gia sẽ sụp đổ".

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tin độc quyền: Toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc đình trệ, riêng ngành công nghiệp quân sự vẫn phát triển