Ông Tập có ý định gì khi đề bạt 5 quan chức công nghiệp quân sự vào Bộ Chính trị?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc ông Tập bổ nhiệm ồ ạt các quan chức công nghiệp quân sự vào Bộ Chính trị có thể gây ảnh hưởng rất sâu rộng. Các nước phương Tây vốn đã lo ngại về sự bành trướng quân sự của Trung Quốc, nay lại càng lo ngại hơn về hành vi đánh cắp công nghệ quân sự nước ngoài của nhà nước này.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 hồi tháng 10/2022, 5 quan chức có xuất thân từ ngành công nghiệp quân sự đã được đề bạt vào Bộ Chính trị. Họ bao gồm:

  • Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây Lưu Quốc Trung (Zhang Guoqing);
  • Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh Trương Quốc Thanh (Zhang Guoqing);
  • Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang Viên Gia Quân (Yuan Jiajun);
  • Bí thư Khu ủy Khu tự trị Tân Cương Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui);
  • Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông Lý Cán Kiệt (Li Ganjie).

Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với tổng số 24 ủy viên. Điều đáng chú ý là, so với mặt bằng chung các nhà lãnh đạo cấp cao, 5 quan chức trên đều còn khá trẻ.

Độ tuổi trung bình của họ là 59,6 tuổi, thấp hơn 5 tuổi so với độ tuổi trung bình của tất cả các ủy viên Bộ Chính trị khác (64,5 tuổi). Điều này có nghĩa là họ đại diện cho một thế hệ mới trong ban lãnh đạo đảng.

Chuyên gia: Ông Tập muốn đẩy nhanh quá trình kết hợp quân sự - dân sự

Ông Greg Levesque, nhà đồng sáng lập công ty tư vấn công nghệ quân sự Strider của Hoa Kỳ, nói với Financial Times rằng, từ việc giám sát chính sách, tăng chi tiêu quân sự cho tới các bổ nhiệm mới nhất của ông Tập Cận Bình trong đảng và chính phủ, có thể thấy ĐCSTQ đang có một sự “thay đổi lớn”. Chế độ này đang cố gắng giải quyết vấn đề an ninh thông qua chiến lược “kết hợp quân sự - dân sự”.

Ông Levesque nói: “Những người này (các quan chức công nghiệp quân sự mới được bổ nhiệm) hiểu rõ về mối quan hệ công nghiệp quốc phòng giữa các trường đại học với các phòng thí nghiệm trọng điểm của nhà nước, cũng như giữa các doanh nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước với các công ty công nghệ mới nổi”.

Ông nói thêm, “Tôi cho rằng thế giới bên ngoài vẫn chưa nhận thức được điểm này”.

Ông Ngô Quốc Quang (Wu Guoguang), một nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Mỹ "Hiệp hội Châu Á" (Aisa Society), đã gọi 5 quan chức này là "Ngũ nhân bang" trong một báo cáo vào tháng Hai. Ông cho rằng, sự trỗi dậy chưa từng có của các nhà kỹ trị công nghiệp quân sự tại Đại hội 20 có liên quan đến sự biến đổi cấp tốc của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình.

Theo ông Ngô, “Hệ thống công nghiệp quân sự của Trung Quốc … phản ánh mô hình quản trị ưa thích của ông Tập Cận Bình”. Đó chính là “thuần phục, chỉ huy và kiểm soát các lực lượng thị trường để chúng phục vụ tốt nhất cho lợi ích của ĐCSTQ, để chế độ này tiếp tục độc chiếm công quyền".

Trung Quốc có 10 công ty công nghiệp quân sự. Chúng đều là một trong những công ty lớn nhất trên thị trường toàn cầu, đồng thời là tài sản quan trọng của ĐCSTQ.

Trong số 5 người được thăng chức, ông Mã Hưng Thụy từng là Tổng giám đốc của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC); ông Viên Gia Quân từng là Phó tổng giám đốc của CASC; còn ông Trương Quốc Thanh từng là Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Vũ khí Trung Quốc (Norinco).

Một ủy viên Bộ Chính trị khác, Bí thư tỉnh Thiểm Tây Lưu Quốc Trung cũng có xuất thân từ ngành công nghiệp quân sự. Sau khi tốt nghiệp khoa đạn pháo của Học viện Kỹ thuật Hoa Đông, ông từng làm việc trong nhà máy sản xuất bom trên không đầu tiên của Trung Quốc.

Ông Lý Cán Kiệt tốt nghiệp Viện Công nghệ Năng lượng Hạt nhân thuộc Đại học Thanh Hoa, với chuyên ngành kỹ thuật và an toàn lò phản ứng hạt nhân. Ông từng công tác tại Cục An toàn Hạt nhân Quốc gia và Cục Bảo vệ Môi trường.

Tờ Financial Times nói rằng, các nước phương Tây cảm thấy khá lo lắng trước động thái mở rộng năng lực quân sự của Bắc Kinh. Bởi vì quân đội ĐCSTQ có thể dễ dàng có được các nghiên cứu tiên tiến và công nghệ mới thông qua khu vực công hoặc tư nhân, trong khi chính quyền này thường không tuân theo quyền sở hữu trí tuệ. Phương Tây cũng lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ tăng tốc sở hữu các công nghệ quân sự thông qua hành vi đánh cắp.

Vốn đầu tư ngoại tăng tốc rời khỏi Trung Quốc
Các binh sĩ Tiểu đoàn Cảnh vệ Danh dự của Quân đội Giải phóng Nhân dân diễu hành bên ngoài Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, gần Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc, vào hôm 20/05/2020. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Nguồn tin: Ở Trung Quốc không thể có một SpaceX

Bài viết trên Financial Times cũng dẫn lời một nguồn tin trong ĐCSTQ (muốn giấu tên vì lý do an toàn) cho hay: “Đột ​​nhiên, các nhà nghiên cứu hàng không vũ trụ quân sự – những người biết rất ít về cách thức hoạt động của thị trường – lại phải học cách làm kinh doanh”.

Người này tiết lộ: “Hầu hết các đồng nghiệp của tôi vẫn giữ tâm thái của một doanh nghiệp nhà nước, đó là hoàn thành dự án bất chấp giá thành”.

Một nguồn tin khác thân cận với Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) cho biết, quân đội Trung Quốc cuối cùng đã cho thấy rằng họ "không tin tưởng vào doanh nghiệp tư nhân". Việc này đã thu hẹp phạm vi công nghệ mà khu vực tư nhân có thể cung cấp cho quân đội.

Nguồn tin thân cận với CASC cho hay: "Bạn không thể mong đợi một công ty tư nhân Trung Quốc nghĩ ra thứ gì đó giống như SpaceX". SpaceX là công ty tên lửa thương mại của tỷ phú Elon Musk, công ty này đang hợp tác với NASA.

Các nhà nghiên cứu Đài Loan Arthur Ding và Tristan Tang cũng khẳng định rằng, tuy gần đây quân đội Trung Quốc đã có những tiến bộ trong công nghệ, ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vẫn “hoạt động yếu kém”“phần lớn không đạt được cải cách”.

Bà Elsa Kania, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), cũng cho rằng mặc dù ông Tập Cận Bình đã nâng chính sách quân - dân sự của mình lên thành "chiến lược quốc gia" trong những năm gần đây, nhưng điều này không phải là một cột mốc thành công. Ngược lại, nó phản ánh những lo ngại của ban lãnh đạo ĐCSTQ về các rào cản trên phương diện giám sát, văn hóa và thể chế giữa quân đội và doanh nghiệp tư nhân.

Nhà quan sát: Các quan chức công nghiệp quân sự ít mang lại mối đe dọa

Ông Sử Tông Hãn (Shi Zonghan), Phó giáo sư ngành kinh tế chính trị Trung Quốc tại Đại học California, San Diego, lại cho rằng việc bổ nhiệm trên có thể không "thuần túy" nhằm thúc đẩy chính sách kết hợp quân sự - dân sự.

Ông nói, những nhà lãnh đạo trên thường có mạng lưới phe phái khá hẹp trong đảng, bởi vì họ dành phần lớn sự nghiệp của mình để làm việc trong một công ty hoặc ngành nghề nào đó hơn là thăng tiến qua các cấp bậc trong đảng.

Ông nói thêm, khi làm quan chức cấp tỉnh rồi làm Ủy viên Bộ Chính trị, những người này không có mối quan hệ sâu rộng, không giống như các quan chức được đề bạt trong đảng.

"Họ ít gây ra mối đe dọa hơn cho cơ sở quyền lực của ông Tập Cận Bình", ông nói.

Vào ngày 19/6/2023, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (thứ tư từ trái sang) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp nhau tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. (Leah Millis/POOL/AFP via Getty Images)

Hoa Kỳ ngày càng cảnh giác trước hành vi đánh cắp công nghệ của Bắc Kinh

Chính phủ Hoa Kỳ nhận thức rõ ý đồ đằng sau chính sách kết hợp quân sự - dân sự của ĐCSTQ. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một bản thông tin công khai, mục tiêu của chính sách này là cho phép Trung Quốc phát triển quân đội "tinh vi" nhất trên thế giới. ĐCSTQ không chỉ thực hiện chiến lược này thông qua nghiên cứu và phát triển trong nước, mà còn “bằng cách giành được và chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới – kể cả thông qua trộm cắp”.

Trong giới quốc phòng Hoa Kỳ có một sự bất mãn lớn. Đó là Bắc Kinh đang ngày càng không từ thủ đoạn để lợi dụng các công ty Trung Quốc, nhằm giúp họ mang công nghệ và tri thức chuyên môn của nước ngoài về cho quân đội Trung Quốc sử dụng.

Đến năm 2018, ĐCSTQ đã thành lập ít nhất 38 cơ sở thị phạm cho các dự án hợp nhất quân sự - dân sự. Công ty tư vấn Qianji trích dẫn số liệu từ Quân ủy Trung ương Trung Quốc cho thấy, trong năm 2017, nước này có chưa tới 3.800 cơ quan được cấp phép tiến hành nghiên cứu và phát triển quân sự hoặc sản xuất thiết bị quân sự; nhưng tới năm 2019 con số này đã tăng vọt lên hơn 22.400.

Với những tiến bộ về công nghệ, các công ty quốc phòng Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch tăng cường xuất khẩu vũ khí. Tập đoàn Cơ giới Số 1 Nội Mông Cổ là một trong những nhà sản xuất bệ chứa lớn nhất tại Trung Quốc. Một nguồn tin thân cận với tập đoàn này nói với Financial Times rằng, công ty đang khai phá các thị trường mới ở châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Hai học giả Đài Loan Arthur Ding và Tristan Tang đã chỉ ra trong một báo cáo gần đây của Quỹ Jamestown rằng, năng lực phát triển công nghệ quốc phòng của Trung Quốc sẽ đặt ra thách thức quân sự lớn hơn cho các nước láng giềng và Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người vừa có cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, tiết lộ hôm 19/6 rằng hai bên đã gặp nhau và thảo luận về việc Hoa Kỳ đưa một số công ty Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, cũng như việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chip cho Trung Quốc.

Ông Blinken đã nói rõ rằng, Hoa Kỳ làm như vậy là vì cân nhắc đến an ninh quốc gia của Mỹ, chứ không phải nhằm hạn chế toàn diện Trung Quốc.

Ông bày tỏ, những công nghệ được cung cấp cho Trung Quốc có thể được sử dụng để chống lại Hoa Kỳ, và điều đó không phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập có ý định gì khi đề bạt 5 quan chức công nghiệp quân sự vào Bộ Chính trị?