Trung Quốc: Vỡ đập ở Thanh Hải, CCTV phủ nhận thương vong, cư dân mạng nói lên sự thật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, tin tức về lũ lụt ở tỉnh Thanh Hải với thiệt hại nặng nề về người và tài sản đã lan truyền trên mạng xã hội. Truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận rằng lũ lụt đã xảy ra và đập hồ Đông Cách Thố Nạp (Donggetsona) bị vỡ, nhưng không thừa nhận có thương vong. Cư dân mạng tỏ ra rất bất bình với thông tin từ chính quyền.

Vào ngày 1/3, tin tức trên mạng cho biết "lũ lụt xảy ra ở tỉnh Thanh Hải" và "đập hồ Đông Cách Thố Nạp bị vỡ". Theo các tin tức lan truyền trên nền tảng X, lũ lụt ở tỉnh Thanh Hải đã đạt đến mức độ chưa từng có, khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng nghìn người mất tích. Chính quyền Trung Quốc bị tố là đã che giấu tin tức trong 10 ngày trước khi tin này bị phanh phui.

Video lan truyền trên mạng cho thấy nhiều đàn cừu chết đuối, có những người chăn cừu đang cưỡi ngựa để tiến hành việc cứu hộ trên sông nước. Một cư dân mạng được cho là nắm được thông tin về vụ việc này tiết lộ: "Gần đây băng tan rất dữ dội, ở làng tôi, nước ngầm trào lên từ ruộng, đường trơn trượt và đóng băng".

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cho biết, ngày 18/2, mực nước hồ Đông Cách Thố Nạp ở xã Mã Đa, huyện Quả Lạc, tỉnh Thanh Hải dâng cao, khiến tường dẫn hướng bên trái của cống bị phá hủy. Điều này làm tăng áp lực dòng chảy hạ lưu ở huyện Đô Lan, dẫn đến lũ lụt và gây ảnh hưởng đến 5 xã, thị trấn gồm: Câu Lý, Hương Ca, Hương Nhật Đức, Ba Long và Tông Ca.

CCTV khẳng định rằng thông tin "hàng chục người chết, hàng nghìn người mất tích" là không đúng sự thật. Lũ lụt chỉ gây ảnh hưởng đến 2 hộ gia đình với 8 người ở khu vực Tông Ca, huyện Đô Lan, và khiến 195 gia súc bị chết; một số công trình thủy lợi và 24,95 km đường giao thông nông thôn, đường chăn thả bị hư hại.

Nhiều người dùng mạng xã hội bày tỏ sự tức giận trước thông tin về lũ lụt ở tỉnh Thanh Hải được CCTV đưa ra. Họ đặt ra nhiều câu hỏi: ‘Tại sao CCTV không tập trung vào nguyên nhân vỡ đập?’; ‘Có phải vì không có người chết và mất tích nên việc vỡ đập không quan trọng?’; ‘Tại sao CCTV lại đưa tin muộn như vậy?’; ‘Có phải chính quyền cố tình che giấu thông tin?’. Nếu CCTV đưa tin sớm và chính xác, thì sẽ không có chuyện "tin đồn" xuất hiện.

Nhiều người cũng đặt câu hỏi về việc ưu tiên đưa tin: ‘Tại sao một sự việc nghiêm trọng như vậy đến giờ mới lên top tìm kiếm?’; Tại sao những tin tức về người nổi tiếng lại được lên top nhanh chóng?; 'Sự việc xảy ra từ ngày 18/2 nhưng đến giờ mới thông báo, là do bị dân mạng phanh phui? Cứ tiếp tục như vậy, lòng tin của người dân sẽ không còn nữa'.

Ngoài ra, cũng có một số người cho rằng: Truyền thông nhà nước thường "đứt mạng" khi có sự kiện quan trọng; hóa ra tin đồn trên mạng cũng có phần đúng; nếu không có dân mạng đăng tải, thì không ai biết chuyện gì xảy ra; có phải do đập được xây dựng ẩu nên mới vỡ trong mùa mưa?

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Vỡ đập ở Thanh Hải, CCTV phủ nhận thương vong, cư dân mạng nói lên sự thật