Bán chui 74,8 triệu cổ phiếu thu về 1.500 tỷ đồng: Cái giá của gian lận quá rẻ vì sao không làm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thứ 2 (10/01), Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC thu về gần 1.500 tỷ đồng, sàn giao dịch tê liệt. Đây không phải lần đầu FLC kiếm hàng trăm, ngàn tỷ đồng từ hành vi gian lận tài chính. Khi cái giá của gian lận quá rẻ và tiền lời quá lớn; thị trường chứng khoán (TTCK) là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ 'gian lận có thế lực'.

Nếu vụ việc đình đám - thậm chí hiếm thấy tại TTCK ở bất kỳ quốc gia nào - như thế này không được xử lý mạnh tay, Việt Nam đừng bao giờ nghĩ tới lên hạng TTCK như chiến lược đã vạch ra. Và mất mát còn nhiều hơn thế...

Diễn biến giá cổ phiếu họ FLC từ hôm thứ Hai (10/01)

Thứ 2 (10/01), Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC. Trong cả phiên, đã có gần 135 triệu cổ phiếu FLC được giao dịch. FLC trở thành mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch trong ngày lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường. Có thời điểm FLC đã tăng trần lên 24.100 đồng/cổ phiếu, nhưng kết phiên cổ phiếu này đã giảm 6,2% xuống 21.150 đồng.

Cổ phiếu họ FLC đồng loạt giảm sâu trong phiên thứ 3 (11/01). Sáng 11/01, cổ phiếu Tập đoàn FLC và các doanh nghiệp liên quan như CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS), CTCP Nông dược HAI (Mã: HAI), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD), CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Mã: KLF) đều giảm hết biên độ ngay từ sớm. Mã ART của CTCP Chứng khoán BOS cũng giảm 6,5%.

Kết phiên chiều 11/01, cổ phiếu FLC giảm 5,9% còn 19.900 VND/cổ phiếu. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 155 triệu đơn vị; trong đó có gần 95 triệu đơn vị khớp lệnh ở giá sàn 19.700 VND/cổ phiếu.

Khối lượng giao dịch của FLC ngày 11/01 vượt xa kỷ lục 135 triệu đơn vị thiết lập hôm thứ 2 (10/01). Như vậy, chỉ trong 2 ngày (10-11/1) có 290 triệu cổ phiếu FLC được các nhà đầu tư sang tay, tương đương 41% trong tổng số 710 triệu cổ phiếu FLC đang lưu hành. Tổng giá trị giao dịch trong 2 ngày ước tính đạt 6.200 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan tới Tập đoàn FLC không giữ được sắc đỏ cuối phiên 11/01 mà chuyển sang màu xanh lơ do đã giảm kịch sàn; gồm ROS của FLC Faros, ART của Chứng khoán BOS, HAI của Nông dược HAI, AMD của FLC Stone, KLF của Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS. Trong top 10 mã có khối giao dịch lớn nhất của HOSE phiên 11/01, có tới 3 thành viên của họ FLC là: Tập đoàn FLC, FLC Faros và FLC Stone. Các mã KLF, ART, HAI, AMD và ROS đều có tình trạng trắng bên mua.

VN-Index mất 11,4 điếm (0,76%) xuống 1.492,31 điểm. Phần lớn thị trường chìm trong sắc đỏ với tổng cộng 710 mã chứng khoán giảm giá.

Có thể thấy thông tin ông Quyết bán một lượng lớn cổ phiếu FLC mà không báo trước đã ảnh hưởng rất lớn đến TTCK.

Sơ suất đến từ bộ phận thư ký?

Nhiều nhà đầu tư là cổ đông của FLC đã cảm thấy sốc khi thanh khoản của phiên giao dịch 10/01 của cổ phiếu này lập kỷ lục khi khớp lệnh xấp xỉ 135 triệu cổ phiếu. Trước khi thực hiện giao dịch, ông Quyết nắm giữ 215 triệu cổ phiếu FLC - tương đương 30,34% cổ phiếu của doanh nghiệp này. Sau khi đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu từ 10/1 - 17/1, nếu thành công, ông Quyết sẽ chỉ còn nắm giữ 5,7% - tương ứng với 40,4 triệu cổ phiếu của FLC.

Chiều thứ 2, lúc 17h45, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Tp. HCM (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không thông báo trước.

Tối thứ 2, Tập đoàn FLC công bố bản đăng ký giao dịch bán 175 triệu cổ phiếu FLC của Chủ tịch Hội đồng quản trị Trịnh Văn Quyết trên website. Thời gian giao dịch từ 10/01 - 17/01/2021, tức là nhà đầu tư không hề được báo trước 3 ngày làm việc. Điều này cho thấy, ông Trịnh Văn Quyết đã bán ‘chui’ 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK.

Tuy nhiên, đến sáng thứ 3 (11/01), bản công bố thông tin nói trên đã bị gỡ khỏi website của Tập đoàn FLC.

Trong ngày 10/01, ông Quyết đã công bố một văn bản khác, đăng ký lại việc sẽ bán 175 triệu cổ phiếu từ ngày 14/01 - 11/02/2022. Văn bản này thay thế cho văn bản kể trên. Tuy nhiên, sau khi Ủy ban Chứng khoán thông tin về việc bán chui 74,8 triệu cổ phiếu của ông Quyết vào chiều 10/01, văn bản đăng ký lại (văn bản thứ 2) cũng đã bị xóa khỏi trang web của FLC.

Ngày 11/01, một văn bản được cho là bản giải trình của ông Quyết về giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC lan rộng trên mạng; trong đó nêu lý do của việc chậm trễ báo cáo giao dịch là ông Quyết đi công tác xa từ ngày 04/01 nên đã giao bộ phận thư ký gửi thông báo đăng ký với cơ quan chức năng về giao dịch bán cổ phiếu từ ngày 10/1 - 17/1. Do sơ suất trong quá trình xử lý công việc nên bộ phận thư ký đã quên không công bố thông tin đăng ký đúng quy định. Tuy nhiên, ​​trên website của FLC không đăng tải văn bản giải trình nào như vậy. Do đó, thông tin này đến nay chưa được xác thực.

Kiếm 1.500 tỷ đồng chỉ bị phạt 1,5 tỷ: Nên làm!

Chiều ngày 11/01, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã hủy bỏ toàn bộ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết trong ngày 10/01/2022.

Trước đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngay lập tức phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, để tránh tình trạng ông Quyết rút tiền bán chứng khoán. Việc bán chui này vi phạm pháp luật nên giao dịch không có hiệu lực. Số tiền chênh lệch nếu có thì phải tịch thu vào ngân sách nhà nước. Ông Quyết cần phải bị buộc mua lại số cổ phiếu đã bán. Hành vi của ông Quyết gây ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, cổ đông và tới cả TTCK Việt Nam.

Theo ông Hải, việc ông Quyết bán chui cổ phiếu khiến nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu FLC bị thiệt hại nặng nề. Niềm tin của nhà đầu tư với thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực.

Theo quy định tại Nghị định 128 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, ông Quyết nhiều khả năng bị xử phạt cao nhất 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch trong vòng 3-5 tháng.

Theo ông Phạm Tuyến, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán KIS Việt Nam chi nhánh Bà Triệu (Hà Nội), các mức chế tài xử phạt hành vi vi phạm giao dịch chứng khoán là chưa đủ mạnh. Điều này khiến hành vi giao dịch chứng khoán chui vẫn liên tục diễn ra. Ông Tuyến cũng nhấn mạnh mức phạt hành chính với hành vi này là quá bé so với lợi ích mà người vi phạm thu được.

Đây không phải lần đầu tiên Chủ tịch của FLC thực hiện hành vi bán chui. Vào tháng 11/2017, ông Quyết đã bán chui 57 triệu cổ phiếu FLC. VAFI đã gửi văn bản đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị xử phạt nghiêm minh và tạm khóa tài khoản chứng khoán của ông Quyết. Tuy nhiên, đề xuất đã không được hồi âm và ông Quyết chỉ bị phạt 65 triệu đồng. Cũng theo ông Hải, ông Quyết không thể một mình thực hiện bán chui. Nếu ông Quyết có "quên" báo cáo lên HOSE và Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước thì công ty chứng khoán thực hiện những giao dịch liên quan phải nắm được và làm điều đó.

Tính minh bạch và liêm chính của thị trường vỡ tan sau bao năm sứt mẻ

Ông Phạm Tuyến đánh giá, hành động bán chui của ông chủ một tập đoàn lớn như FLC đã gây ảnh hưởng mạnh đến tính minh bạch của TTCK Việt Nam.

Việc lẩn tránh công bố thông tin và thực hiện giao dịch một lượng quá lớn cổ phiếu đã khiến thị trường méo mó và làm các nhà đầu tư không kịp trở tay. Thông thường, sau khi cổ đông lớn công bố thông tin đăng ký bán một lượng lớn cổ phiếu, giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh về một vùng giá mới trong một khoảng thời gian. Nhờ đó, các nhà đầu tư có thể cân nhắc để ra quyết định đầu tư phù hợp.

Sự việc của FLC gợi nhớ tới vụ bê bối của Công ty ENRON trên TTCK Mỹ năm 2001. Các nhà đầu tư đã bị mất trắng và đệ đơn kiện sau khi giá cổ phiếu của công ty này rơi từ mức 90,76 USD/cổ phiếu (giữa năm 2000) xuống chỉ còn 1 USD (cuối tháng 11/2001).

Ông Tuyến cho rằng, những hành vi như của ông Quyết có thể dẫn đến tiền lệ xấu trên thị trường; gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang niêm yết khác, và làm giảm sút uy tín của TTCK Việt Nam.

Lịch sử bán chui: Cái giá của gian lận tài chính thường xuyên trên TTCK Việt rẻ đến mức nào?

Năm 2017, ông Quyết bị xử phạt 65 triệu đồng do bán chui 57 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian 20-24/10/2017, chiếm 8,94% vốn điều lệ FLC. Con số xử phạt không đáng là bao so với số tiền hơn 400 tỷ đồng chảy vào túi ông Quyết từ giao dịch trên. Điều đáng nói là, tại Đại hội cổ đông bất thường 2017 (diễn ra vào ngày 23/10), ông Quyết còn tuyên bố trước các nhà đầu tư là sẽ mua tối đa 50 triệu cổ phiếu FLC từ lúc ấy cho tới cuối năm. Ngay sau đó, như để chứng minh cho lời nói của mình, ông Quyết đã đăng ký mua 37 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 20/11-19/12/2017.

Cùng thời điểm 20-24/10/2017, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (Mã ROS) đã bán 13,65 triệu cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group mà không công bố thông tin. Lượng cổ phần này chiếm đến 21,06% vốn của AMD, một con số rất lớn. Sau khi thoái vốn tại AMD thì tới ngày 30/10, ROS mới công bố việc bán cổ phiếu AMD. Động thái này đã khiến nhiều cổ đông nháo nhào và nghi ngờ có sự lầm lẫn khi ROS bất ngờ thoái vốn tại AMD mà không hề có thông tin trước đó.

Chưa hết, năm 2015, FLC đã thực hiện bán chui 5,7 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF - công ty có liên quan tới FLC - khi cổ phiếu KLF lao dốc từ mức đỉnh 15.000 VND/cổ phiếu xuống còn 4.000 VND/cổ phiếu sau 10 tháng. Sau vụ việc, FLC thu về khoảng 60 tỷ đồng.

Từ 28/01 - 09/02/2015, công ty KLF đã bán hơn 8,5 triệu cổ phiếu, chiếm 24,5% vốn tại HAI (Công ty Cổ phần Nông dược HAI) mà không hề công bố thông tin. KLF bị xử phạt 85 triệu đồng.

Ông Lê Thành Vinh - thành viên Hội đồng quản trị HAI, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị FLC, cũng từng có hành vi tương tự. Ông Vinh đã bán hơn 3,93 triệu cổ phiếu HAI, chiếm tỷ lệ gần 11,3% từ 12/1 - 14/02/2015, và 6,86 triệu cổ phiếu HAI, chiếm tỷ lệ 22,59% từ ngày 15/1 - 22/02/2015. Chỉ riêng KLF và ông Vinh thời điểm đó đã nắm đến hơn 49% vốn của HAI. KLF và ông Vinh đã lén bán thoát hàng ở ngưỡng quanh 12.000 - 13.000 VND/cổ phiếu trước khi HAI trên đà lao dốc về dưới mệnh giá.

‘Bơm thổi’ và bán chui chính xác là hành vi gian lận tài chính

Vụ việc ông Quyết bán chui cổ phiếu FLC ngày 10/01/2022 xảy ra không lâu sau khi cổ phiếu FLC và các cổ phiếu liên quan đồng loạt tăng giá. Kể từ phiên đầu năm 2022, cổ phiếu FLC đã trải qua 3 phiên tăng giá liên tiếp với 1 phiên tăng trần. Cổ phiếu FLC sau 3 phiên đã tăng thêm 17,22%; và tăng 380,63% so với cùng thời điểm năm 2020. Các cổ phiếu liên quan cũng đồng loạt tăng theo. Trong khi đó, cổ phiếu ROS trải qua 4 phiên tăng giá liên tiếp, với 1 phiên tăng trần vào ngày 05/01/2022. Đây cũng là phiên các mã nhà FLC đồng loạt tăng trần. Các cổ phiếu KLF, HAI và ART cũng có 3 phiên tăng giá liên tiếp, đều đạt mức cao.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của ROS, ông Quyết từng tuyên bố sẽ không bán cổ phần trong năm 2019 và các năm sau. Tuy nhiên ngay sau đó, các cổ đông đã bị sốc khi ông Quyết từ chức Chủ tịch hội đồng quản trị FLC FAROS (mã ROS) và bán tháo hơn 250 triệu cổ phiếu. Từ tháng 2 - 4/2020, khi các nhà cổ đông ồ ạt mua cổ phiếu ROS, ông Quyết đã thoát hết vốn rồi lẳng lặng rút khỏi ROS.

ROS cũng là cổ phiếu đã giúp ông Quyết được thăng hạng lên tỷ phú USD. Tuy vậy, ROS tăng giá thần tốc và cũng xuống dốc không phanh. ROS được đánh giá là có tốc độ tăng vốn phi mã, chất lượng tài sản rất thấp, bộc lộ nhiều dấu hiệu góp vốn không trung thực. Điều này thể hiện rõ ở báo cáo lưu chuyển tiền tệ khi FLC FAROS chủ yếu dùng dòng tiền hoạt động tài chính để tài trợ cho dòng tiền hoạt động kinh doanh. Từ khi ROS lên sàn, dòng tiền của doanh nghiệp này chỉ quanh quẩn trong nội bộ tập đoàn FLC. Tài sản thật của ROS gần như không có gì. Tuy vậy, giá cổ phiếu ROS thường ở mức rất cao. Có thời điểm, P/E của ROS lên tới hơn 100, vượt quá cao và gấp nhiều lần so với các công ty cùng ngành có uy tín và hoạt động hiệu quả hơn. ROS, cũng như cổ phiếu FLC, phải chăng có cùng công thức bơm thổi?

Chủ tịch FLC được mệnh danh là chuyên gia bơm thổi cổ phiếu trên TTCK Việt trong nhiều năm nay. Nhưng cách xử lý nhẹ tay và việc né tránh gọi đúng tên các hành vi này là 'gian lận tài chính' của các quan chức giám sát tài chính của Việt Nam là khá khó hiểu. Nó khiến cho lời đồn thổi rằng ông Quyết có thế lực chính trị lớn mạnh đằng sau và rằng ông ta chỉ là 'người được chọn'... trở nên dễ dàng được chấp nhận hơn.

Cách nhận diện gian lận tài chính và xử lý gian lận theo kiểu lờ đi tính minh bạch, liêm chính và lợi ích của nhà đầu tư nhỏ như vậy có thể xoá tan mọi thành quả của TTCK Việt vốn còn non trẻ. Chiến lược nâng hạng TTCK có lẽ sẽ tiếp tục nằm trong các Đề án nghiên cứu khi mà thị trường này dễ dàng bị thao túng, tổn thương và đánh quỵ bởi lòng tham và sự coi thường pháp luật.

Bán chui cổ phiếu là gì?

Bán "chui" cổ phiếu là một cụm từ được các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam sử dụng khi nói đến hiện tượng cổ đông sáng lập và người có liên quan mua, bán cổ phiếu mà không đăng ký giao dịch trước tối thiểu 03 ngày làm việc theo quy định của Thông tư 96/2020/TT-BTC.

Cụ thể, khoản 1 Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định người nội bộ trong công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng phải công bố thông tin như sau:

  • Người nội bộ phải công bố thông tin, báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán (đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, chứng chỉ quỹ đại chúng niêm yết) trước và sau khi thực hiện giao dịch.
  • Trong đó, giá trị giao dịch dự kiến trong ngày từ 50 triệu đồng trở lên hoặc giá trị giao dịch dự kiến trong từng tháng có mệnh giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc giá trị chuyển nhượng nếu là quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi... kể cả không thực hiện chuyển nhượng thông qua hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán.
  • Thời gian công bố thông tin là trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch ít nhất 03 ngày làm việc, người nội bộ có nghĩa vụ công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch theo mẫu ban hành kèm Thông tư số 96/2020/TT-BTC.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất giao dịch hoặc kết thúc thời hạn dự kiến giao dịch, người nội bộ phải công bố thông tin về kết quả giao dịch và giải trình nguyên nhân không thực hiện/không thực hiện hết khối lượng giao dịch đã đăng ký (nếu có).

Ngoài ra, theo Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019, khi cổ đông công ty đại chúng muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng thì phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Như vậy, có thể hiểu, nếu cổ đông công ty hoặc người nội bộ bán cổ phiếu nhưng không thông báo và công bố thông tin, đăng ký giao dịch với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì sẽ bị coi là bán chui cổ phiếu.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Bán chui 74,8 triệu cổ phiếu thu về 1.500 tỷ đồng: Cái giá của gian lận quá rẻ vì sao không làm?