Bank of America cân nhắc kịch bản cực đoan: 'Không cắt giảm lãi suất năm 2024'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một triển vọng kinh tế cực đoan, kịch bản xấu nhất, được chuyên gia tài chính của Bank of America đưa ra là năm 2024 không có ngân hàng trung ương (NHTW) lớn nào cắt giảm lãi suất do lạm phát. Nếu kịch bản này xảy ra, sóng thần trên thị trường tài chính sẽ xuất hiện và lan rộng khắp toàn cầu.

Theo nguồn tin đăng tải bởi Market Watch, một ngân hàng quốc tế lớn ở Phố Wall (một trong 4 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ) đang cân nhắc kịch bản cực đoan nhất với giả thiết rằng không có NHTW nào trong Nhóm G-10 cắt giảm lãi suất năm 2024 do lạm phát tăng trở lại.

Trong một báo cáo công bố hôm qua (16/1/2024), chuyên gia tài chính Athanasios Vamvakidis, chiến lược gia ngoại hối của Bank of America, cho biết cần xem xét phân tích và khả năng xảy ra kịch bản kinh tế cực đoan nhất, xấu nhất, đó là các NHTW lớn liên tục trì hoãn giảm lãi suất chính sách do lạm phát và các cú sốc địa chính trị khiến giá cả không thể giảm như kỳ vọng.

Cho tới giờ phút này, kịch bản các NHTW lớn không đảo chiều chính sách lãi suất 2024 được cho là hoàn toàn không khả thi. Thị trường đang kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất chính sách 6 lần, lần lượt vào tháng 3 và tháng 4/2023. Ngân hàng trung ương Anh được kỳ vọng cắt giảm lãi suất 5 lần, Ngân hàng Dự trữ Úc sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần.

Tuy nhiên, đi ngược lại với kỳ vọng của thị trường, Bank of America dự báo rằng các NHTW sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn so với kỳ vọng thị trường do lạm phát dai dẳng, nền kinh tế kiên cường và thị trường lao động “căng thẳng”. Trong đó, một kịch bản cực đoan nhất, xảy ra dưới tác động của các cú sốc địa kinh tế - chính trị, thậm chí có thể khiến các NHTW chưa thể giảm lãi suất trong năm 2024.

Vấn đề ở chỗ, nhận định có phần tiêu cực của Bank of America lại không hề đơn độc. Các thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu Robert Holzmann và François Villeroy de Galhau đã cố gắng hạ nhiệt hy vọng cắt giảm lãi suất của thị trường vào thứ Hai (15/01/2024) và thứ Ba (16/01/2024). Thống đốc Fed Christopher Waller cũng đưa ra quan điểm trên truyền thông rằng không cần phải “vội vàng” cắt giảm lãi suất. Nhận xét của các quan chức làm chính sách này đã giúp thúc đẩy làn sóng bán tháo trên thị trường trái phiếu Hoa Kỳ, đẩy lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng 11,5 điểm cơ bản lên 4,064%.

Ông Vamvakidis cho biết: “Cuộc thảo luận quan trọng nhất trên thị trường khi năm 2024 bắt đầu không phải là liệu có hay không mà là khi nào các NHTW Nhóm G-10 sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chính sách và tốc độ cắt giảm ở mức độ nào". Ông nói rằng, từ góc nhìn của Bank of America, kịch bản không NHTW nào trong G-10 cắt giảm lãi suất nghe có vẻ phi thực tế, không nhận được sự đồng thuận từ số đông, thì vẫn có xác suất xảy ra. Ông cũng cho biết Bank of America đang xem xét việc đo lường tác động với thị trường tài chính nếu kịch bản này xảy ra.

Lý do đưa ra là xung đột vũ trang ở Trung Đông đang có xu hướng lan rộng trong khi cuộc chiến Nga - Ukraine chưa tới hồi kết thúc. Các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen đã khiến công ty dầu mỏ Shell PLC SHEL của Anh tạm ngừng vận chuyển các chuyến hàng qua Biển Đỏ. Ngoài ra, Bank of America đưa ra lý do rằng tăng trưởng tiền lương của Hoa Kỳ bất ngờ tăng mạnh tới 0,4% trong tháng 12 (so với tháng 11/2023) và tăng ở mức 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tiền lương của Hoa Kỳ bất ngờ tăng được mô tả là như “một viên than hồng còn sót lại có thể khơi dậy lạm phát", theo Brent Schutte, giám đốc đầu tư của Northwestern Mutual Wealth Management Co..

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Bank of America cân nhắc kịch bản cực đoan: 'Không cắt giảm lãi suất năm 2024'