Bình luận: Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đứng về phía Hamas, sự chia rẽ Đông - Tây ngày càng sâu sắc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thổ Nhĩ Kỳ là cầu nối châu Âu với châu Á, là thành viên lâu đời của NATO, và trong nhiều thập kỷ đã vận động, nhưng không thành công, Liên minh châu Âu (EU) để được trở thành thành viên EU đầy đủ. EU chưa bao giờ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên đầy đủ. Vả lại, với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Hamas trong cuộc chiến chống Israel, Ankara đang đốt cháy những sợi dây kết nối họ với phương Tây.

Bài bình luận

Nói cách khác, cuộc chiến man rợ, lấy cảm hứng từ Hồi giáo cấp tiến của Hamas chống lại Israel và người Do Thái rõ ràng cũng là cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó tạo ra một số hệ lụy nghiêm trọng vượt xa cuộc chiến Israel - Hamas ở cấp độ toàn cầu và khu vực.

Ở cấp độ vĩ mô, Thổ Nhĩ Kỳ dường như bị ràng buộc bởi cơ chế an ninh tập thể của NATO, nhưng mối quan hệ của Ankara với Moscow lại là cùng có lợi và ngày càng phát triển.

Mối quan hệ với NATO và EU

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan dường như đã hết kiên nhẫn với EU. Mới đây, ông nói Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng “chia tay” EU sau khi Nghị viện EU thông báo rằng “quá trình gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp tục trong hoàn cảnh hiện tại”.

Là thành viên đầy đủ của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ luôn phải cân bằng giữa mối quan hệ chặt chẽ với Nga và mối quan hệ với các thành viên NATO, tất cả đều là người châu Âu, đồng thời ủng hộ Ukraine - ở mức độ này hay mức độ khác - trong cuộc chiến với Nga. Ankara coi tư cách thành viên NATO của mình là lý do hợp lý để trở thành thành viên EU. Tuy nhiên, các quan chức EU không đồng ý với điều đó; họ cho rằng các tiêu chí thành viên và quy trình của EU khá khác biệt và tách biệt với của NATO.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng sa vào chủ nghĩa độc tài cũng là lá cờ đỏ (dấu hiệu cảnh báo) đối với các nhà lãnh đạo EU. Năm 2022, báo cáo mở rộng của EU nói rõ rằng "những lo ngại nghiêm trọng về sự sút kém không ngừng của nền dân chủ, pháp quyền, các quyền cơ bản và tính độc lập của cơ quan tư pháp" ở Thổ Nhĩ Kỳ là lý do khiến nước này không được gia nhập Liên minh.

Ankara đang thận trọng điều tiết mối quan hệ của họ với NATO & châu Âu và mối quan hệ ngày càng thắt chặt với Nga. Một mặt, ông Erdogan nhận thấy sự cần thiết về mặt kinh tế của việc duy trì mối quan hệ lâu dài với châu Âu cũng như những lợi thế quân sự khi tham gia NATO.

Ví dụ, để đổi lấy 40 máy bay chiến đấu F-16 mới và các nâng cấp quân sự khác, Ankara đã ngừng phản đối việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO. Ông Erdogan cũng từng ủng hộ nỗ lực trở thành thành viên NATO của Ukraine, điều này khiến Nga tức giận. Nhưng sự ủng hộ đó không còn cần thiết, vì NATO đang hỗ trợ Ukraine về cả tài chính lẫn quân sự như thể nước này đã là thành viên ngay từ đầu cuộc chiến.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt liên quan đến các hoạt động bán ngũ cốc và năng lượng, trực tiếp đi ngược lại lợi ích của NATO, Hoa Kỳ và EU.

Leo thang chống Israel

Trước khi xảy ra cuộc tấn công của Hamas và các màn đáp trả liên tục của Israel ở Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel từng cùng nhau nối lại mối quan hệ dựa trên nỗ lực khoan dầu chung ở phía đông Địa Trung Hải và các cam kết kinh tế khác. Sau khi quân đội Israel tấn công Gaza, ông Erdogan đã gọi hành động của Israel là một “cuộc thảm sát” hơn là một phản ứng chính đáng đối với cuộc tấn công tàn bạo do Hamas gây ra nhằm vào thường dân vô tội.

Nhận xét này của ông Erdogan đã làm suy yếu những nỗ lực trước đó nhằm cải thiện mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel. Thực tế là cuộc điện đàm đầu tiên của ông Erdogan là tới giới lãnh đạo của Iran chứ không phải của Israel, bàn về cuộc tấn công [của Hamas] và cách ngăn chặn phản ứng của Israel.

Rạn nứt ngày càng lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây

Nó cũng làm gia tăng rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây, đặc biệt khi Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần trong quá khứ giúp Iran lách các lệnh trừng phạt của Mỹ. Quan trọng hơn, ông Erdogan đã công khai gắn kết Thổ Nhĩ Kỳ với các mục đích và hoạt động thánh chiến của Hồi giáo cực đoan. Vào ngày 13/10, ông Edip Gumus - nhà lãnh đạo tôn giáo tối cao của Hizbullah (còn gọi là Hezbollah) Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời là đồng minh của chính phủ Hồi giáo vốn có mối liên hệ sâu sắc với Iran của ông Erdogan - đã công khai kêu gọi “thánh chiến toàn cầu” chống lại Israel.

Hơn nữa, SADAT - nhà thầu quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức ủng hộ mạnh mẽ ông Erdogan - đã đưa ra một tuyên bố công khai, trong đó ủng hộ việc thành lập một quân đội Hồi giáo mà thành viên đến từ tất cả các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông, để phối hợp hoạt động và chấm dứt sự chiếm đóng của Israel. SADAT gọi Israel là “quốc gia khủng bố” và Hamas là “chính phủ của Gaza”.

Đồng minh trên danh nghĩa

Những tuyên bố như vậy khiến rất khó để xem một liên minh quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được duy trì hoặc biện minh như thế nào, ít nhất là từ góc độ phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ có tình báo NATO, khí tài quân sự NATO và lực lượng quân sự trong NATO mà chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các lợi ích địa chính trị của nước này lại trái ngược với phương Tây và có mối liên kết với các giáo sĩ Hồi giáo và các nhà độc tài ở phương Đông, từ Moscow đến Tehran.

Thật công bằng khi kết luận rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh, nếu không phải là nước dẫn đầu, của Hồi giáo cực đoan trên thế giới.

Làm thế nào mà Ankara vừa là thành viên NATO, lại vừa là nhà lãnh đạo của Hồi giáo cực đoan đang tích cực kêu gọi và ủng hộ tiêu diệt Israel - một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trên thế giới?

Nhìn từ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, họ đang tận dụng tối đa lợi thế của cả hai bên mà không chịu bất kỳ hậu quả tiêu cực nào.

Phương Tây, NATO và Israel được hưởng lợi như thế nào từ việc Thổ Nhĩ Kỳ ngả mình tinh quái về phía thánh chiến?

Họ biết được rằng ai ở bên họ... và ai không.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Tác giả James R. Gorrie sống tại Nam California. Ông là tác giả của cuốn sách The China Crisis (Cuộc khủng hoảng Trung Quốc) và nhiều bài đăng trên blog: TheBananaRepublican.com.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đứng về phía Hamas, sự chia rẽ Đông - Tây ngày càng sâu sắc