Nhà chiến lược địa chính trị bàn về tác động của chiến tranh Israel – Hamas lên Iran, Nga và Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi cuộc giao tranh đang diễn ra giữa Israel và Hamas là một phần của cuộc xung đột lâu dài giữa người Israel và người Palestine, nhà chiến lược địa chính trị Thomas F. Lynch III tin rằng diễn biến mới nhất này đã xảy ra vào thời điểm đặc biệt đối với lợi ích của Iran, Nga và Trung Quốc và có thể tác động mạnh đến tham vọng Trung Đông của họ.

Ông Lynch đã phục vụ 28 năm trong quân đội Hoa Kỳ, đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau như là sĩ quan thiết giáp, nhà phân tích quân sự - chính trị cho Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ. Ông hiện là nghiên cứu viên ưu tú tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng Quốc gia (NDU) ở Washington.

Nói chuyện với chương trình “Capitol Report” của NTD News vào thứ 5 (19/10), ông Lynch tin rằng vấn đề then chốt phân biệt cuộc giao tranh đang diễn ra giữa Israel và Hamas với các cuộc xung đột trong quá khứ là việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia khác trong khu vực thông qua Hiệp định Abraham thời gian gần đây.

Theo ông, nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia Trung Đông khác mâu thuẫn trực tiếp với mục tiêu chính của Iran. Tehran muốn làm suy yếu tính hợp pháp của nhà nước Israel, đồng thời muốn khẳng định tầm ảnh hưởng của Iran với tư cách là cường quốc trong khu vực.

Ông Lynch nói: “Điều được đánh giá cao trong hiệp định Abraham là việc đưa người Ảrập Xêút vào mối quan hệ được bình thường hóa hơn với người Israel. Và chúng ta biết điều này nhờ cách mà Iran nói về nó”. "Đây là điều rất đen tối đối với Iran, bởi vì nếu Ảrập Xêút và Israel có thể đạt được một sự dàn xếp về an ninh, thì họ sẽ sát cánh cùng nhau, không còn rời rạc trong việc chống lại Iran và ảnh hưởng của Iran".

Ông Lynch nhấn mạnh rằng phân tích của ông không nhất thiết thể hiện quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hay NDU.

Theo ông Lynch, Iran đang tìm cách gây bất ổn cho các đối thủ ở Trung Đông của họ bằng cách kích động xung đột thông qua nhiều nhóm ủy nhiệm khác nhau, như Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon, phiến quân Houthi (còn gọi là Ansarallah) ở Yemen, và nhiều nhóm Hồi giáo dòng Sunni khác ở Iraq và Syria. Hoa Kỳ đã liệt Hamas và Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những ngày cuối cùng tại vị cũng đã chỉ định Houthi là tổ chức khủng bố nước ngoài, nhưng Tổng thống Joe Biden đã đảo ngược việc chỉ định này.

Trong khi chính phủ Mỹ và Israel vẫn chưa tìm ra bằng chứng cụ thể cho thấy Iran đã ra lệnh hoặc hỗ trợ cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 - thứ kích động đợt giao tranh mới này, ông Lynch cho rằng Iran có thể đã tìm cách sử dụng lực lượng ủy nhiệm của họ để làm tổn hại danh tiếng của Israel trong mắt các đối tác tiềm năng trong Hiệp định Abraham.

"Iran có thể đã nhìn thấy dấu hiệu rõ ràng, và rồi họ cố gắng đảm bảo rằng một trong những tổ chức khủng bố của họ - Hamas - sẽ tạo ra thứ gì đó lớn và ngoạn mục, kiểu như ‘thọc gậy bánh xe’ hiệp định Abraham và ngăn chặn Israel dàn hòa với một số kẻ thù của Israel, ngăn chặn việc những kẻ thù cũ của Israel liên minh chặt chẽ hơn để chống lại Iran", ông Lynch giải thích.

Nga muốn gây ảnh hưởng tới tất cả các bên

Nếu nhìn nhận rằng cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas là một cuộc xung đột ủy nhiệm với Iran, ông Lynch cho biết các mục tiêu chính sách về Trung Đông của Nga và Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh này.

Theo ông Lynch, lợi ích của Nga trong khu vực "có phần lộn xộn" bởi nước này đang tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Iran và Israel.

Nga và Iran đã hoạt động tích cực ở Syria trong những năm gần đây và đã hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad trong cuộc Nội chiến Syria đang diễn ra. Quân đội Mỹ nghi ngờ Iran cũng đang cung cấp máy bay không người lái và nhân viên quân sự để hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine.

"Người Nga cũng muốn có mối quan hệ ngoại giao với các tổ chức khủng bố này; họ cảm thấy họ có thể làm trung gian hòa giải, tỏ ra ôn hòa, đồng thời để mắt đến những gì họ thực sự muốn trong khu vực, từ đó làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ. Vì vậy, họ liên kết với người Iran và gián tiếp liên kết với người Trung Quốc - những bên mà cũng muốn thấy ảnh hưởng của Mỹ giảm đi trên toàn thế giới".

Ông Lynch tiết lộ rằng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cố gắng đưa Nga làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Israel - Hamas, "nhưng không ai coi trọng điều đó, bởi vì, bạn biết đấy, Nga có vấn đề Ukraine của riêng họ". Theo ông Lynch, bằng cách thể hiện mình là một lực lượng hòa giải, Nga có thể muốn rằng cuộc khủng hoảng [Israel - Hamas] sẽ tiếp tục diễn ra, từ đó đánh lạc hướng Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác khỏi việc hỗ trợ Ukraine.

“Nga phần nào hy vọng được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng này”, ông Lynch nói. “Vì vậy, mặc dù họ đề nghị hòa giải để cứu người, nhưng chúng ta cũng thấy hành động của họ ở hậu trường có phần hy vọng rằng Mỹ và phương Tây sẽ chuyển hướng vũ khí và đạn dược để giúp đỡ hoặc hỗ trợ Israel, và điều đó sẽ làm suy giảm hoặc tạo ra sự suy giảm trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine".

Tổng thống Joe Biden từng khẳng định Hoa Kỳ có thể duy trì sự hỗ trợ cho cả Ukraine và Israel. Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã bày tỏ sự phản đối đối với viện trợ của Washington dành cho Kyiv; và vấn đề này có thể gây chia rẽ khi đa số Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang tìm cách bổ nhiệm một chủ tịch Hạ viện mới và thông qua ngân sách cho chính phủ Hoa Kỳ đến năm 2024. Mỹ hiện có mức nợ công 33,6 nghìn tỷ USD.

Mục tiêu kinh tế của Trung Quốc ở Trung Đông

Theo phân tích của ông Lynch, ở Trung Đông, Trung Quốc đóng vai trò nhỏ hơn so với Nga. Ông tin rằng Trung Quốc đã tìm cách để có được nhiều lợi ích kinh tế trong khu vực, nhưng những nỗ lực đó phần lớn bị đình trệ, ngay cả trước cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10.

“Trên thực tế, cảng Haifa [cảng biển quốc tế lớn nhất Israel] là một chốt quan trọng trong những gì Trung Quốc đã cố gắng thiết lập trong thập kỷ qua, như một tuyến đường thương mại và trung chuyển quan trọng cho hàng hóa Trung Quốc, cũng như cho ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông và sau đó là Đông Âu”, ông Lynch nói. “Mối quan hệ đó, từng được tiến hành mạnh mẽ giữa Israel và Trung Quốc trên mặt trận kinh tế, đã bị đình trệ và rạn nứt đôi chút trong vài năm qua, phần lớn là do người Trung Quốc bị toàn thế giới nhìn nhận là hay áp bức trong một số việc. Họ bị thế giới coi là độc đoán. Và thành thật mà nói, họ đã từ bỏ thị trường khi họ thực thi chính sách zero-COVID”.

“Người Israel đã được cảnh báo về thực tế rằng, rất nhiều điều Trung Quốc làm, đặc biệt là trong công nghệ thông tin và những thứ tương tự, có thể là mối đe dọa đối với mối quan hệ an ninh vốn rất vững chắc giữa Mỹ và Israel”.

Mỹ có thể ngăn chặn xung đột lan rộng, cô lập Iran bằng hiệp định Abraham

Theo ông Lynch, mục tiêu ngắn hạn của Hoa Kỳ nên là ngăn chặn cuộc chiến Israel - Hamas mở rộng thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.

Chính quyền Biden đã ra lệnh cho hai nhóm tấn công tàu sân bay và một số phi đội máy bay chiến đấu của Lực lượng Không quân triển khai tới khu vực. Tòa Bạch Ốc cũng điều Đơn vị Viễn chinh Thủy quân Lục chiến số 26 tới khu vực và có thể sẽ bổ sung thêm 2.000 binh sĩ.

Ông Lynch nói: “Tôi nghĩ các nhà hoạch định chính sách của chúng ta [Mỹ] đã làm điều đúng đắn khi họ chính thức công bố và đang điều động cả một tàu sân bay Mỹ ra biển ngay ngoài khơi Lebanon, đồng thời thông báo rằng họ sẽ điều Thủy quân Lục chiến để đề phòng các tình huống”. "Và một phần của điều này không phải là để nói rằng Israel không thể quản lý một cuộc chiến hai mặt trận. Mà là để Mỹ nói rằng, 'này Iran, các vị cần phải kiềm chế, không để Hezbollah cố gắng khai thác điều này, cũng không để lực lượng ủy nhiệm của các vị ở Syria khai thác điều này, bởi vì nếu các vị làm vậy, chúng tôi sẵn sàng chịu tổn thất để hỗ trợ Israel chống lại các lực lượng ủy nhiệm của các vị'".

Ngoài việc ngăn cản các chủ thể khác trong khu vực nhảy vào cuộc xung đột đang diễn ra, ông Lynch cho biết mục tiêu trung và dài hạn của Hoa Kỳ nên là thúc đẩy Hiệp định Abraham. Ông tin rằng mối quan hệ tích cực giữa Israel và Ảrập Xêút sẽ tạo ra cơ hội cải thiện quan hệ giữa Israel và các quốc gia khác trong khu vực.

Ông nói: “Điều sau đó sẽ là quá trình hình thành một Trung Đông mới, nơi không phải là người Iran chống lại người Israel vào ngày này, người Iran chống lại người Ảrập Xêút vào ngày khác, và người Iran chống lại Ai Cập vào ngày nào đó. Thay vào đó, tất cả các quốc gia này liên kết lại và nói rằng 'Iran, ảnh hưởng xấu của các vị không được chào đón bởi bất kỳ bên nào trong chúng tôi'".

Theo NTD News

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhà chiến lược địa chính trị bàn về tác động của chiến tranh Israel – Hamas lên Iran, Nga và Trung Quốc