Liên tục oanh kích Gaza, sức mạnh không quân Israel lớn ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với hoả lực mạnh mẽ của mình, bao gồm hàng loạt chiến đấu cơ F-15, F-16 và F-35, không quân Israel được cho là lực lượng tiên phong trong chiến dịch tấn công Hamas, từ đó mở đường cho lực lượng bộ binh đổ bộ vào Dải Gaza nhằm xoá sổ nhóm khủng bố này.

Trong những ngày gần đây, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội. Trang của họ thường xuyên cập nhật thông tin về hoạt động của lực lượng phòng vệ và cảnh quay các cuộc không kích kể từ khi Hamas phát động cuộc tấn công vào ngày 7/10. Một số cảnh quay cũng cho thấy loại vũ khí được sử dụng trong ‘Chiến dịch Thanh kiếm sắt’, trong đó Lực lượng Không quân Israel dường như đang sử dụng tất cả các máy bay chiến đấu mà họ có.

Lực lượng Không quân Israel (IAF) được thành lập vào năm 1948 trong Chiến tranh giành độc lập của Israel. Trong những thập kỷ gần đây, năng lực chính mà Không quân Israel nhấn mạnh là tấn công mặt đất. Mặc dù thậm chí không có máy bay ném bom chuyên dụng trong chuỗi thiết bị hiện tại của Không quân Israel, nhưng chức năng chính của tất cả các máy bay chiến đấu của Không quân Israel đều tập trung vào khả năng thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất. Những chức năng này đã được lên kế hoạch ngay cả trong giai đoạn đầu mua sắm những chiếc máy bay này.

Do đó, tất cả các phiên bản máy bay chiến đấu của Israel, bao gồm F-15, F-16 và F-35, đều rất chú trọng đến khả năng chịu tải của vũ khí tấn công mặt đất và phát triển khả năng tấn công mặt đất chính xác tầm xa. Nói một cách tương đối, Lực lượng Không quân Israel không nhấn mạnh đến khả năng tác chiến trên không một cách nổi bật như các lực lượng không quân khác trên thế giới, bởi Lực lượng Không quân Israel không còn các đối thủ không chiến ở Trung Đông, điều này cho phép họ mạnh dạn phân bổ, chú ý đến nhiệm vụ tấn công mặt đất nhiều hơn.

Theo Bảng xếp hạng hỏa lực toàn cầu, quân đội Israel đứng thứ 18/145 quốc gia. Lực lượng Phòng vệ Israel có khoảng 173.000 quân nhân. Không quân Israel có 581 máy bay, đứng thứ 9/129 quốc gia. Chúng bao gồm 251 máy bay tấn công, 128 máy bay trực thăng, 10 máy bay tiếp dầu, 23 máy bay làm nhiệm vụ đặc biệt, 15 máy bay vận tải quân sự, 154 máy bay huấn luyện và hàng chục chiếc khác, bao gồm cả F-35, trong quá trình mua sắm các máy bay chiến đấu khác.

Đội hình của Không quân Israel chủ yếu dựa trên các máy bay chiến đấu F-15 và F-16, trong đó cũng bao gồm một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Phi đội F-15 của Israel được chia thành hai nhánh chính là F-15 Baz và F-15I Ra'am. F15 Baz đã được nâng cấp trong những năm qua để trang bị màn hình đa chức năng, radar mảng pha và khả năng sử dụng đạn tấn công mặt đất, khiến những chiếc máy bay này có khả năng tương đương với Ra'am tiên tiến hơn.

Trong cuộc không kích vào Dải Gaza này, cấu hình điển hình của F-15 là ba quả đạn cùng tấn công trực tiếp GBU-31(V)1 JDAM và các biện pháp đối phó điện tử Elta (ELL-8222). Không có máy bay nào mang thùng nhiên liệu bên ngoài và vũ khí không đối không chỉ giới hạn ở hai tên lửa không đối không tầm ngắn. Đạn tấn công trực tiếp được trang bị bu lông MXU-735A/B, mang lại khả năng xuyên thấu cao hơn so với cấu hình tiêu chuẩn.

Trong khi đó, Hạm đội lớn hơn của Không quân Israel bao gồm F-16 "Fighting Falcons", được chia thành F-16C/D Barak và F-16I Soufa.

Israel là nước sử dụng F-16 lớn nhất bên ngoài Hoa Kỳ và kể từ khi được đưa vào sử dụng, F-16 đã trở thành lực lượng chính trong các hoạt động quân sự trước đây của Israel. Hạm đội Barak đã liên tục được nâng cấp trong những năm qua và tiếp tục có được những năng lực mới.

Cấu hình tấn công mặt đất điển hình của chiến đấu cơ F-16 thường được trang bị 4 quả đạn tấn công mặt đất trực tiếp chung GBU-31(V)1, một thùng nhiên liệu bên ngoài ở giữa bụng và hai tên lửa không đối không gắn trên cánh.

Không quân Israel đặt tên cho chiến đấu cơ F-35 là F35 Adir. Trong tiếng Do Thái, Adir có nghĩa là ‘Đấng toàn năng’. Tính đến tháng 1 năm nay, Israel đã nhận được tổng cộng 33 máy bay chiến đấu F-35. Đến năm 2024, Israel sẽ nhận được 50 chiếc F-35. Cuối cùng, tổng số máy bay F-35 của Israel sẽ lên tới 75 chiếc.

Các máy bay chiến đấu F-35 hiện có của Israel được chia thành ba phi đội và đóng quân tại Căn cứ Không quân Nevatim ở miền nam Israel. Từ đó, bán kính chiến đấu của F-35 Israel có thể bao trùm các mục tiêu ở Syria, Iraq, Lebanon, Jordan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết Ả Rập Xê út mà không cần tiếp nhiên liệu trên không. Israel thậm chí có thể mở rộng tầm hoạt động của F-35 để tấn công các mục tiêu ở Iran mà không cần tiếp nhiên liệu trên không.

Điều thú vị là các video và hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho đến nay không cho thấy các loại bom thông minh do Israel sản xuất như bom Rafael Spice tham gia chiến dịch.

Bom trí tuệ nhân tạo Spice có chức năng nhận diện mục tiêu chủ động và có thể xác định chính xác cũng như tấn công chính xác mục tiêu. Loại bom này có thể được trang bị trên máy bay chiến đấu F-16 mẫu mới nhất Spice 250 với tầm bắn tối đa 100 km.

Nói chung, ấn tượng mà Không quân Israel mang lại ngày nay là họ có vũ khí và trang thiết bị hiện đại mạnh mẽ cùng với các phương tiện chiến thuật chuyên nghiệp. Lực lượng Không quân Israel sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến. Ngay cả trong các hoạt động mặt đất quy mô lớn tiếp theo, Lực lượng Không quân Israel vẫn sẽ phát huy khả năng tác chiến chung và lợi thế tấn công mặt đất to lớn của mình, đồng thời quyết định diễn biến của toàn bộ cuộc chiến.

Vào ngày 13/10, Không quân Hoa Kỳ thông báo rằng các máy bay chiến đấu F-15E đã đến Trung Đông. Hoa Kỳ hy vọng sẽ đóng một vai trò trong sự ổn định khu vực bằng cách thể hiện sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực trong cuộc xung đột đang diễn ra này. Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân Hoa Kỳ tuyên bố rằng công nghệ tiên tiến của F-15E Strike Eagle thuộc Phi đội Chiến đấu Viễn chinh 494 sẽ cho phép quân đội Hoa Kỳ ứng phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng hoặc trường hợp khẩn cấp nào và đánh bại đối thủ trong các cuộc giao tranh.

Trước khi F-15 Strike Eagle xuất hiện, máy bay tấn công A-10 của Mỹ đã được triển khai tới khu vực. A-10 được đánh giá là không phù hợp để tham gia cuộc cạnh tranh cao cấp với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nó đã thể hiện tốt trong các hoạt động chống khủng bố trước đây ở Trung Đông, đây cũng là lý do chính khiến Mỹ triển khai một số máy bay A-10 nâng cấp và cải tiến tới Trung Đông.

***

Ở chiều ngược lại, ngoài vũ khí bộ binh hạng nhẹ, Hamas còn có nhiều loại tên lửa và máy bay không người lái tự chế. Trước sự tương phản về hỏa lực này, ngay cả khi hai bên bị kéo vào cuộc giao tranh trên đường phố đô thị, Hamas cũng khó có cơ hội chiến thắng.

Khả năng lớn nhất để Hamas gây thương vong cho Lực lượng phòng vệ Israel là sử dụng con tin Israel hoặc lá chắn người Palestine để kéo quân Israel vào đống đổ nát của các thành phố và đường hầm dưới lòng đất để giao tranh tay đôi. Đây cũng là thử thách lớn nhất mà quân đội Israel sẽ trải qua trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến.

Thật khó để nói liệu Israel có tham gia chiến đấu tay đôi với Hamas trong các đường hầm hẹp bên dưới thành phố như Hamas hy vọng hay không, vì cuộc chiến vẫn chưa tiến triển đến thời điểm đó.

Hiện tại, số phận của người Palestine ở Gaza ngày càng thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới, giải pháp của họ có thể là một chủ đề lớn hơn không thể kết thúc trong thời gian ngắn. Nhưng trong tất cả các vấn đề, Hamas, vốn sống ký sinh trên người dân Palestine, có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với số phận của người Palestine lúc này.

Hamas đã bắt đầu cuộc chiến được ví như giữa “bọ ngựa” và “tàu hỏa”. Mục đích chung của cái gọi là chiến thắng ban đầu của Hamas trước Israel là họ đã chứng minh cho thế giới thấy rằng họ là một nhóm tội phạm khủng bố vô nhân đạo.

Sau khi Hamas gây thương vong cho người dân Israel, họ không những không dám đứng lên gánh chịu hậu quả hay thực hiện các biện pháp giảm thiểu tổn thất cho người Palestine mà còn kêu gọi người Palestine đứng giữa Hamas và quân đội Israel làm lá chắn sống, thậm chí còn dùng nhắm mục tiêu và đổ lỗi cho Israel để chuyển hướng sự chú ý của quốc tế và làm phức tạp thêm tình hình.

Ngày 17/10, một vụ nổ kinh hoàng đã làm rung chuyển Bệnh viện Al Ahli ở Gaza, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Vụ thảm sát đã làm dấy lên những cuộc biểu tình mới.

Ngay sau vụ việc, quân đội Israel cho biết họ sẽ công bố bằng chứng, bao gồm cả cảnh quay của máy bay không người lái và các cuộc trò chuyện bị chặn, cho thấy nhóm chiến binh Hồi giáo đã gây ra vụ tấn công chết người vào bệnh viện ở Gaza.

Người phát ngôn của Lực lượng phòng vệ Israel Daniel Hagari cho biết: "Chúng tôi làm điều này vì ai đó đang đổ lỗi cho Israel". Theo Hagari, không có máy bay Israel nào hoạt động trong khu vực bệnh viện vào thời điểm xảy ra vụ nổ. Hơn nữa, tác động của những vụ nổ này không phải là loại thiệt hại điển hình do vũ khí được sử dụng bởi máy bay chiến đấu của Israel.

Cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn với sự biện minh của cả hai bên. Trong thảm họa do con người gây ra này, Hamas đang gây hoang mang dư luận và sẽ ảnh hưởng tới các bước đi tiếp theo của Israel. Tuy nhiên, dường như chúng ta đã thấy quyết tâm loại bỏ Hamas của Israel không hề dao động trước áp lực của dư luận.

Theo Epochtimes
Viên Minh (biên dịch)

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Liên tục oanh kích Gaza, sức mạnh không quân Israel lớn ra sao?