Cải thiện chức năng tiêu hóa bằng châm cứu và y học cổ truyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo quan điểm từ y học cổ truyền Trung Hoa, các kênh năng lượng quan trọng của cơ thể tác động lên hệ tiêu hóa là rất quan trọng đối với sức khỏe.

Theo báo cáo của Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ, hàng năm có hơn 100 triệu lượt khám ngoại trú và 13 triệu ca nhập viện liên quan đến các bệnh về tiêu hóa, gan và tuyến tụy. Chi phí ước tính khoảng 136 tỷ USD, cao hơn bệnh tim (113 tỷ USD), chấn thương (103 tỷ USD) hay sức khỏe tâm thần (99 tỷ USD).

Trong số các bệnh về tiêu hóa thì đau bụng là triệu chứng bệnh nhân gặp phải nhiều nhất với 22 triệu ca khám và 6 triệu ca cấp cứu. Tiếp theo là buồn nôn/nôn (lần lượt là 5 triệu và 2 triệu) và tiêu chảy và viêm dạ dày ruột (tương ứng 3 triệu và 1 triệu ca).

Một báo cáo mới cho thấy, chi phí điều trị, thăm khám bác sĩ và nhập viện liên quan đến bệnh tiêu hóa đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Trong khi đó, có nhiều cách để ngăn ngừa các bệnh về tiêu hóa và quản lý sức khỏe tiêu hóa từ y học cổ truyền.

Tiêu hoá - nguồn năng lượng sống của cơ thể

Tiêu hóa là một quá trình quan trọng để cơ thể có được chất dinh dưỡng và năng lượng quan trọng thông qua đồ ăn và thức uống. Vì vậy, hệ tiêu hóa rất cần thiết để duy trì sự sống và chức năng cơ thể con người. Cơ thể cần nhiều loại thực phẩm và chất dinh dưỡng để duy trì tính toàn vẹn của xương, cơ, màng tế bào và bào quan, cũng như duy trì sự cân bằng sinh hóa với nước, vitamin, khoáng chất, axit béo, axit amin, hormone, enzyme và chất dẫn truyền thần kinh. .

Các chất dinh dưỡng mà cơ thể hấp thụ trải qua một quá trình sinh hóa phức tạp như chu trình Krebs. Từ đó chuyển đổi các chất dinh dưỡng thành năng lượng cần thiết cho sự sống và hoạt động của con người. Năng lượng sống góp phần điều hòa nhiệt độ cơ thể, chuyển động của các bộ phận và chức năng của các hệ cơ quan. Năng lượng này được cung cấp cho các giác quan, cảm xúc, suy nghĩ cũng như chức năng nhận thức và điều hành của cơ thể.

Mất cân bằng năng lượng của hệ tiêu hóa

Hệ tiêu hóa là một hệ thống mở lấy thức ăn từ miệng, tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng từ dạ dày và ruột non. Đồng thời, nó loại bỏ chất thải và độc tố qua ruột già và trực tràng. Do đó, chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự lựa chọn thực phẩm và đồ uống cũng như cách thức cung cấp những nguyên liệu này. Nghĩa là vấn đề về nguồn cung cấp thực phẩm, vệ sinh nơi chế biến và cách chế biến thực phẩm. Điều quan trọng nữa là hệ tiêu hóa phải luôn được giữ sạch sẽ và thoáng đãng.

Việc mất cân bằng năng lượng của hệ tiêu hóa do nhiều nguyên nhân gây ra. Trung y có phương pháp tốt để đánh giá và kiểm tra những vấn đề này. Ở đây chúng ta có 2 ví dụ về sự mất cân bằng năng lượng phổ biến của hệ tiêu hiện nay.

Đồ ăn lạnh mang năng lượng không tốt vào cơ thể khi ăn uống

Một điều khiến tôi thấy sốc về cách ăn uống của phương Tây là nước đá lạnh được phục vụ trên bàn ăn. Dạ dày chúng ta đóng vai trò như một cái bếp nấu và phân hủy thức ăn. Do đó, nó đòi hỏi nhiệt lượng “lửa” (sức nóng) nhiều hơn từ máu và năng lượng cung cấp từ dạ dày khi tiêu hoá. Trong khi đó, nước lạnh có thể cản trở điều này, khiến các mạch máu và cơ bụng co lại.

Ảnh minh hoạ. (Shutterstock)

Từ góc độ Trung y, năng lượng lạnh ngăn chặn dòng năng lượng quan trọng cũng như sự lưu thông máu. Khi bị ảnh hưởng mãn tính bởi lạnh, người ta sẽ bị đau dạ dày và ruột. Kèm theo đó là đầy hơi, tiêu chảy và dễ bị nhiễm trùng và viêm (viêm dạ dày ruột). Vì vậy, việc loại bỏ nước đá lạnh khỏi bàn ăn là một nỗ lực y tế công cộng ngang bằng với việc ngừng hút thuốc nơi công cộng.

Ngoài thức ăn lạnh về vật chất, còn có thức ăn lạnh về mặt năng lượng (thực phẩm tính hàn). Thực phẩm như vậy tạo ra năng lượng lạnh bất kể nhiệt độ. Ví dụ, quả Kiwi tạo cảm giác lạnh trong dạ dày và không nên ăn quá nhiều. Điều tương tự cũng đúng với chuối, lê, dưa hấu, đậu phụ, thịt nghêu, cua và nhiều loại rau sống.

Năng lượng dạ dày bị rối loạn

Trọng lực hỗ trợ hành trình đi xuống dạ dày và ruột của thức ăn. Tuy nhiên, trào ngược axit, thoát vị tạm thời, buồn nôn và nôn đi ngược lại định luật này. Trung y mô tả những hiện tượng này là Khí nổi loạn. Khí là năng lượng quan trọng giúp di chuyển hệ tiêu hóa, nhưng khí nổi loạn mô tả hệ tiêu hóa di chuyển thức ăn đi lên thay vì đi xuống.

Theo Trung y, nguyên nhân khiến năng lượng dạ dày nổi loạn gồm nhiễm trùng, ăn thực phẩm lạnh, cảm xúc căng thẳng, thức ăn béo, rối loạn chức năng gan và túi mật. Năng lượng của gan và túi mật điều hòa toàn bộ hoạt động của hệ tiêu hóa. Sự rối loạn chức năng ở các cơ quan này sẽ gây ra tất cả các loại rối loạn tiêu hóa, bao gồm hội chứng ruột kích thích, liệt dạ dày, thoát vị gián đoạn và trào ngược dạ dày thực quản.

Thật không may, năng lượng gan rất nhạy cảm với căng thẳng cảm xúc, đặc biệt là sự tức giận và oán giận. Chúng khiến năng lượng gan bị trì trệ hoặc di chuyển rối loạn. Đối với những người có tiền sử bị lạm dụng trong quá khứ hoặc hiện tại, rối loạn tiêu hóa rất khó điều trị nếu không quan tâm đến tổn thương tinh thần.

Châm cứu và sức khỏe tiêu hóa

Châm cứu có thể điều chỉnh rất hiệu quả sự mất cân bằng năng lượng của cơ thể. Nó kích thích các huyệt của cơ thể điều chỉnh chức năng các cơ quan nội tạng thông qua mạng lưới năng lượng gọi là kinh mạch. Nó có thể thông các kinh mạch bị tắc nghẽn năng lượng, chuyển hướng dòng năng lượng và làm ấm các kinh mạch và các cơ quan nội tạng. Tuy nhiên, quá trình điều trị cần tới từ 12 -36 lần thực hiện. Các liệu pháp thảo dược dựa trên chẩn đoán cá nhân giúp bổ sung cho liệu pháp châm cứu.

Các nghiên cứu thí điểm đã chỉ ra rằng, châm cứu có hiệu quả trong nhiều loại rối loạn tiêu hóa, bao gồm buồn nôn và nôn, rối loạn chức năng (hội chứng ruột kích thích, táo bón và tiêu chảy), bệnh loét dạ dày, bệnh Crohn (viêm ruột), tắc ruột sau phẫu thuật và thậm chí cả bệnh sỏi mật. Bằng chứng thuyết phục về hiệu quả của châm cứu có lẽ là tác dụng giảm buồn nôn và nôn.

Một nghiên cứu cho thấy châm cứu có hiệu quả trong điều trị chứng khó tiêu chức năng, mô tả một nhóm triệu chứng ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, bao gồm đau dạ dày hoặc khó chịu, buồn nôn, đầy hơi và ợ hơi.

Thảo dược Trung Quốc tốt cho sức khỏe tiêu hóa

Sức khỏe tiêu hóa là một trong bốn trụ cột trong việc quản lý sức khỏe con người. Hệ tiêu hoá cung cấp năng lượng sống cho cơ thể và kết nối với các cơ quan nội tạng quan trọng khác. Ví dụ, ruột già ảnh hưởng đến phổi, ruột non ảnh hưởng đến tim và dạ dày ảnh hưởng đến lá lách.

Mỗi cơ quan này đều có mối liên hệ năng lượng với não và góp phần thực hiện các chức năng cụ thể của não. Trung y có nhiều công thức thảo dược để điều trị tình trạng mất cân bằng năng lượng phổ biến của hệ tiêu hóa.

Ví dụ, một công thức truyền thống có tên “Xiang Sha Yang Wei Wan” (Phương thuốc hỗ trợ dạ dày với Vân mộc hương, Chi sa nhân và 10 loại thảo mộc kết hợp). Nó có tác dụng làm ấm năng lượng dạ dày, loại bỏ đầy hơi và giảm đau dạ dày. Tuy nhiên, không có một công thức nào là phù hợp cho tất cả mọi người. Giống như châm cứu, điều quan trọng là người bệnh cần phải được đánh giá toàn diện. Ví dụ như, liệu pháp điều trị bằng thực phẩm, thói quen ăn uống và kiểm soát căng thẳng. Tất cả đều rất quan trọng đối với sức khỏe tiêu hóa.

Theo The Epoch Times

Cát Mộc biên dịch

Tác giả: Jingduan Yang

Tiến sĩ Jingduan Yang là nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần và chuyên gia về châm cứu, y học Trung Quốc và y học tích hợp. Ông thành lập Viện Y học Tích hợp Yang, Phòng khám Châm cứu Tao và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ. Tiến sĩ Yang là đồng tác giả của hai cuốn sách: “Hướng về phương Đông: Bí quyết làm đẹp và sức khỏe cổ xưa cho thời đại hiện đại” và “Châm cứu lâm sàng và Y học cổ truyền Trung Quốc”.



BÀI CHỌN LỌC

Cải thiện chức năng tiêu hóa bằng châm cứu và y học cổ truyền