IMF: Các nền kinh tế mới nổi phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước việc Fed tăng lãi suất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới phải chuẩn bị cho việc tăng lãi suất ở Hoa Kỳ dựa trên hoàn cảnh và mức độ dễ bị tổn thương của họ. Tác động của việc tăng lãi suất đồng USD có thể dẫn tới bất ổn tài chính, giảm giá trị đồng nội tệ và tăng nhanh lạm phát của các nền kinh tế mới nổi.

Giá cả tăng vọt và kéo dài trong gần một năm, thị trường lao động không phục hồi như kỳ vọng, những gián đoạn liên quan đến Omicron đã dẫn đến việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn và nhanh chóng cắt giảm việc mua tài sản tài chính để kiềm chế lạm phát; hiện đã cao nhất trong 4 thập kỷ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết trong một bài đăng trên blog hôm thứ Hai: “Những thay đổi này [của Fed] đã làm cho triển vọng đối với các thị trường mới nổi trở nên rủi ro hơn. Các nền kinh tế mới nổi cũng đang đối mặt với lạm phát gia tăng và nợ công cao hơn đáng kể”.

Tổng nợ chính phủ trung bình ở các thị trường mới nổi đang tăng lên, “ước tính đạt khoảng 64% GDP vào cuối năm 2021, có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Tuy nhiên, trái ngược với Hoa Kỳ, sự phục hồi kinh tế và thị trường lao động của các nền kinh tế mới nổi kém hơn nhiều”.

IMF đã chỉ ra hai kịch bản, một trong số đó là việc thắt chặt chính sách tiền tệ dần dần và Fed sẽ phải tăng lãi suất. Khi chính sách của Fed thay đổi từ từ tác động lên các nền kinh tế mới nổi có thể sẽ là “lành tính”. Trong trường hợp này, nền kinh tế Hoa Kỳ mạnh lên sẽ duy trì nhu cầu trong nước; các nền kinh tế mới nổi có thể tăng xuất khẩu nhờ cầu thế giới phục hồi. Điều này giúp họ bù đắp lại rủi ro giảm giá trị tiền tệ thông qua tăng trưởng thương mại.

Trong kịch bản thứ hai, Fed buộc phải thay đổi sốc về lãi suất. Trong tình hình này, thị trường tài chính ở các nền kinh tế nhạy cảm (có độ mở kinh tế lớn và phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài như Việt Nam) sẽ bị lung lay do các điều kiện tài chính được thắt chặt trên toàn cầu. Dòng vốn chảy đảo chiều chảy khỏi nền kinh tế sẽ lớn hơn và rủi ro với ổn định tài chính sẽ cao hơn.

Khi một số quốc gia đã bắt đầu quá trình điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình, IMF khuyến nghị các nền kinh tế có thể chế yếu hơn nên bắt đầu hành động nhanh chóng và toàn diện. IMF đề nghị các quốc gia cho phép đồng tiền của họ giảm giá đồng thời tăng lãi suất cơ bản; đảo chiều chính sách tiền tệ, thắt chặt dần dần để tránh các cú sốc.

Chính sách như vậy có nghĩa là các nền kinh tế mới nổi sẽ không hỗ trợ được thị trường nội địa, tăng trưởng kinh tế trong nước và phục hồi khu vực doanh nghiệp. Mặc dù sớm đảo chiều chính sách tiền tệ giúp giảm bớt cú sốc lạm phát, đảo chiều dòng vốn nhưng sẽ dẫn tới một nền kinh tế suy yếu hơn.

Đối với các quốc gia có nợ đồng ngoại tệ lớn, chính phủ cần lưu ý giảm nợ, bảo hiểm rủi ro bằng các hợp đồng phái sinh, tái cơ cấu thời hạn trả nợ theo hướng kéo dài hơn. Đối với các nền kinh tế mà khu vực doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy lớn, nợ xấu gia tăng ở mức cao, IMF cho rằng các NHTM, TCTD sẽ phải đối mặt với các vấn đề về khả năng thanh toán.

Các chính sách tài khóa như tăng thuế, làm cho chi tiêu công hiệu quả hơn và thực hiện cải cách cơ cấu tài khóa sẽ giúp các nền kinh tế vượt qua những gián đoạn như vậy trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, các quốc gia có thể dựa vào sự hỗ trợ của IMF, nhưng số lượng cho vay sẽ phụ thuộc vào cách các nền kinh tế này củng cố tình hình tài khóa của mình trong thời kỳ bất ổn kinh tế quan trọng này.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

IMF: Các nền kinh tế mới nổi phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước việc Fed tăng lãi suất