Khủng hoảng nợ và bong bóng bất động sản: Trung Quốc hiện tại giống Nhật Bản những năm 1990

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi phát triển siêu tốc để trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới, Nhật Bản đã phải đối diện với trì trệ và suy thoái. Nhiều chuyên gia tin rằng, giống như Nhật, Trung Quốc khó có thể soán ngôi Mỹ. Trong quá trình thúc đẩy kinh tế, cả Nhật và Trung Quốc đều tạo nên khủng hoảng nợ và bong bóng bất động sản (BĐS). Ở Nhật, điều này đã dẫn đến “thập kỷ mất mát” của nền kinh tế trong những năm 1990. Trung Quốc đang ở vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên, khác với Nhật có công nghệ cao, Trung Quốc không có gì để thay thế lĩnh vực nhà đất.

Tăng trưởng của Nhật từng được thúc đẩy bởi nợ và bong bóng BĐS

Bắt đầu những năm 1960, nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 10% mỗi năm. Vào những năm 1980, Nhật Bản là kỳ tích của châu Á. Quốc gia này đã chuyển mình từ một trong những nước nghèo nhất thành một trong những nước giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng của Nhật lại được thúc đẩy bởi nợ và bong bóng BĐS. Kết quả là, nền kinh tế Nhật cuối cùng đã sụp đổ. “Nhật Bản hóa” trở thành thuật ngữ ám chỉ sự trì trệ.

Giá BĐS tại Nhật đã tăng chóng mặt cho đến khi đạt đỉnh vào năm 1990; ở mức 168% so với giá trị của năm 1985. Vào thời điểm đó, BĐS ở Tokyo có thể được bán với giá 139.000 USD/foot vuông. Mức giá này tương đương 1,5 triệu USD/m2, gấp gần 350 lần giá nhà đất ở Manhattan, New York.

Nợ và bong bóng BĐS ở Trung quốc thậm chí còn tệ hơn

Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng bong bóng BĐS tương tự, với BĐS đóng góp khoảng 30% GDP của Trung Quốc. Nhà phát triển BĐS Evergrande có thể vỡ nợ trong tương lai gần. Khoản nợ hơn 300 tỷ USD của Evergrande chiếm khoảng 2% GDP Trung Quốc. Và đây chỉ là một trong số rất nhiều công ty BĐS đang gặp khó khăn.

Trong 20 năm qua, giá trung bình của một căn hộ ở Bắc Kinh đã tăng từ 55 USD/foot vuông lên 813 USD. Một thước đo khả năng mua nhà của người dân là tỷ lệ giá nhà trên thu nhập. Tỷ lệ này đã tăng từ 5,6 năm 1996 lên 7,2 năm 2020; với khoản vay thế chấp trung bình có giá trị bằng 397,36% thu nhập. Vào thời kỳ đỉnh cao, năm 1988, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập của Nhật Bản chỉ là 3,0.

Các ngân hàng Trung Quốc cho lĩnh vực BĐS vay nhiều hơn các lĩnh vực khác. Các khoản vay liên quan đến BĐS chiếm khoảng 30% tổng dư nợ. Tỷ lệ vay mua nhà trên GDP ở Trung Quốc gấp 3 lần Nhật Bản. Nợ hộ gia đình ở Trung Quốc, vốn gắn liền với các khoản vay BĐS, hiện ở mức 128% thu nhập hộ gia đình và 56% GDP. Trong khi đó, tỷ lệ nợ trên thu nhập của hộ gia đình Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2000, chỉ ở mức 78,7%.

Giống Nhật Bản, Trung Quốc khó mà giải quyết êm đẹp khủng hoảng nợ và bong bóng nhà đất

Sau khi bong bóng vỡ, nền kinh tế Nhật Bản rơi vào vũng lầy từ năm 1991 - 2000. Trong “thập kỷ mất mát” này, Nhật Bản phải hứng chịu cả khủng hoảng tín dụng và bẫy thanh khoản. Một phần nguyên nhân đến từ việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất để kiểm soát chặt chẽ hơn thị trường BĐS. Chính phủ Nhật cũng sử dụng ngân quỹ để cơ cấu lại bảng cân đối kế toán ngân hàng; việc này nhằm điều chỉnh cả giảm phát và lạm phát, đồng thời tránh tình trạng lạm phát đình trệ.

Một trong những vấn đề khó giải quyết nhất đối với các ngân hàng trung ương là lạm phát đình trệ. Tình trạng này được nhận thấy khi giá cả và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất, mức độ đi vay và lạm phát sẽ cùng giảm. Tuy nhiên, điều này lại làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp.

Khủng hoảng nợ Trung Quốc, Khủng hoảng nợ Nhật Bản, vỡ bong bóng bất động sản Trung Quốc, vỡ bong bóng bất động sản Nhật Bản, bất động sản Trung Quốc hiện tại giống Nhật Bản những năm 1990, lạm phát đình trệ, suy thoái kinh tế, thập kỷ mất mát, giảm phát và bẫy thanh khoản
Quốc kỳ Nhật Bản tại trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ở Tokyo. (Ảnh: Kazuhiro Nogi / AFP qua Getty Images)

Đến năm 1989, tổng giá trị cổ phiếu giao dịch trên các sàn chứng khoán Nhật Bản đã tăng lên 1,5 lần tổng sản phẩm quốc dân (GNP); tăng từ 0,6 lần GNP vào năm 1985. Chỉ số thị trường chứng khoán Nikkei 225 đạt đỉnh 39.000 vào năm 1989.

BOJ nhận thấy họ đang phải đối mặt với lạm phát và giá BĐS tăng chóng mặt. Do đó, BOJ đã thắt chặt cho vay để giảm cung tiền, từ đó làm giảm lạm phát. Tuy nhiên, việc giảm nguồn vốn cho vay có thể làm vỡ bong bóng BĐS. Khi lãi suất tăng, giá trị tài sản giảm, giá cổ phiếu Nhật Bản cũng giảm. Đến năm 1992, chỉ số Nikkei 225 giảm xuống còn 17.000.

Trong những năm 1990, tăng trưởng GDP hàng năm của Nhật Bản chậm lại, chỉ còn 1,14%. Thị trường BĐS sụp đổ, mất 70% giá trị vào năm 2001.

Đối mặt với đảo ngược của lạm phát và nền kinh tế đi vào suy thoái, BOJ đã cắt giảm lãi suất để tăng cung tiền và kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, mọi chuyện đã quá muộn vì Nhật Bản khi đó phải đối mặt với bẫy thanh khoản. Bẫy thanh khoản là tình huống mà các cá nhân và công ty, do lo sợ giảm phát, đã siết chặt hầu bao, không dám chi tiêu hay đầu tư. Sự lo sợ giảm phát thực sự đã gây ra giảm phát, và nền kinh tế Nhật chững lại. BOJ đã cắt giảm lãi suất chiết khấu xuống 0,5%. Dù vậy, không một cá nhân hay doanh nghiệp nào vay vốn trong 10 năm.

Tương tự như Nhật Bản những năm 1980, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian để khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, điều này lại thúc đẩy bong bóng nhà đất. Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Nếu Bắc Kinh hạn chế nguồn cung tiền để kiểm soát lĩnh vực BĐS thì nền kinh tế sẽ chứng kiến sự sụt giảm trong đầu tư và chi tiêu. Hậu quả là nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang chậm chạp, sẽ trở nên tiêu điều hơn.

Trung Quốc hiện tại ở thế khó hơn Nhật Bản những năm 1990

Theo ông Leland Miller, Giám đốc điều hành của China Beige Book, dữ liệu kinh tế quý III/2021 của Trung Quốc kém hơn nhiều so với mong đợi. Mức chi tiêu của người tiêu dùng vẫn chưa thể thúc đẩy nền kinh tế. Người dân không dám tiêu tiền bởi thu nhập của họ đã ít đi; nguyên nhân đến từ các đợt phong tỏa do COVID-19. Người tiêu dùng cũng lo lắng về nhiều đợt phong tỏa khác có thể xảy ra trong tương lai; và lạm phát cũng là một vấn đề ám ảnh.

Sự bất ổn kinh tế trong 2 năm qua đã phá hủy niềm tin của người tiêu dùng. Ngoài ra, người dân Trung Quốc cũng không được hưởng hệ thống an sinh xã hội như người dân ở nhiều nước phát triển. Do đó, người tiêu dùng Trung Quốc đang giữ chặt tiền của họ, đề phòng cho các trường hợp xấu.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách thế tiêu dùng vào chỗ BĐS, khiến tiêu dùng trở thành trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Vì vậy, Trung Quốc cần phải tìm ra các hoạt động kinh doanh khác có thể thay thế BĐS.

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa Nhật Bản và Trung Quốc là, khi khủng hoảng xảy ra và bong bóng nhà đất vỡ tại Nhật, quốc gia này đã thực hiện đổi mới công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, và xuất khẩu ô tô đẳng cấp thế giới. Ngược lại, Trung Quốc không có gì thay thế được lĩnh vực BĐS.

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng nợ và bong bóng bất động sản: Trung Quốc hiện tại giống Nhật Bản những năm 1990