Nhìn lại thăng trầm kinh tế Việt Nam năm 2023 - Chật vật với mục tiêu tăng trưởng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để đảm bảo tăng trưởng, đầu tư công đã tăng mạnh để gánh đỡ cho phần sụt giảm của đầu tư tư nhân. Dù vậy, đây không phải là giải pháp bền vững cho tăng trưởng. Điều xấu nữa là tăng trưởng tiêu dùng rất yếu, kỳ vọng mở rộng đơn hàng trong những tháng đầu năm 2024 bị thu hẹp. Điểm tốt là sản xuất công nghiệp, dịch vụ có xu hướng phục hồi quý cuối năm 2023 và ngành nông nghiệp luôn là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế.

Tiêu dùng yếu

Tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng năm 2023 chậm lại khi chỉ đạt 3,52% so cùng kỳ 2022, phản ánh nhu cầu nội địa yếu. Hoạt động thương mại và dịch vụ duy trì ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% YoY. Trong đó, động lực chính đến từ mảng du lịch khi tăng 52,5% so cung kỳ 2022. Du lịch bùng nổ sau quãng thời gian phong toả vì đại dịch và kinh tế phục hồi trở lại năm 2022. Tuy nhiên, du lịch chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Bán lẻ hàng hóa chỉ tăng trưởng 8,6% so cùng kỳ; tốc độ tăng bằng 60% bình quân tăng của giai đoạn 10 năm trước đó (bình quân tăng 14%/năm).

Tiêu dùng suy yếu của Việt Nam không nằm ngoài xu hướng suy giảm nhu cầu trên toàn thế giới sau đại dịch. Ngoài thất nghiệp gia tăng, thu nhập giảm làm suy yếu tổng cầu thì niềm tin tiêu dùng cũng suy giảm mạnh trước các bất ổn kinh tế - tài chính trong nước cũng như thế giới.

Tăng trưởng nhờ đầu tư công

Trong bối cảnh cầu suy yếu, đầu tư khu vực tư nhân suy giảm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đầu tư từ khu vực công mở rộng quá mức để bù đắp cho khu vực tư. Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ 2022; trong đó vốn đầu tư của khu vực tư nhân chỉ tăng 2,7% (so cùng kỳ), vốn FDI vẫn tăng khá, nhưng cũng chỉ tăng 5,4% so cùng kỳ. Riêng vốn đầu tư công (khu vực nhà nước) tăng với tốc độ cao hơn 10 lần khu vực tư nhân và gấp 4 lần khu vực FDI, là 21,1% so cùng kỳ.

Sản xuất thu hẹp, xuất khẩu sụt giảm

Thu hẹp sản xuất cũng biểu hiện ở kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh. Việt Nam vốn là nền kinh tế mà ngành sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào. Thu hẹp sản xuất, thiếu đơn hàng và doanh nghiệp phải đóng cửa, cắt giảm lao động tương thích với số liệu nhập khẩu sụt giảm. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với 2022 (năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD), trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Tốc độ giảm của nhập khẩu lớn hơn nhiều so với xuất khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 vẫn thặng dư 28 tỷ USD, vượt xa con số 11,2 tỷ USD của năm 2022. Cán cân thương mại cả năm tiếp tục vị thế xuất siêu trong các năm trước, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 3,88% so cùng kỳ, vừa đáp ứng đủ nhu cầu nội địa và đảm bảo an ninh lương thực, vừa đóng góp đáng kể cho hoạt động xuất khẩu. Khu vực nông, lâm nghiệp luôn là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế trong các giai đoạn kinh tế khó khăn.

Dấu hiệu tốt hơn vào quý 4/2023 - 2024 nhiều bất định

Xét từ phía cung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng kém nhưng có xu hướng hồi phục qua các quý, khu vực nông lâm thủy sản và khu vực dịch vụ duy trì ổn định.

Tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng cả năm 2023 đạt 3,74% so cùng kỳ; mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó ngành chủ lực là chế biến, chế tạo tăng 3,62% so cùng kỳ 2022.

Điểm tích cực là ngành công nghiệp đã có chuyển biến tốt hơn trong quý 4 đạt mức tăng trưởng 7,35% cao hơn hẳn so với kết quả trong nửa đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm 2023 tăng 1,5% so với 2022. Riêng IIP quý 4 đã cải thiện đáng kể khi đạt mức 5,0% so cùng kỳ; tăng khá tốt so với mức 2,8% của quý 3 và mức tăng trưởng âm của 2 quý đầu năm. Đây là dấu hiệu cho thấy sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi, chủ yếu nhờ tín hiệu khả quan từ hoạt động xuất khẩu và yếu tố mùa vụ khi nhu cầu tiêu dùng lễ Noel, năm mới dương lịch và năm mới âm lịch tăng mạnh.

Dù có một chút dấu hiệu phục hồi nhưng sản xuất vẫn ảm đạm khi chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tháng 12/2023 ở mức thấp, dưới 50 điểm cho thấy đơn hàng trong 6 tháng tới chưa có dấu hiệu mở rộng. Tháng 12/2023, PMI sản xuất ở mức 48,9 điểm; dù tăng nhẹ từ mức 47 điểm tháng 11/2023, nhưng đây vẫn là tháng thứ tư liên tiếp nhà quản trị mua hàng cho biết đơn hàng trong tương lai bị thu hẹp. Như vậy, khó khăn trong nửa đầu năm 2024 còn tiếp diễn. Chưa kể, xung đột gia tăng và biến động địa kinh tế chính trị khó lường có thể tiếp tục khiến giá cả hàng hoá tăng trở lại, cầu thị trường xuất khẩu bị suy yếu, thúc đẩy rủi ro vỡ nợ trên các thị trường tài chính quốc tế.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Nhìn lại thăng trầm kinh tế Việt Nam năm 2023 - Chật vật với mục tiêu tăng trưởng