Nợ doanh nghiệp Trung Quốc đang đối mặt với thời điểm khó khăn nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khối nợ của doanh nghiệp Trung Quốc ngày một lớn, 45% là nợ của doanh nghiệp BĐS. Vấn đề của nợ doanh nghiệp Trung Quốc không phải ở quy mô mà là ở nguồn trả nợ khi thị trường BĐS tiếp tục suy yếu và rủi ro hơn trong khi hệ thống ngân hàng ngầm nơi cung cấp 70% nợ cho doanh nghiệp phi tài chính đang bị giảm đòn bảy và siết chặt quản lý.

Từ góc nhìn vĩ mô, nền kinh tế của một quốc gia chia thành các cơ quan chính phủ (bao gồm chính quyền trung ương (CQTW) và chính quyền địa phương (CQĐP)), khu vực dân cư (hay còn gọi là hộ gia đình), khu vực doanh nghiệp phi tài chính và khu vực tài chính. Trong đó, ba lĩnh vực liệt kê đầu tiên gộp lại được gọi là khu vực kinh tế thực. Khu vực doanh nghiệp phi tài chính là nơi cung cấp sản phẩm và dịch vụ lớn nhất cho nền kinh tế thực.

Tại Trung Quốc, cùng với sự phát triển của hệ thống ngân hàng ngầm (cách gọi các công ty tài chính cung cấp nợ cho doanh nghiệp nhưng không phải ngân hàng và không bị kiểm soát như ngân hàng), nợ của doanh nghiệp Trung Quốc bùng nổ. Trong khối nợ của doanh nghiệp Trung Quốc, ngân hàng chỉ cung cấp 30%, phần nợ còn lại là 70% đến từ hệ thống ngân hàng ngầm, nơi chuẩn vay thấp hơn ngân hàng nhưng lãi suất cao hơn. Nợ doanh nghiệp phi tài chính gồm nợ ngân hàng, nợ phải trả bạn hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các khoản vay uỷ thác, các khoản hối phiếu, thương phiếu...

Nếu không xét về sản phẩm mà nợ theo cơ cấu của doanh nghiệp, thì Trung Quốc có một đặc thù khác các nền kinh tế khác là nợ ngầm của CQĐP. Khoản nợ này là các doanh nghiệp nhà nước thuộc CQĐP, được CPĐP thành lập hoặc bổ sung tài sản để đủ điều kiện phát hành nợ, đã phát hành trái phiếu quản lý đô thị (tên gọi một loại trái phiếu doanh nghiệp) trên thị trường tài chính trong và ngoài nước. Khoản nợ này lên tới 9.000 - 9.500 tỷ USD (khoảng 55% GDP của Trung Quốc).

Theo Vision Times, do có hệ thống nợ CQĐP ngầm như vậy nên con số nợ doanh nghiệp phi tài chính ở Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với nợ của CQTW và nợ hộ gia đình gộp lại.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng nợ của các doanh nghiệp phi tài chính Trung Quốc đã lên tới con số đáng kinh ngạc là 218 nghìn tỷ nhân dân tệ, trong đó 154 nghìn tỷ nhân dân tệ là đến từ hệ thống ngân hàng ngầm. Nợ khu vực doanh nghiệp phi tài chính tương đương với 168% GDP của Trung Quốc trong quý 1/2023. Con số này năm 2021 là 154,8% và năm 2021, giảm từ mức 165,5% năm 2020; liên tục tăng mạnh kể từ sau 2009 đến nay. So với các nền kinh tế lớn, tỷ lệ đòn bảy và khối nợ so với GDP của khu vực doanh nghiệp phi tài chính lớn và rủi ro hơn khá nhiều.[1] Có thể thấy, áp lực trả nợ gốc lãi của doanh nghiệp phi tài chính ở mức rất cao.

Để đo lường áp lực trả nợ của doanh nghiệp phi tài chính Trung Quốc, tác giả Yu Liang, trong bài viết đăng tải trên Vision Times đã sử dụng số dư tiền gửi doanh nghiệp/tổng dư nợ của doanh nghiệp phi tài chính. Do lượng tiền gửi không kỳ hạn của doanh nghiệp ở NHTM thường được sử dụng để đáp ứng chi phí ngắn hạn, bao gồm chi phí trả lãi, gốc vay đến hạn nên tỷ lệ này (tiền gửi doanh nghiệp/tổng dư nợ doanh nghiệp) có thể phản ánh phần nào tình hình thanh khoản ngắn hạn của khu vực này. Số liệu cho thấy doanh nghiệp Trung Quốc đang chịu áp lực lớn về trả nợ. [2]

Chỉ số đo lường khả năng thanh khoản ngắn hạn của doanh nghiệp Trung Quốc ngày một suy giảm mạnh (số liệu đến quý 3/2023) (Nguồn: Tác giả Yu Liang, Vision Times)

Biểu đồ trên cho thấy, nhìn tổng thể các công ty phi tài chính, trước năm 2014, tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn và không kỳ hạn trên tổng nợ vẫn ở mức trên 20% và nhìn chung họ có thể dễ dàng trả chi phí nợ. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, tỷ lệ này ngày càng thấp hơn. Tính đến quý 3/2023: số dư tiền gửi kỳ hạn ngắn hoặc không kỳ hạn/tổng dư nợ của doanh nghiệp giảm xuống dưới 16%, hiện giảm xuống dưới 12%.

Và khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp phi tài chính Trung Quốc đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay!

Trong suốt 3 năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã liên tiếp hạ lãi suất để cứu vớt thanh khoản cho hệ thống NHTM cũng như kích thích tăng trưởng. Mặc dù vậy, khả năng trả nợ của doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục suy yếu. Có thể nói, chính sách nới lỏng tiền tệ không hiệu quả với doanh nghiệp Trung Quốc, không giúp hệ thống này bán hàng tốt hơn, có nhiều tiền mặt hơn dù chi phí vốn rẻ hơn; bởi vậy khiến doanh nghiệp khó trả nợ hơn.

Trong nhóm doanh nghiệp phi tài chính Bắc Kinh, doanh nghiệp BĐS đang ôm khối nợ lớn nhất với khả năng trả nợ thấp nhất. Khối này chiếm tới 45% tổng dư nợ của doanh nghiệp phi tài chính toàn Trung Quốc tại thời điểm cuối năm 2022, theo số liệu công bố bởi CNBS (trung tâm dữ liệu tài khoản quốc gia của Trung Quốc). Khả năng trả nợ của các doanh nghiệp BĐS này phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường BĐS Trung Quốc. Tuy nhiên, giá BĐS đang tiếp tục giảm trong khi số lượng giao dịch thành công trên thị trường ít đi. [3]

Giá nhà ở Trung Quốc (so cùng kỳ) giảm mạnh năm 2022 và chưa thấy dấu hiệu phục hồi 2023 (Nguồn: Macro Micro)

Trước diễn biến ngày một xấu đi trên thị trường BĐS, khoản nợ từ nhóm doanh nghiệp này chỉ có thể trả được dựa trên vay đảo nợ chứ không phải bán hàng hay mở rộng thị trường.

Tác giả Yu Liang đã giải thích rằng chính doanh nghiệp phát triển đô thị (là doanh nghiệp BĐS) đã thúc đẩy tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc lại thiếu tiền gửi ngắn hạn và tiền mặt trong khi tiền gửi từ dân cư lại tăng mạnh. Theo tác giả Liang, khi các công ty đầu tư đô thị nhận được nguồn vốn mới, điều quan trọng nhất là phải nhanh chóng trả nợ gốc, lãi và trả lương cho cán bộ công nhân viên của đơn vị. Đơn giản là không thể sử dụng khoản tiền mới vay được cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính kiểu hoàn trả này khiến cho hầu hết các khoản tiền vay đều không có sẵn. Không có sự lưu thông trong quá trình sản xuất mà được chuyển đổi trực tiếp thành tiền gửi có kỳ hạn của người dân.

Quang Nhật

(Theo Vision Times)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpsyg.2022.1013257/full

[2] https://kzg.secretchina.com/news/gb/2023/12/08/1051056.html

[3] https://en.macromicro.me/collections/26/cn-house-relative/983/house-price-yoy



BÀI CHỌN LỌC

Nợ doanh nghiệp Trung Quốc đang đối mặt với thời điểm khó khăn nhất