Indonesia mở thầu mua 300.000 tấn gạo, Việt Nam trúng thầu 50.000 tấn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Indonesia mở thầu mua 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một công ty của Việt Nam trúng thầu 50.000 tấn.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam tham gia bỏ thầu, nhưng chỉ duy nhất một doanh nghiệp ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, trúng gói thầu 50.000 tấn gạo 5% tấm. Đó là công ty TNHH Lương thực Phát Tài.

Doanh nghiệp của Đồng Tháp thắng thầu nhờ doanh nghiệp này có sẵn hàng trong kho nên bỏ giá khá cạnh tranh. Các doanh nghiệp còn lại chào thầu xung quanh mức giá 700 USD/tấn nên bị rớt thầu.

Số doanh nghiệp trúng thầu còn lại gồm doanh nghiệp Pakistan trúng 95.000 tấn; doanh nghiệp Thái Lan trúng từ 140.000 đến 155.000 tấn. Giá trúng thầu dao động từ 630 - 650 USD/tấn, giá CIF hàng giao tại cảng Jakarta.

Hiện giá gạo Việt Nam đang cao hơn các nước xuất khẩu khác, cước phí vận chuyển cũng cao. Được biết, cước vận chuyển gạo từ cảng ở TP. HCM đi cảng Jakarta dao động từ 20 - 25 USD/tấn.

Hiện giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, cao hơn Thái Lan 10 USD và cao hơn Pakistan 20 USD.

Kết quả trúng thầu cho thấy, giá gạo Việt Nam cao hơn các nước tham gia bỏ thầu, nên tính cạnh tranh kém hơn họ, đặc biệt là Thái Lan. Giá gạo của Thái Lan rẻ hơn Việt Nam, cước phí vận chuyển gạo từ Thái Lan đi cảng Jakarta cũng rẻ hơn cước phí vận chuyển của doanh nghiệp Việt Nam trên 10 USD/tấn.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện giá gạo 5% tấm trong nước khoảng 14.000 đồng/kg, cộng các chi phí khác quy ra giá thành gạo khoảng 15.500 đồng/kg.

Về chi tiết kỹ thuật, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) thông báo gạo phải được đóng túi trong polypropylen với trọng lượng 50kg/túi. Trọng lượng của túi rỗng là 120 gam và phù hợp với bao bì xuất khẩu tiêu chuẩn, phù hợp cho vận chuyển đường biển và đường bộ.

Được biết, xuất khẩu gạo Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 5,81 triệu tấn, với kim ngạch khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và 35,7% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Philippines và Indonesia là những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh cả về lượng và giá trị sau khi Ấn Độ tuyên bố tạm ngừng xuất khẩu một số loại gạo, áp dụng từ ngày 20/7 vừa qua. Trong tháng 8, ngoại trừ thị trường Bờ Biển Ngà ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái, còn lại các thị trường khác đều tăng mạnh nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Việt Nam Xã hội

Indonesia mở thầu mua 300.000 tấn gạo, Việt Nam trúng thầu 50.000 tấn