Trung Quốc: Đã mua nhà 8 năm nhưng vẫn chưa nhận được căn hộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở Thiên Tân, một thành phố trực thuộc trung ương ở miền bắc Trung Quốc, có khoảng 1.500 người mua nhà đã trả tiền từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa được nhìn thấy căn hộ của mình. Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đã tạo ra hàng loạt công trình dang dở, chưa hoàn thiện.

Có 5 người mua nhà đã nhận lời phỏng vấn với CNBC qua điện thoại nhưng yêu cầu được giấu tên vì sợ bị trả thù. Trong số này, có người đã trả hết trong một lần, cũng có người trả góp.

Một số người mua nhà cho biết, lúc trước, họ đã tìm cách để lấy lại tiền, hoặc thu thập thông tin về vụ mua bán bất động sản của mình, nhưng sau đó cảnh sát đã tìm đến nhà họ, có lúc còn tới vào lúc nửa đêm.

“Tôi cảm thấy như mình cứ luôn bị lừa”, một người mua nhà nói với CNBC. Người này nói: “Yêu cầu duy nhất của tôi là có thể trả lại nhà và lấy lại tiền. [Vì] cho dù tôi có thể lấy được nhà, tôi cũng sẽ cảm thấy rất tồi tệ”.

Một số người mua nhà cho biết, họ mua căn hộ để cho bố mẹ nghỉ hưu hoặc cho con cái đi học ở gần đó. Trong đó, có một người cho hay, trong 8 năm chờ đợi này, cha mẹ anh có một người đã qua đời; một người khác nói rằng, trong thời gian đợi nhà, con của anh đã lớn và đã đi học ở một ngôi trường khác.

Bà Vương Đan (Dan Wang), nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc), nói với CNBC: “Tôi cho rằng, điều này lại một lần nữa phản ánh, các nhà phát triển bất động sản đang trong hoàn cảnh khó khăn đến nhường nào”.

Bà Vương nói: “Những gì xảy ra ở Thiên Tân không phải là một hiện tượng cá biệt. Tôi cho rằng, sẽ còn nhiều trường hợp như vậy trong thời gian tới”.

Cuối tháng trước, nhà phát triển bất động sản “Zhuoda Yidu”, bên có liên quan đến vụ việc kể trên ở Thiên Tân, đã đề nghị những người mua nhà chấp nhận một phương án giải quyết tranh chấp. CNBC đã xem bản sao của phương án này.

Theo tài liệu trên, nếu trong vài tuần tới, người mua nhà đồng ý thanh toán số dư chưa thanh toán khi mua nhà và các khoản phí khác do chủ đầu tư xác định, thì những căn hộ này có thể được hoàn thành vào năm 2025 hoặc 2026.

Phương án này không đề xuất một giải pháp thay thế, nhưng nói rằng những căn hộ này phải được định giá theo mức trước khi thị trường suy thoái, tức là ít nhất sẽ cao gấp đôi so với mức giá hiện nay do bên môi giới đưa ra.

Một nguồn tin nói với CNBC rằng, trong nhóm chat với khoảng 500 người mua nhà, có khoảng 90% đã từ chối đề xuất trên của nhà phát triển “Zhuoda Yidu”.

CNBC không thể liên lạc được với “Zhuoda Yidu”. Một luật sư xử lý vụ phá sản và thanh lý của nhà phát triển này đã đề nghị CNBC đến Tòa án Nhân dân quận Vũ Thành, thành phố Thiên Tân để tìm hiểu thêm. Tòa án đã không trả lời câu hỏi của CNBC.

Bà Vương Đan cho biết, đây là lần đầu tiên bà nghe nói người mua nhà phải trả thêm tiền để có được một căn hộ hoàn chỉnh.

Bắt đầu từ năm 2021, các nhà phát triển bất động sản lớn ở Trung Quốc đã sa lầy vào cuộc khủng hoảng nợ nần, dẫn đến vi phạm hợp đồng và các dự án xây dựng bị đình trệ. Người chịu thiệt lại là những người đã đầu tư số tiền lớn để mua loại hình bất động sản hình thành trong tương lai này.

Công ty dịch vụ tài chính Nomura Securities của Nhật Bản ước tính vào tháng 11 năm ngoái rằng, ở Trung Quốc có khoảng 20 triệu đơn vị nhà ở hình thành trong tương lai đã được bán trước nhưng vẫn chưa được khởi công xây dựng hoặc bị chậm bàn giao.

Vào mùa hè năm 2022, người mua nhà tại những công trình còn dang dở đã phát động phong trào từ chối trả khoản vay thế chấp. Phong trào này đã lan nhanh đến ít nhất 91 thành phố ở Trung Quốc.

Bloomberg từng dẫn lời ông Alfred Wu, Phó giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, cho hay: “Người mua nhà ở Trung Quốc thường gộp hết nguồn lực của cả gia đình lại để mua nhà, đây là một việc lớn, liên quan đến sinh tử đối với họ”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Đã mua nhà 8 năm nhưng vẫn chưa nhận được căn hộ