Ông Tập thị sát Chiến khu Đông Bộ, lại đề cập 'chuẩn bị chiến tranh' là có ý gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi tình hình ở eo biển Đài Loan đang nóng lên, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thị sát các cơ quan của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông Bộ vào ngày 6/7 và lại đề cập đến việc “chuẩn bị chiến tranh”.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV)Tân Hoa Xã ngày 6/7 đưa tin, ông Tập Cận Bình đã thị sát Chiến khu Đông Bộ vào chiều cùng ngày. Ông nói rằng, ‘tình hình an ninh gia tăng bất ổn”, yêu cầu quân đội “lập kế hoạch chiến tranh và tác chiến sâu hơn”, “đẩy nhanh cải thiện khả năng giành chiến thắng”, v.v.

Chiến khu Đông Bộ được thành lập vào tháng 2/2016 sau cuộc cải cách quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chiến khu này chủ yếu cai quản các lực lượng vũ trang ở khu vực Hoa Đông (bao gồm các tỉnh, thành Giang Tô, Thượng Hải, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, An Huy) và trụ sở chính đặt tại Nam Kinh. Mục tiêu chiến lược của Chiến khu Đông Bộ là Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Thái Bình Dương. Trong 7 năm kể từ khi được thành lập, Chiến khu Đông Bộ đã thực hiện nhiều cuộc tập trận nhắm vào Đài Loan, hoặc cho tàu, máy bay áp sát quốc đảo này, v.v.

Ông Tập muốn tăng cường chuẩn bị chiến tranh tại eo biển Đài Loan?

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần công khai phải củng cố quân đội và tăng cường toàn diện công tác huấn luyện, chuẩn bị chiến tranh. Tại Đại hội 20 vào năm ngoái, chính quyền ông Tập thậm chí còn lần đầu tiên đưa nội dung phản đối và ngăn chặn "Đài Loan độc lập” vào điều lệ đảng.

Vào tháng 4 năm nay, khi thị sát Chiến khu Nam Bộ, nơi cũng đảm nhận nhiệm vụ quân sự nhắm vào Đài Loan, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh công tác huấn luyện và chuẩn bị chiến tranh.

Ông Trương Diên Đình (Zhang Yanting), cựu Phó chỉ huy Lực lượng Không quân Đài Loan và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc lập Thanh Hoa Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 7/7 rằng, động thái trên của ông Tập có liên quan tới môi trường quốc tế hiện tại. Trong đó bao gồm cả cuộc đấu tranh quân sự, chiến tranh kinh tế, chiến tranh tài chính, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, v.v. giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Theo ông Trương, “lập kế hoạch chiến tranh và tác chiến sâu hơn” tức là lấy Hoa Kỳ làm đối thủ, nhằm răn đe Hoa Kỳ, qua đó chống can thiệp vào khu vực eo biển Đài Loan.

Giáo sư Trương chỉ ra, "Ông ấy muốn tăng cường chuẩn bị chiến tranh, người Đài Loan không thể xem nhẹ”. Tuy vậy ông Trương cũng nói rằng nếu Bắc Kinh khai chiến, họ sẽ phải đối mặt với một hình thế quốc tế rất phức tạp.

"Một khi chiến tranh nổ ra, ĐCSTQ không chỉ phải đối đầu với Đài Loan, mà còn bao gồm các chiến hạm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Úc, Hoa Kỳ và thậm chí cả Châu Âu, bao gồm cả Pháp và Đức. … Mà theo Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nếu một quốc gia thành viên bị tấn công, thì coi như tất cả các quốc gia đều bị tấn công. Chỉ cần tàu chiến của Mỹ ở eo biển Đài Loan bị tấn công, 30 quốc gia còn lại sẽ sát cánh cùng Hoa Kỳ”.

Cuối tháng trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố bán gói vũ khí trị giá 440 triệu USD cho Đài Loan. Đây cũng là lần thứ 10 Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Đồng thời, Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ cũng tuyên bố thành lập tổ công tác “Lão Hổ” (Tiger Team) để giám sát việc đẩy nhanh các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan.

Ông Tập muốn gửi tín hiệu rằng quân đội Trung Quốc vẫn ổn định?

Nhà bình luận quân sự kỳ cựu Dương Uy (Yang Wei) nói với The Epoch Times vào ngày 6/7 rằng, không thể loại trừ khả năng chuyến thăm bất ngờ của ông Tập Cận Bình tới Chiến khu Đông Bộ là để chứng tỏ với thế giới bên ngoài rằng quân đội ĐCSTQ vẫn đang ổn định, sẽ không có binh biến hay đảo chính.

Sau cuộc binh biến do thủ lĩnh lính đánh thuê người Nga Wagner phát động vào ngày 24/6, nhiều nhà phân tích đã liên hệ vụ việc này với cuộc khủng hoảng trong quân đội của nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Gần đây, trong quân đội Trung Quốc liên tục truyền ra thông tin về các quan chức ngã ngựa.

Vào ngày 28/6 năm nay, ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu sĩ quan trung tá của Bộ tư lệnh Hải quân Trung Quốc, thông báo trên Twitter rằng Chỉ huy hiện tại của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) đã bị đưa đi khỏi văn phòng vào sáng hôm 26/6. Vụ bắt giữ này có thể liên quan đến việc bán thông tin tình báo của quân đội ĐCSTQ.

Tờ Ming Pao của Hong Kong đưa tin vào tháng 5 năm nay rằng, hai quan chức quân đội cấp cao được cho là đã ‘gặp nạn’ vào hồi tháng 4. Hai người này là Phó tư lệnh Lực lượng Tên lửa Lưu Quang Bân (Liu Guangbin) và Phó tổng tham mưu trưởng của Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương Trương Chấn Trung (Zhang Zhenzhong). Ông Trương Chấn Trung từng là Phó tư lệnh của Lực lượng Tên lửa.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với NTDTV, ông Diêu Thành nói rằng Lực lượng Tên lửa của ĐCSTQ là một đơn vị rất nhạy cảm, họ không sẵn sàng chiến đấu, lòng quân không ổn định.

Vào cuối năm 2021, có thông tin rằng Thượng tướng Lưu Á Châu (Liu Yazhou), một thái tử đảng (*) trong quân đội ĐCSTQ, đã bị bí mật bắt giữ; sự việc này gây ảnh hưởng vô cùng lớn trong quân đội. Trong năm nay, có nhiều kênh truyền thông Hong Kong cũng đưa tin về trường hợp của ông Lưu Á Châu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía chính quyền Bắc Kinh.

Nhiều nhà quan sát cho rằng có những dấu hiệu cho thấy quân đội ĐCSTQ có thể đang trải qua một đợt thanh trừng mới.

Vào ngày 19/6, quân đội Trung Quốc còn ban hành một tài liệu quản lý tương tác xã hội của “các cán bộ lãnh đạo quân đội”, qua đó thúc giục các cán bộ lãnh đạo quân đội “không ngừng sàng lọc các mối quan hệ xã hội, đời sống và bạn bè của họ”. Đây là điều chưa từng có.

Trong bài phát biểu tại Chiến khu Đông Bộ lần này, ông Tập Cận Bình cũng đề cập đến việc xây dựng đảng trong quân đội và "chấn chỉnh kỷ luật, chống tham nhũng".

Ông Tập Cận Bình cũng nói với các sĩ quan tại Chiến khu Đông Bộ rằng, thế giới đã bước vào một thời kỳ hỗn loạn và thay đổi mới, và tình hình an ninh của ĐCSTQ ngày càng trở nên bất ổn, không chắc chắn. Ông yêu cầu quân đội “tuân thủ hướng dẫn hành động, nâng cao ý thức cấp bách”, “dám đấu tranh, giỏi đấu tranh”, v.v.

Ông Diêu Thành cho rằng, chỉ có ông Tập Cận Bình cấp bách, quân đội không cấp bách, quân đội và ông Tập Cận Bình không cùng chí hướng đánh trận; ông Tập kêu gọi “dám đấu tranh” cũng bởi vì quân đội ĐCSTQ sợ chiến tranh.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

(*) “Thái tử đảng” là một danh xưng không chính thức dùng để chỉ tầng lớp con cháu của các quan chức cao cấp nổi bật và có ảnh hưởng trong ĐCSTQ. Bằng một cách không chính thức, tầng lớp này thường được hưởng nhiều đặc ân của nhà nước và có nhiều cơ hội để được đề bạt làm lãnh đạo trong tương lai, dù cho hình thức bên ngoài vẫn là thông qua bầu cử dân chủ; hoặc có các cơ hội kinh doanh, tích lũy khối lượng tài sản khổng lồ mà những người dân thường không thể nào có được.



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập thị sát Chiến khu Đông Bộ, lại đề cập 'chuẩn bị chiến tranh' là có ý gì?