Chính ông Tập cũng không thể dàn dựng chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ tốt hơn thế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhượng bộ ĐCSTQ khi đối mặt với sự hiếu chiến liên tục của nó là một công thức dẫn đến thảm họa. Chính quyền Biden cần ngừng “nói chuyện” và bắt đầu bảo vệ nước Mỹ trên mọi cấp độ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây đã hoàn thành sứ mệnh “người cầu khẩn” khi tới Bắc Kinh vào ngày 19/06.

Từ điển Cambridge định nghĩa một "người cầu khẩn" (supplicant) là “một người cầu xin một vị thần hoặc một người nào đó ở vị trí quyền lực một điều gì đó một cách khiêm nhường”. Chắc chắn là ông Blinken phù hợp với định nghĩa đó. Trong chuyến đi ngắn ngủi, rõ ràng ông ấy đã không đưa ra “yêu cầu lớn” nào nhằm đại diện cho các lợi ích và mối lo ngại của Mỹ trước sự hiếu chiến của Trung Quốc ở Đông Á và các nơi khác trên thế giới. Ông Blinken có thể cũng đã mang lại cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều thứ hơn những gì ông Tập mong đợi.

Hãy cùng nhìn lại vấn đề này.

Không thể tốt hơn

Chính sách Trung Quốc của chính quyền Biden có thể được hiểu là “nói chuyện - nói chuyện”, tức là coi giao tiếp là tối quan trọng mà không để ý đến hành động hay kết quả. Trong lịch sử, các quốc gia khác đã sử dụng các chiến lược “nói chuyện - nói chuyện” để ngụy trang cho ý định thực sự cho đến tận thời điểm xảy ra một cuộc tấn công quân sự - khác với trường hợp lần này. Ví dụ về điều này bao gồm cuộc đối thoại ngoại giao giữa Đức Quốc xã và Liên Xô gần như liên tục trước khi Wehrmacht (lực lượng vũ trang Đức) phát động Chiến dịch Barbarossa vào ngày 22/06/1941. Hay như Đại sứ Nhật Bản (và đô đốc đã nghỉ hưu) Kichisaburo Nomura đã tham gia thảo luận một cách không thành thật với Ngoại trưởng Cordell Hull và các nhà ngoại giao Mỹ khác trong vài tháng trước cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng vào ngày 07/12/1941.

Ngay cả ông Tập có lẽ cũng không thể dàn dựng chuyến đi của ông Blinken tốt hơn thế. Rõ ràng là chính quyền Biden đang tìm cách thiết lập lại các chính sách Mỹ - Trung Quốc theo mô hình đã tồn tại trước thời chính quyền Trump, trong khi không màng tới bất kỳ giới hạn nào đối với hành vi của Bắc Kinh. Chuyến thăm của ông Blinken tới Bắc Kinh phản ánh mong muốn này và không thu được gì thực chất ngoại trừ cơ hội chụp ảnh vào phút cuối với ông Tập. Một cơ hội chụp hình không thể thay thế cho các cuộc đàm phán về các vấn đề khó khăn và quan trọng đối với người Mỹ. Đây mới là điều nên được mong đợi ở một ngoại trưởng Mỹ.

Đây là một trong những kịch bản “đôi bên cùng có lợi” khét tiếng của ông Tập Cận Bình (mang đặc điểm Trung Quốc): Blinken được chụp ảnh cùng, ông xác nhận một số điểm quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và chính bản thân Trung Quốc thì không phải nhượng bộ gì. Và quang cảnh là rất tốt cho ông Tập khi ông ngồi ở đầu bàn đàm phán, điều này cho thấy có vẻ như ông là người làm chủ các trao đổi ngoại giao.

Chính ông Tập cũng không thể dàn dựng chuyến đi của ông Blinken tốt hơn thế
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (thứ 4 từ trái sang) tham dự cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 19/06/2023. (Ảnh: Leah Millis/Pool/AFP qua Getty Images)

Bộ Ngoại giao Biden dường như coi trọng cuộc trò chuyện giữa giới quân đội cấp cao hơn một phản ứng ngoại giao đối với sự hiếu chiến đã được chứng minh của Trung Quốc. Ví dụ, việc khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc vi phạm không phận Mỹ vào đầu tháng 2, việc tàu khu trục Trung Quốc vi phạm các quy tắc hàng hải quốc tế khi đi qua mũi của một tàu khu trục Mỹ ở cự ly gần ở gần eo biển Đài Loan vào ngày 03/06, và việc FBI tiết lộ vào tháng 4 về ít nhất bảy “đồn cảnh sát” bí mật của Trung Quốc do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ điều hành tại Mỹ, chuyên theo dõi và quấy rối người Mỹ gốc Hoa và những người khác ở Mỹ. Ông Blinken đã thất bại trong việc phục hồi các cuộc đàm phán của giới quân đội hai nước trong chuyến đi tới Bắc Kinh.

Mỹ đã nhượng bộ gì?

Trong chuyến đi của mình, ông Blinken không thu được gì nhiều ngoài một danh sách các yêu cầu của ĐCSTQ, cần thiết cho việc "nói chuyện - nói chuyện" trong tương lai. Nhiều nguồn tin đã trích dẫn việc ông Blinken thông báo cho phía Bắc Kinh rằng “Chúng tôi [Mỹ] không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan”. Hầu hết các nhà quan sát khôn ngoan coi đây là một hành động bật đèn xanh cho Trung Quốc tùy ý xâm lược Đài Loan. Tuyên bố nguy hiểm này được kẹp trong bốn lời hứa mà hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã tuyên bố là do ông Blinken đưa ra: “[Hoa Kỳ] không tìm kiếm 'một cuộc chiến tranh lạnh mới', không tìm cách thay đổi hệ thống [chính trị] của Trung Quốc, không tìm cách chống lại Trung Quốc thông qua tăng cường liên minh, không ủng hộ Đài Loan độc lập”.

Trên thực tế, bốn điều “không” này hoàn toàn trái ngược với những gì phải làm để ngăn chặn sự hiếu chiến và hung hăng của Bắc Kinh đồng thời mang lại cho các nhóm thiểu số đối lập hy vọng về việc ĐCSTQ sẽ chấm dứt cuộc đàn áp đối với họ. ĐCSTQ đã gây chiến với Mỹ trong hơn một thập kỷ. ĐCSTQ phải bị thay thế và lật đổ để tạo điều kiện cho quyền tự quyết chính trị của người dân Trung Quốc và một sự mở cửa thực sự của Trung Quốc. Tăng cường liên minh với các quốc gia ở Đông Á và Nam Á là cấp thiết để đối trọng với các động thái gây hấn của quân đội Trung Quốc trong khu vực. Và quyền tự quyết của Đài Loan cần được bảo vệ.

Yêu cầu của phía Trung Quốc

Theo chính quyền Trung Quốc, cải thiện quan hệ song phương là trách nhiệm của Mỹ. Trên thực tế, ĐCSTQ đã đặt ra những kỳ vọng cho các cuộc thảo luận trong tương lai. Các kỳ vọng được đề ra trong các cuộc đàm phán “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng” giữa ông Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh. Chúng bao gồm cả việc “tôn trọng Trung Quốc” và các quyền và lợi ích hợp pháp của nước này (như được định nghĩa bởi ĐCSTQ), chấm dứt “việc kiềm chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc” (thông qua các biện pháp trừng phạt thương mại), chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và chấm dứt các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với những cán bộ cấp cao của Trung Quốc.

Chính ông Tập cũng không thể dàn dựng chuyến đi của ông Blinken tốt hơn thế
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đi cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương trước cuộc họp tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 18/06/2023. (Ảnh: Leah Millis/Pool/AFP qua Getty Images)

Hãy làm những điều này, ông Tần nói, và Trung Quốc sẽ sẵn lòng mang đến cho người Mỹ những cuộc nói chuyện mà người Mỹ mong muốn. Ồ, và Trung Quốc sẽ rất vui khi nhận được thật nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia và Mỹ; cảm ơn rất nhiều. Đừng làm phiền chúng tôi với những lo ngại của bạn về nhân quyền ở Trung Quốc, sự tham gia của Trung Quốc vào sản xuất fentanyl và tiền chất, khinh khí cầu Trung Quốc bay qua không phận Mỹ, các đồn cảnh sát bí mật của Trung Quốc ở Mỹ, hoạt động gián điệp không ngừng nghỉ của Trung Quốc ở Mỹ hoặc sự xâm lấn của quân đội Trung Quốc tại các vùng biển và đảo tranh chấp ở Đông Á mà Nhật Bản, Philippines và các nước khác tuyên bố chủ quyền. Và nguyên tắc “một Trung Quốc” và ba thông cáo chung Trung - Mỹ là bất khả xâm phạm và tồn tại vĩnh viễn. Chúng tôi rất sẵn lòng thảo luận về các biện pháp có lợi cho thương mại và buôn bán của Trung Quốc. Đây là chính sách ngoại giao đôi bên cùng có lợi của Trung Quốc!

Công thức dẫn đến thảm họa

Không một vấn đề quan trọng nào được thảo luận với lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm hai ngày của ông Blinken tới Bắc Kinh. Đặc biệt, phía Mỹ cũng không nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải tuân thủ các điều khoản của Đạo luật Quan hệ Đài Loan, thứ bắt buộc tất cả các bên phải có một “giải pháp hòa bình” cho tương lai của Đài Loan. Chuyến thăm là một thắng lợi về mặt quan hệ công chúng của ông Tập Cận Bình, với việc một ngoại trưởng Mỹ bắt tay ông trong một buổi chụp hình vào phút cuối.

Trong khi đó, với sự kiên quyết của ĐCSTQ, các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc Washington có đáp ứng các điều kiện tiên quyết của Bắc Kinh: tôn trọng Trung Quốc (và định nghĩa của nước này về “lợi ích hợp pháp”), chấm dứt thảo luận về “mối đe dọa từ Trung Quốc”, chấm dứt các biện pháp trừng phạt và thuế quan, và khôi phục quan hệ thương mại trở về với tình trạng trước năm 2017. Với ưu tiên dành cho “nói chuyện” của chính quyền Biden, ĐCSTQ có thể sẽ ném cho Mỹ một cục xương bằng cách đồng ý nối lại các cuộc đàm phán của giới quân đội (trong khi họ không mất gì) để đổi lấy một sự nhượng bộ thực sự từ Mỹ.

Nhượng bộ ĐCSTQ khi đối mặt với sự hiếu chiến liên tục của nó là một công thức dẫn đến thảm họa. Chính quyền Biden cần ngừng “nói chuyện” và bắt đầu bảo vệ nước Mỹ trên mọi cấp độ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Stu Cvrk là Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông từng giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau, với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm khi làm nhà phân tích hệ thống kiêm nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do - điều đóng vai trò nền tảng cho các bài bình luận chính trị của ông.



BÀI CHỌN LỌC

Chính ông Tập cũng không thể dàn dựng chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ tốt hơn thế